Phép thử mới với thế giới trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19

Thứ Hai, 29/11/2021, 07:23

Đó chính là sự xuất hiện của “siêu biến thể” Omicron của virus SARS-CoV-2 với số lượng đột biến lớn, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại.

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng, thế giới sẽ chứng kiến các biến thể SARS-CoV-2 mới do virus liên tục đột biến. Việc Nam Phi phát hiện ra biến thể Omicron – biến thể đang lây lan nhanh chóng ở nhiều khu vực của nước này – chính là minh chứng cho lời cảnh báo trên. Đây cũng được xem là lời nhắc nhở rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố biến thể được phát hiện tại Nam Phi, gọi là B.1.1.529, được đặt tên là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. WHO cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về các biến thể của SARS-CoV-2.

“Chúng tôi hiểu rằng mọi người rất lo lắng. Tin tốt là chúng tôi có hệ thống giám sát trên khắp thế giới để phát hiện biến thể mới một cách nhanh chóng. Biến thể Omicron đã được phát hiện cách đây vài tuần và các nhà khoa học đang chia sẻ dữ liệu nghiên cứu với chúng tôi, vì vậy chúng tôi có thể hành động kịp thời”, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 cho biết.

Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine đã nhanh chóng xác định biến thể Omicron là một mối lo ngại đối với thế giới. Moderna cho biết, biến thể này đại diện cho một “nguy cơ tiềm ẩn đáng kể” đối với vaccine COVID-19. “Biến thể Omicron chứa các đột biến được tìm thấy trong biến thể Delta liên quan đến khả năng lây truyền cao và né tránh khả năng miễn dịch. Sự kết hợp của các đột biến nguy hiểm có thể sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra”, Moderna cho biết trong một thông báo.

Hiện nay, khi giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu về biến thể Omicron, các quan chức y tế khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và đi tiêm chủng nếu chưa tiêm vaccine. Các nhà sản xuất vaccine cũng đang chạy đua cập nhật vaccine COVID-19 để đối phó với các biến thể mới. Trong một tuyên bố hôm 26/11, Moderna cho biết họ đang làm việc nhanh chóng để kiểm tra khả năng của vaccine hiện tại trong việc chống lại biến thể Omicron và dữ liệu dự kiến sẽ có trong vài tuần tới. Hãng dược này đang thử nghiệm việc tăng liều lượng vaccine COVID-19 trong trường hợp vaccine và mũi tiêm tăng cường không đủ để chống lại biến thể mới.

“Kể từ đầu năm 2021, Moderna đã thực hiện một chiến lược toàn diện để dự đoán sự xuất hiện của các biến thể mới đáng lo ngại, bao gồm ba cấp độ phản ứng nếu khả năng miễn dịch nhờ vaccine suy giảm”, Moderna cho biết. Các nhà khoa học tại BioNTech cũng đã bắt đầu nghiên cứu tác động của biến thể Omicron đối với vaccine của hãng được phát triển với Pfizer.

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Johnson & Johnson cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các biến thể mới và kiểm tra tính hiệu quả của vaccine trong việc chống lại biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi”. Về phần mình, một người phát ngôn của AstraZeneca cho biết, nhà sản xuất vaccine này đang tìm hiểu tác động của biến thể Omicron đối với vaccine COVID-19 và thử nghiệm phương pháp kết hợp kháng thể chống lại biến thể mới.

“AstraZeneca cũng đang tiến hành nghiên cứu ở những nơi ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, cụ thể là Botswana và Eswatini, điều này sẽ cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu thực tế của vaccine trong việc chống lại biến thể mới này”, AstraZeneca cho biết.

8-1.jpg -0
Các chuyên gia y tế đang cố gắng tìm hiểu thêm về biến thể Omicron. Ảnh: CNN.

AZD7442, phương pháp điều trị kháng thể của AstraZeneca, cũng đang được thử nghiệm để chống lại biến thể Omicron và công ty hy vọng AZD7442 sẽ giữ được hiệu quả vì nó bao gồm hai kháng thể mạnh với các hoạt động khác nhau chống lại virus. Novavax thì cho biết, họ đã bắt đầu phát triển vaccine COVID-19 dựa trên trình tự gen của biến thể B.1.1.529 và sẽ sẵn sàng thử nghiệm và sản xuất trong vài tuần tới.

Ngay sau sự xuất hiện của Omicron, một loạt quốc gia đã áp đặt đợt hạn chế nhập cảnh mới đối với người tới từ các nước có ca mắc biến thể này khi vừa mới bắt đầu nới lỏng chưa được bao lâu. Nhận xét về động thái trên, một số người cho rằng nó có thể giúp các nước có thêm thời gian áp đặt các biện pháp y tế mới để đề phòng. Một số người lại cho rằng hạn chế nhập cảnh không có mấy tác dụng trong ngăn chặn virus lây lan và có thể tạo cảm giác an toàn sai lầm.

Ông Mark Woolhouse, Giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nhận định: “Cấm nhập cảnh có thể trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn một biến thể có khả năng lây lan cao”. Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cũng có nhận định tương tự. Ông cho rằng áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh khiến các chính trị gia “có vẻ như đang làm điều gì đó” nhưng lại không có hợp lý khi các nước giờ đã có vaccine và xét nghiệm nhanh để phát hiện biến thể.

Trong khi đó, Anders Tegnell, chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Thụy Điển, nói rằng cấm nhập cảnh sẽ không có hiệu quả lớn, trừ với các nước có chuyến bay thẳng tới vùng đang có biến thể Omicron. Ông nói: “Cơ bản là không thể theo dõi mọi luồng giao thông đi lại”. Về phần mình, ông Jeffrey Barrett tại Viện Wellcome Sanger, cho rằng phát hiện sớm biến thể mới có thể giúp các biện pháp hiện nay có tác động lớn hơn thời điểm biến thể Delta mới xuất hiện. Ông nói: “Quá trình giám sát ở Nam Phi và các nước gần đó tốt đến mức họ đã tìm thấy biến thể mới này, hiểu nó là vấn đề và nhanh chóng thông báo với thế giới. Biến thể mới có thể đang ở thời kỳ đầu nên vẫn có thời gian để hành động”.

Dù vậy, ông Barrett nói cấm nhập cảnh nghiêm ngặt sẽ phản tác dụng và không nên trừng phạt Nam Phi bằng biện pháp cấm nhập cảnh vì họ đã cảnh báo thế giới về biến thể mới. Các chuyên gia khác thì cho rằng quyết định hạn chế nhập cảnh hiện nay đều mang tính chính trị, không có tính khoa học vì chưa có bằng chứng chắc chắn về mức độ lây lan của Omicron. Trước đó, WHO cũng cho rằng các nước quá vội vàng khi hạn chế nhập cảnh với một số nước ở châu Phi để ngăn chặn biến thể “siêu đột biến” Omicron.

Người phát ngôn WHO Christian Lindmeier nói thêm rằng tổ chức này khuyến nghị các nước thực thi đánh giá nguy cơ dựa trên cách tiếp cận khoa học khi áp hạn chế đi lại.

Khổng Hà (th)
.
.
.