Tổng thống Ukraine dọa sẽ rút lui nếu thiếu viện trợ
Theo đó, ông Volodymyr Zelensky chia sẻ rằng, nếu Ukraine không nhận được khoản viện trợ quân sự đang mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ, Kiev sẽ buộc phải rút quân từng bước. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Ukraine đang tìm cách để không phải rút lui.
Tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky diễn ra trong bối cảnh Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát trì hoãn thông qua gói viện trợ tài chính và quân sự trị giá 60 tỉ USD cho Ukraine, viện dẫn các ưu tiên trong nước. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson hôm 28/3 (giờ địa phương), ông Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng, việc phê duyệt gói viện trợ này là vô cùng quan trọng.
Theo ông, nếu không có sự hỗ trợ từ Washington, Kiev sẽ không nhận được hệ thống phòng không, tên lửa Patriot, thiết bị gây nhiễu cho tác chiến điện tử, đạn pháo cỡ nòng 155mm. Do đó, Quân đội Ukraine sẽ buộc phải lùi lại, rút lui, từng bước một, theo bước nhỏ, còn Quân đội Nga sẽ tiến vào các thành phố lớn. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng cho biết thêm rằng, dù Ukraine đang sản xuất vũ khí trong nước song vẫn không thể đủ so với nhu cầu.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Ukraine đã tăng cường phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Cụ thể hơn, Chính phủ Ukraine đã bỏ ra gần 1,4 tỷ USD trong năm 2023 để mua và phát triển vũ khí trong nước. Con số này tăng gấp 20 lần so với trước khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự tại đây. Điểm đáng chú ý là một phần lớn vũ khí hiện được mua từ các nhà máy tư nhân đang mọc lên khắp Ukraine. Các nhà máy này nhanh chóng chiếm lĩnh ngành công nghiệp từng thuộc quyền kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, thiếu ngân sách và nhân lực khiến lĩnh vực quốc phòng của Ukraine gặp nhiều hạn chế. Do đó, phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân có thể giúp giải quyết tận gốc tình trạng thiếu hiệu quả, cho phép các nhà máy sản xuất đẩy nhanh tiến độ sản xuất vũ khí và đạn dược. Vào thời điểm hiện tại, khoảng 80% ngành công nghiệp quốc phòng nằm trong tay tư nhân, trái ngược hoàn toàn so với tình hình chỉ một năm trước đó. Tuy nhiên, mặc dù sản lượng đạn súng cối được sản xuất đã cao hơn khoảng 40 lần và sản lượng đạn cho pháo tăng gần gấp 3 lần so với năm 2023 trong khi số lượng máy bay không người lái (UAV) được giao trong tháng 12/2023 tăng gấp 50 lần so với 1 năm trước đó, sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine chưa đủ để bù đắp nguồn viện trợ đang chững lại từ phương Tây.
Ông Trevor Taylor, một nhà nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nói rằng thay đổi này trong lĩnh vực quốc phòng ở Ukraine là rất ấn tượng, nhưng nếu thiếu hỗ trợ từ phương Tây, nước này sẽ không có khả năng đánh bại Nga. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu thuốc nổ trên toàn thế giới. Tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, nhu cầu quốc tế tăng mạnh vì các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas đang làm cạn nguồn cung thuốc nổ và thuốc phóng tên lửa. Tình trạng này khiến các cơ sở quốc phòng Ukraine nhiều lần phải dừng sản xuất.
Chưa hết, trở ngại lớn nhất hiện nay có lẽ là thiếu hụt nhân lực. Ông Yaroslav Dzera, quản lý một trong những nhà máy của Ukraine tên là Armor, cho biết ông đang gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân công nhân có trình độ, đặc biệt là vì nhiều người trong số họ đã được huy động tham gia chiến đấu. Để giảm thiểu vấn đề, Chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ miễn nghĩa vụ quân sự đối với tất cả công nhân ngành công nghiệp quốc phòng trong tương lai.
Và trong bối cảnh khoản viện trợ 60 tỉ USD đang mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ, Ukraine hiện đang tăng cường xây dựng các mối quan hệ địa chính trị trên toàn cầu. Theo đó, Kiev đang nỗ lực liên minh với các nước châu Phi thông qua việc mở rộng chương trình vận chuyển ngũ cốc, tăng gần gấp đôi số đại sứ quán ở châu Phi và Tổng thống Volodymr Zelensky sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới lục địa này trong thời gian tới.
Ukraine, kể từ cuối năm 2022, đã hợp tác với Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc để cung cấp ngũ cốc cho Ethiopia, Somalia và Kenya, những quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu lương thực bởi xung đột. Năm nay, hai nước châu Phi khác là Nigeria và Sudan đã tham gia chương trình trên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine Markiyan Dmytrasevych thông báo cho đến nay, hơn 200.000 tấn lương thực đã được chuyển đến các nước châu Phi và Chính phủ Ukraine có kế hoạch mở rộng chương trình này. Ông nói: “Chúng tôi đang hợp tác với WFP để lên kế hoạch cung cấp lương thực đến Mozambique, Mauritania, Djibouti, Cộng hòa Congo và Malawi”.
Những nỗ lực của Ukraine nhằm giành được sự ủng hộ của châu Phi phản ánh đánh giá ngày càng cao về vai trò của lục địa này trong các vấn đề địa chính trị. Trong một thế giới phân mảnh và phương Tây không còn là tiếng nói duy nhất trên trường quốc tế, điều quan trọng với Kiev là phải có đồng minh và đối tác ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Ukraine cũng đã thấy giá trị của châu Phi trong những tháng đầu của cuộc xung đột với Nga, khi gần một nửa trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc về cuộc chiến đều ở châu Phi.
Giờ đây, trong bối cảnh Mỹ ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine và sự chú ý toàn cầu đang chuyển sang cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza, việc Kiev mở rộng liên minh ra ngoài phương Tây là điều hợp lý. Trong cuộc chiến tiêu hao sinh lực có thể kéo dài nhiều năm, việc có thêm đối tác ở châu Phi và trên toàn cầu là rất cần thiết với Kiev. Bộ trưởng Markiyan Dmytrasevych nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác của mình ở châu Phi, những nơi đang trải qua những tình huống khó khăn về lương thực”.
Những nỗ lực của Ukraine trong tăng cường mối quan hệ trên khắp châu Phi diễn ra sau một chiến dịch của Nga nhằm giành được sự ủng hộ của các chính phủ trên lục địa này. Moskva đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi thông qua sự kết hợp giữa chương trình cung cấp ngũ cốc, hỗ trợ quân sự, quan hệ đối tác truyền thông, các khóa học ngôn ngữ và học bổng đại học.
Tháng trước, Nga cho biết đã vận chuyển 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí tới 6 quốc gia châu Phi như một phần trong nỗ lực thực hiện cam kết của mình. Trong khi đó, đề nghị tăng cường hợp tác quân sự của Nga đã được chấp nhận trong những tháng gần đây bởi chính quyền quân sự của ba quốc gia Tây Phi: Niger, Mali và Burkina Faso, những nước đang chiến đấu với các cuộc nổi dậy thánh chiến ở Sahel.