Trắc trở con đường tìm kiếm hòa bình Nga – Ukraine

Thứ Bảy, 19/03/2022, 11:20

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, cộng đồng quốc tế hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa hai bên, đồng thời tiếp tục thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.

Nga và Ukraine đã trải qua 3 vòng đàm phán trực tiếp kể từ khi xung đột leo thang hôm 24/2 vừa qua. Giờ đây, các cuộc đàm phán được tiến hành hằng ngày theo hình thức trực tuyến. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, phái đoàn hai nước đang thảo luận về các vấn đề quân sự, chính trị và nhân đạo.

Trắc trở con đường tìm kiếm hòa bình Nga – Ukraine -0
Một lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ người tị nạn Ukraine khi họ vừa qua cửa khẩu Korczowa.

“Đàm phán Nga-Ukraine vẫn tiếp tục theo hình thức trực tuyến về các vấn đề quân sự, chính trị và nhân đạo. Yêu cầu của Nga vô cùng đơn giản và dễ hiểu, xuất phát từ mục tiêu và nhiệm vụ của hoạt động quân sự đặc biệt. Chúng tôi hy vọng rằng  Kiev cuối cùng sẽ nhận ra sự cần thiết của việc phi quân sự hóa và trở thành một quốc gia trung lập vì chính lợi ích của người dân Ukraine và toàn châu Âu”, bà nhấn mạnh. Trong khi đó, theo Thời báo Tài chính của Anh, Ukraine và Nga đã đạt được tiến bộ đáng kể trong kế hoạch hòa bình dự kiến gồm 15 điểm, bao gồm một lệnh ngừng bắn và Moscow sẽ rút quân nếu Kiev tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập và chấp nhận những giới hạn đối với lực lượng vũ trang.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều 17/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu những điều kiện để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Người phát ngôn và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, cho biết, yêu cầu từ phía Nga tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Thứ nhất, Moskva yêu cầu Kiev giữ quy chế trung lập và không gia nhập NATO. Trong số các vấn đề khác có việc Ukraine giải trừ quân bị và bảo vệ tiếng Nga ở Ukraine.

Thứ hai, Tổng thống Nga cho rằng cần có các cuộc gặp trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Ukraine trước khi hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về những vấn đề trên. Ông Ibrahim Kalin không nêu cụ thể các điều kiện của Nga ở nhóm vấn đề này là gì, nhưng cho biết có liên quan đến quy chế của vùng Donbas, miền Đông Ukraine, cũng như Nga yêu cầu Ukraine chính thức công nhận Crimea là một phần thuộc Nga.

Tương tự, khi được hỏi về vấn đề này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết, hiện còn quá sớm để tiết lộ bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev. Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, các cuộc đàm phán đang trở nên thực tế hơn. Và trong các phát biểu riêng rẽ mới đây, ông từng khẳng định sẵn sàng gặp trực tiếp người đồng cấp Nga, cũng như thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO.

Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang được triển khai để hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đang trao đổi với cả Moscow và Kiev, nỗ lực tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán giữa hai bên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy một cuộc gặp giữa hai người đồng nhiệm Nga và Ukraine. Theo Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) Rosemary DiCarlo, tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Ukraine là rất đáng hoan nghênh, dù vẫn chưa thể đi tới một lệnh ngừng bắn.

“Ưu tiên của LHQ và các đối tác là tiếp cận những người bị mắc kẹt do xung đột, bao gồm cả ở miền Đông Ukraine. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của mình trên thực tế nếu hoàn cảnh cho phép. Nhu cầu của người dân ngày càng lớn. LHQ kêu gọi các bên xung đột tạo lối đi an toàn cho dân thường, cũng như cho phép các nguồn cung cấp nhân đạo tiếp cận với những khu vực chiến sự”, ông Rosemary DiCarlo nhấn mạnh.

Không ai có thể lường trước diễn biến cuộc xung đột có thể phát triển bao xa và trên con đường đi tới hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn còn vô số những trở ngại. Đó không chỉ là vấn đề nội tại giữa hai nước, mà còn cả bối cảnh khu vực và quốc tế.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu ngày 17/3 (giờ địa phương) quyết định xác nhận đình chỉ vô thời hạn chương trình hợp tác không gian với Nga, đánh dấu bước đi tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) nhằm trừng phạt Nga. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ra tuyên bố về việc áp trừng phạt lên chương trình không gian của Nga. Đáp lại, Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin đã cảnh báo về việc “rút tay” khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) - nơi thường cố gắng tránh xa các bất đồng chính trị dưới mặt đất, dẫn đến việc có thể khiến trạm vũ trụ 500 tấn này mất kiểm soát, rơi khỏi quỹ đạo và có khả năng “hạ cánh” xuống Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, hay bất cứ vùng dân cư đông đúc nào trên hành tinh.

Tuyên bố của ông Dmitry Rogozin khiến nhiều người đặt câu hỏi về số phận của ISS, nơi hiện là “nhà” của 2 phi hành gia Nga, 4 phi hành gia Mỹ và 1 phi hành gia châu Âu.

Khi được hỏi về những căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây sẽ tác động thế nào đến ISS, cựu phi hành gia người Mỹ Scott Kelly cho rằng trạm vũ trụ quốc tế cần đến sự hợp tác giữa các bên vào lúc này: “Khi bạn đang ở trong không gian và bay quanh Trái Đất với vận tốc 28.158 km/h thì đó là môi trường làm việc rất nguy hiểm, sự hợp tác chính là điều giúp ISS vận hành hiệu quả suốt nhiều năm qua”.

Ông cho biết thêm rằng, ISS là một ví dụ điển hình về nơi có thể có “hòa bình vĩnh viễn” vì tất cả các phi hành gia đều có chung một mục tiêu, khám phá và học hỏi. Vị cựu phi hành gia hy vọng, mối quan hệ hợp tác Mỹ-Nga trong không gian có thể vượt qua được những căng thẳng chính trị ở dưới mặt đất. Trong khi đó, bà Wendy Whitman Cobb, giáo sư tại Trường Hàng không và Nghiên cứu không gian của Mỹ nói rằng: “Tôi có cảm giác rằng ISS đang bắt đầu trở thành một con bài mặc cả trong quan hệ của Mỹ, đặc biệt là với Nga”.

Trong suốt 24 năm qua, Mỹ và Nga đã cùng nhau hợp tác xây dựng và bảo trì ISS – một trong những kỳ quan công nghệ của nhân loại trong thế kỷ XXI, bất chấp những bất đồng trong quan hệ giữa 2 nước. Thế nhưng sự hợp tác này có thể sẽ sớm kết thúc khi căng thẳng giữa Moscow và các nước phương Tây đã lên đỉnh điểm xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

“Điều này có thể sẽ phá vỡ mối quan hệ hợp tác được xây dựng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, ông Asif Siddiqi, một nhà sử học tại Đại học Fordham ở Thành phố New York nhận định. Còn theo bà Julie Patarin-Jossec, nhà xã hội học ở Paris, Pháp, nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đối tác ISS, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, căng thẳng địa chính trị dưới mặt đất có tác động tiêu cực đến các chuyến bay vào không gian của con người.

Rõ ràng, căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine đang khiến Roscosmos và NASA “xa rời” nhau. Điều này có thể mở ra một cuộc đua mới và kỷ nguyên hợp tác không gian mới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.