Ông Biden muốn vạch “ranh giới đỏ” trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chủ Nhật, 13/11/2022, 17:17

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 14/11, những vấn đề liên quan đến chiến sự Ukraine, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Biden.

Ông Biden sẽ không nhượng bộ trong cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh Reuters. 

Cuộc gặp “mặt đối mặt” được chờ đợi từ lâu này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa các siêu cường đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ gặp nhau tại Bali, Indonesia trước thềm Hội nghị thượng đỉnh thường niên của G20, quy tụ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn trên thế giới.

Ông Biden tham dự cuộc họp sau một chiến thắng lớn trong nước khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện, trong khi ông Tập hồi tháng trước đã được tín nhiệm bầu làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ. 

“Tôi biết mình đang có vị thế tốt nhưng tôi không cần điều đó. Tôi biết ông Tập và tôi cũng dành nhiều thời gian với ông ấy hơn bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới. Tôi luôn có những cuộc trao đổi thẳng thắn với ông ấy”, ông Biden cho biết ngày 13/11.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã tham gia Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) tại Ai Cập và đang có mặt tại Campuchia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, trước khi đến Indonesia tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20.

Ông Biden gần đây cho biết ông không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ cơ bản nào khi gặp ông Tập và rằng ông muốn cả hai nhà lãnh đạo vạch ra “ranh giới đỏ” và giải quyết các vấn đề còn xung đột.

Nhà Trắng cho biết, cuộc gặp không có khả năng tạo ra kết quả cụ thể và có thể không có tuyên bố chung, nhưng có thể giúp ổn định mối quan hệ căng thẳng trong những năm gần đây liên quan đến một loạt các vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan đến Biển Đông, thương mại và các hạn chế của Mỹ đối với công nghệ Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo đã thực hiện 5 cuộc điện đàm kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống vào tháng 1/2021. Mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang ở mức thấp, đáng chú ý nhất là kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi tháng 8.

Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết cuộc gặp trực tiếp này “mang đến cơ hội giảm bớt căng thẳng và tìm cách quản lý cạnh tranh” giữa hai siêu cường.

Cuộc gặp ngày 14/11 bên lề cuộc họp của các lãnh đạo G20 diễn ra vài tuần sau khi chính quyền Biden công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, coi Trung Quốc là “thách thức lớn nhất đối với trật tự toàn cầu”.

Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Stanford, cho biết chính quyền Biden sẽ cố gắng đạt được “một mũi tên trúng hai đích” khi “tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc về các vấn đề như kiềm chế ở Triều Tiên và biến đổi khí hậu để tạo tiền đề cho hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Trong khi đó, theo Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Quốc tế S. Rajaratnam, cho biết ông Tập có thể sẽ thúc ép ông Biden cam kết duy trì sự ổn định trong quan hệ với Trung Quốc và tôn trọng hiện trạng của Đài Loan. Hai bên cũng có thể mở lại một số cơ chế làm việc thuộc nhiều cấp cho các cuộc tham vấn song phương về thương mại cũng như một số lĩnh vực khác.

Ông Biden cũng sẽ thảo luận về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.