Tia hi vọng mới cho lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza
Điều này xuất hiện sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết do Mỹ bảo trợ ủng hộ thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Gaza với 14 phiếu ủng hộ và 1 phiếu trắng. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang thực hiện chuyến công du thứ 8 tới Trung Đông kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel – Hamas ngày 7/10/2023.
Nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an thông qua vạch ra một lộ trình ba giai đoạn để đảm bảo chấm dứt hoàn toàn và bền vững cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Giai đoạn 1 bao gồm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đầy đủ và toàn diện, song song với việc trả tự do cho các con tin là người già, phụ nữ và người bị thương, trao trả thi thể của một số con tin bị sát hại và trao đổi tù nhân Palestine. Nghị quyết kêu gọi Israel rút các lực lượng khỏi các khu vực đông dân cư ở Dải Gaza, tiến hành hồi hương người Palestine, đồng thời đảm bảo hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn và hiệu quả trên diện rộng.
Giai đoạn 2 sẽ chứng kiến việc các bên chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch để đổi lấy việc thả tất cả các con tin còn lại vẫn đang bị giam giữ ở Gaza và rút hết lực lượng Israel khỏi Gaza.
Giai đoạn 3 sẽ là khởi động một kế hoạch tái thiết qui mô lớn kéo dài nhiều năm dành cho Dải Gaza và trao trả cho Israel tất cả hài cốt con tin.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng, nếu quá trình đàm phán kéo dài quá 6 tháng cho giai đoạn 1, việc ngừng bắn sẽ vẫn tiếp tục cho tới khi đàm phán hoàn tất. Nghị quyết cũng bác bỏ mọi nỗ lực thay đổi lãnh thổ hoặc về nhân khẩu học ở Gaza, bao gồm các hành động thu hẹp lãnh thổ ở Gaza. Nghị quyết cũng nhắc lại cam kết của Hội đồng bảo an, về tầm nhìn đối với giải pháp hai nhà nước, với Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình với đường biên giới an toàn và được công nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ.
Hoanh nghênh quyết định của Hội đồng Bảo an, Tổng thống Mahmud Abbas của chính quyền Palestine nhấn mạnh, việc đưa ra nghị quyết này là một bước đi đúng hướng để chấm dứt các cuộc xung đột gây tổn hại cho người dân ở Gaza. Phía Hamas hoan nghênh nghị quyết, khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nhà hòa giải trong việc thực hiện các nguyên tắc của nghị quyết phù hợp với yêu cầu của người dân và lực lượng kháng chiến của họ.
Trong khi đó, phát biểu trước Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield gọi cuộc bỏ phiếu là hành động vì hòa bình. Về phần mình, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đặt câu hỏi rằng, Israel đã chấp thuận những nội dung cụ thể nào, nhấn mạnh Hội đồng bảo an không nên thông qua các thỏa thuận với những thông số mơ hồ. Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan đã có mặt tại phiên bỏ phiếu nhưng không phát biểu trước hội đồng.
Trước khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trên, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel tại Jerusalem nhằm thảo luận giải pháp cho cuộc xung đột ở Gaza. Tại các cuộc gặp này, ông nhắc lại rằng, Mỹ và các lãnh đạo thế giới khác ủng hộ đề xuất do Tổng thống Joe Biden công bố vốn sẽ dẫn tới việc ngừng bắn tức thời ở Gaza, mọi con tin được trao trả tự do, và gia tăng viện trợ nhân đạo ở Gaza.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết của Washington đối với an ninh của Israel bao gồm việc đảm bảo một cuộc tấn công như hôm 7/10/2023 năm ngoái sẽ không bao giờ lặp lại. Theo ông, đề xuất đang được đàm phán sẽ có thể giúp ổn định biên giới phía Bắc của Israel và giúp nước này hội nhập hơn nữa với các quốc gia trong khu vực. Ông cũng cập nhật về các nỗ lực ngoại giao hiện nay nhằm lên kế hoạch cho Gaza hậu xung đột qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài cho cả người dân Israel và Palestine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa xung đột lan rộng ở khu vực.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, Ai Cập và LHQ ngày 11/6 đã đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh viện trợ khẩn cấp cho dải đất này tại Thủ đô Amman của Jordan. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi và Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tham dự sự kiện này.
Với chủ đề “Kêu gọi Hành động: Phản ứng nhân đạo khẩn cấp cho Gaza”, các quan chức tham dự hội nghị đã thảo luận các cách thức tăng cường phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và vạch ra các biện pháp hiệu quả để giảm bớt đau khổ mà người dân ở dải đất ven Địa Trung Hải này đang hứng chịu. Hội nghị cũng thảo luận các nhu cầu hậu cần và vận hành cũng như sự hỗ trợ cần thiết, đồng thời tìm kiếm các cam kết về phản ứng tập thể để giải quyết tình hình nhân đạo ở Gaza.
Quốc vương Jordan Abdullah II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị trong việc thống nhất và củng cố các nỗ lực nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Ông Abdullah cũng nêu bật sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza, bảo vệ dân thường và thực thi giải pháp hai nhà nước để đạt được hòa bình và an ninh khu vực.
Bộ Ngoại giao Ai Cập tuần trước tuyên bố mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh viện trợ khẩn cấp cho Gaza là thúc đẩy các bước đi thiết thực nhằm đảm bảo cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp và viện trợ nhân đạo ngay lập tức và bền vững cho Gaza. Hội nghị cũng sẽ tìm cách đẩy nhanh các hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo bền vững và an toàn cho Gaza cũng như bảo vệ dân thường tại đây.
Theo thỏa thuận giữa Tổng thống Ai Cập El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Ai Cập đã đồng ý tạm thời gửi viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu biên giới Karm Abu Salem cho đến khi Israel rút khỏi tuyến đường bộ chính qua cửa khẩu Rafah. Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi các lực lượng Israel rút khỏi cửa khẩu Rafah phía Palestine, coi đây như một điều kiện tiên quyết để mở lại cửa khẩu này.