Quốc tế quan ngại về tình hình người di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan
Hàng nghìn người di cư bất hợp pháp, ở mọi độ tuổi, từ nhiều quốc gia khác nhau đang đổ dồn về biên giới của Belarus tiếp giáp với các quốc gia láng giềng châu Âu khiến nhiều tổ chức quốc tế cũng như quan chức trên thế giới bày tỏ quan ngại.
Những người di cư bất hợp pháp bắt đầu di chuyển đến khu vực này từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, tình hình leo thang và trở nên bất ổn vào đầu tuần này khi hàng trăm người tiến về biên giới giữa Belarus và Ba Lan, thậm chí nhiều người còn cố gắng dùng sức để phá hàng rào thép gai biên giới ngăn cách giữa hai nước, bất chấp bên kia là khoảng 20.000 binh sĩ, cảnh sát và lực lượng biên phòng vừa được chính phủ Ba Lan tăng cường tới, cùng nhiều khí tài quân sự, xe tăng để ngăn chặn sự xâm nhập "bất hợp pháp" của họ, theo Al Jazeera.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 9/11 tố chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko "tấn công" khu vực biên giới nước này và cả Liên minh châu Âu (EU). Ông Duda cho biết thêm, hiện có một trại với khoảng 1.000 người di cư bị phong tỏa ở phía Belarus, chủ yếu là nam thanh niên và những người này "có nhiều hành động gây hấn".
Ngày 9/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo căng thẳng với Belarus có thể leo thang trong những ngày tới khi ông điều thêm binh sĩ tới biên giới giữa hai nước để đối phó với tình trạng gia tăng số lượng người di cư tập trung tại đây. Cùng ngày, chính phủ Litva đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Belarus.
Bộ trưởng Nội vụ Litva Agne Bilotaite cho biết, tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng từ 10/11 và kéo dài trong 1 tháng trong một khu vực rộng 5km dọc biên giới với Belarus và cả các trại di cư. Các biện pháp sẽ bao gồm hạn chế quyền của những người di cư không thường xuyên cư trú tại Litva được liên lạc bằng văn bản hoặc qua điện thoại. Việc di chuyển của các phương tiện trong khu vực này sẽ bị hạn chế, kiểm soát bởi lực lượng biên phòng. Chỉ những cư dân địa phương cũng như những người có bất động sản trong khu vực mới được phép ra vào khu vực này.
Ngày 9/11, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến này, khẳng định dòng người di cư đổ về khu vực biên giới Belarus tìm cách vào Ba Lan là tình trạng đáng báo động. Cơ quan này cùng Tổ chức Di cư quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đang rất quan ngại về số phận của nhóm người là phụ nữ và trẻ em tại đây, đồng thời, đang tìm cách liên hệ với chính phủ Belarus và Ba Lan để hỗ trợ người di cư.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Nga cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan, song cũng hoan nghênh các chuyên gia của Belarus đã tới giúp những người di cư ở khu vực biên giới, gọi đây là việc làm thể hiện trách nhiệm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus để thảo luận về tình hình này. Ngày 9/11, phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề nghị EU cung cấp cho Belarus hỗ trợ tài chính để ngăn chặn dòng người di cư, giống như một thỏa thuận của EU trước đó đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số nhà ngoại giao của EU cho biết, Liên minh châu Âu đang tiến hành một vòng đàm phán mới để thảo luận về các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức Belarus mà EU cho là đã tổ chức cho những người di cư đến để "trả đũa" cho các lệnh trừng phạt mà EU áp dụng với Minsk trước đó. Giới phân tích cho biết, các nước EU sẽ sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào 30 cá nhân và cơ quan của Belarus, bao gồm cả Ngoại trưởng cũng như hãng hàng không Belavia, dự kiến là vào tuần tới, Reuters đưa tin.
Phía EU và NATO cho rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sử dụng người di cư như một "vũ khí" để gây áp lực với phương Tây bằng cách đưa những người chạy trốn khỏi Trung Đông tới nước này và sau đó đến biên giới với Ba Lan cũng như các nước Baltic khác. Ngày 10/11, đại sứ từ 27 nước thành viên EU đã đạt được một "bước tiến quan trọng", chính thức đồng ý về "cơ sở pháp lý" để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. Phía Minsk bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây.
Các quốc gia EU cũng đang xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Belarus được áp đặt vào tháng 7 bằng cách nhắm vào lĩnh vực tái bảo hiểm cũng như BelarusRe, một công ty siêu lớn tại Belarus thuộc sở hữu nhà nước. EU mới đây đã lần thứ 5 áp dụng biện pháp đóng băng tài sản đối với nhiều quan chức nhà nước và doanh nghiệp Belarus, đây được coi là một đòn giáng mạnh vào mối quan hệ trước nay không mấy tốt đẹp.
Không dừng lại ở đó, các quan chức EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đang kêu gọi áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với các hãng hàng không bị cáo buộc giúp vận chuyển người di cư đến Minsk và từ đây, những người này được cho là tiếp tục di chuyển đến biên giới. Với những biện pháp mới được áp dụng trong tháng này, tính đến nay, số người bị đóng băng tài sản và cấm đi lại của Belarus đã lên gần 200 người, bao gồm cả Tổng thống Lukashenko và các con trai của ông, cũng như hàng chục tổ chức và công ty của nước này.