Sáng triển vọng nối lại đàm phán trên Bán đảo Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên dù khước từ đàm phán cùng Mỹ, song liên tiếp phát tín hiệu sẵn sàng nối lại liên lạc và tham gia các cuộc đối thoại với Hàn Quốc, trong nỗ lực được cho là hướng tới cải thiện quan hệ liên Triều bằng con đường ngoại giao song phương.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 30/9 dẫn lời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại kỳ họp thứ hai Hội đồng Nhân dân tối cao nước này, khẳng định, Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đường dây liên lạc liên Triều, bắt đầu từ tháng 10/2021.
Quyết định trên là nhằm “hiện thực hoá mong muốn và khát vọng của toàn bộ dân tộc Triều Tiên” hướng tới khôi phục hòa bình lâu dài trong quan hệ hai bên, ông Kim nói. Reuters cho hay, đường dây liên lạc mà ông Kim nhắc tới đã bị Triều Tiên ngắt kết nối từ năm ngoái. Hồi cuối tháng 7, Triều Tiên đã kết nối trở lại đường dây này trong vài hôm, rồi lại tiếp tục đình chỉ từ đầu tháng 8 để phản đối cuộc tập trận chung của Mỹ- Hàn Quốc.
Cùng việc mở lại đường dây liên lạc, ông Kim kêu gọi Hàn Quốc cân nhắc xem liệu nước này muốn tiếp tục mối quan hệ bế tắc suốt 7 thập kỉ qua giữa hai bên, hay lựa chọn cách thúc đẩy quan hệ mới với Triều Tiên. Ông tái khẳng định, Bình Nhưỡng “không có lý do gì để khiêu khích hoặc làm tổn thương Seoul”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng hối thúc Seoul nên chấm dứt các hành động thù địch trước khi tìm kiếm một tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Tuyên bố của Chủ tịch Triều Tiên được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hồi tuần trước, trong đó ông Moon một lần nữa nêu đề xuất tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Về mặt kĩ thuật, Bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, bởi sau giai đoạn xung đột 1950-1953, Triều Tiên mới kí kết một thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ và đến nay chưa có hiệp ước hòa bình nào được thông qua.
Trước bình luận của ông Kim, hôm 25/9, em gái ông, bà Kim Yo-jong, người vừa được bổ nhiệm vào Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, cơ quan hoạch định chính sách quốc gia do ông Kim đứng đầu, đã kêu gọi Hàn Quốc từ bỏ chính sách mà bà mô tả là “tiêu chuẩn kép và không công bằng”. Theo bà Kim, nếu Triều Tiên thấy được sự tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng trong quan hệ giữa các bên, Bình Nhưỡng không chỉ sẵn sàng đối thoại mà còn cân nhắc khôi phục Văn phòng liên lạc liên Triều và tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.
Hàn Quốc cùng ngày đánh giá những bình luận mới nhất của Bình Nhưỡng là tích cực và bày tỏ hy vọng có thế sớm nối lại liên lạc liên Triều. “Điều quan trọng lúc này là duy trì liên lạc một cách suôn sẻ và ổn định, làm cơ sở thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa hai miền thông qua đối thoại, hợp tác”, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-joo phát biểu.
Dù phát tín hiệu đối thoại cùng Hàn Quốc, Bình Nhưỡng tiếp tục chỉ trích chính sách mà họ coi là thù địch từ Mỹ. Vẫn trong phát biểu mới nhất, Chủ tịch Kim Jong-un nói rằng, mối đe dọa quân sự và chính sách thù địch của Mỹ không thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ông Kim mô tả những lời đề nghị đối thoại gần đây của Washington là “vỏ bọc” cho chính sách đối đầu, khi mà các biện pháp trừng phạt khắt khe chống lại Triều Tiên do Mỹ khởi xướng không có dấu hiệu sẽ được nới lỏng trong tương lai gần. Trước đó, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song ngày 27/9 cũng khẳng định: “Nếu Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên…họ nên thực hiện bước đi đầu tiên, đó là từ bỏ chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, bằng cách ngừng vĩnh viễn các cuộc tập trận chung cũng như triển khai tất cả các loại vũ khí chiến lược”.
Đáp lại chỉ trích của Triều Tiên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington không có chính sách thù địch và sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với Bình Nhưỡng. “Mỹ không che giấu bất cứ ý định thù địch nào đối với Triều Tiên. Chính sách của chúng tôi kêu gọi một cách tiếp cận thực tế, chính xác, đồng thời mong muốn một quan hệ ngoại giao nghiêm túc và bền vững với Triều Tiên nhằm tăng cường an ninh của Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Giới quan sát nhận định, các thông điệp mới của Triều Tiên cho thấy, Bình Nhưỡng dường như muốn theo đuổi các cuộc đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc để xử lý vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, thay cho các cuộc đối thoại với Mỹ, vốn đã bị đình trệ từ nửa cuối nhiệm kì của Tổng thống Donald Trump. Từ khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, Mỹ tiếp tục đòi hỏi Bình Nhưỡng phải hành động hướng đến phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên trước khi nới lỏng các biện pháp trừng phạt, cách tiếp cận mà Triều Tiên lâu nay cho là thiếu công bằng.
Nhắc đến các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, các nhà quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng dường như đang muốn đo lường mức độ thiện chí của Seoul trong cải thiện quan hệ song phương. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, Triều Tiên đã 3 lần phóng thử tên lửa, bao gồm đợt thử tên lửa hành trình ngày 11 và 12/9, vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa ngày 15/9 và mới nhất là vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 28/9. Ở bên kia biên giới, Hàn Quốc hôm 15/9 cũng bất ngờ tuyên bố khai hỏa một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu năng lực này, theo CNN.
Khác với trước đây, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã kiềm chế và không sử dụng những lời lẽ gay gắt nhất để chỉ trích đối phương sau các vụ thử nghiệm vũ khí mới. Trong bước đi thể hiện sự thận trọng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị nhóm chuyên gia cố vấn an ninh quốc gia của mình tiến hành phân tích toàn diện ý định của Triều Tiên đằng sau các vụ phóng tên lửa và các tuyên bố thiện chí đối thoại gần đây để vạch ra đường hướng tiếp cận phù hợp nhất. Từ phía cộng đồng quốc tế, Hội đồng Bảo an LHQ đã lên kế hoạch sớm tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với hình thức kín theo yêu cầu của Mỹ, Anh và Pháp, để bàn về các vụ thử tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa thực hiện.