Nước Đức ấn định người kế nhiệm “nữ tướng” Merkel

Thứ Sáu, 26/11/2021, 08:14

Gần hai tháng sau cuộc bầu cử cam go, liên minh “đèn giao thông” gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã công bố thoả thuận thành lập chính phủ mới với vị trí Thủ tướng thuộc về ông Olaf Scholz, mở ra kỷ nguyên mới của nước Đức thời hậu Merkel.

ABC News cho biết, thoả thuận thành lập chính phủ mới tại Đức được liên minh “đèn giao thông” công bố chiều 24/11 (giờ địa phương), sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng và các bên đã giải quyết được hầu hết bất đồng liên quan đến chính sách tài chính, khí hậu cũng như phân chia các vị trí trong chính phủ.

Theo bản thoả thuận dài 177 trang, ông Scholz của SPD sẽ nắm giữ vị trí Thủ tướng, đảng Xanh lãnh đạo bộ ngoại giao, kinh tế, bảo vệ khí hậu và các bộ phụ trách vấn đề gia đình, môi trường, nông nghiệp. Trong khi đảng FDP điều hành bộ tài chính, tư pháp, giao thông, kỹ thuật số, giáo dục và nghiên cứu.

Đại diện SPD, FDP và đảng Xanh đều lên tiếng khẳng định họ muốn Hạ viện sớm bỏ phiếu phê chuẩn chính phủ để nội các mới có thể khởi động công việc trước thềm lễ Giáng sinh. Nếu lộ trình trên diễn ra đúng kế hoạch, SPD sẽ lần đầu tiên lên nắm quyền tại Đức sau 16 năm lãnh đạo của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do “nữ tướng” Angela Merkel đứng đầu.

Nước Đức ấn định người kế nhiệm “nữ tướng” Merkel -0
Ông Olaf Scholz tặng hoa người tiền nhiệm Angela Merkel trong một phiên họp Chính phủ Đức hồi tháng 10/2021. Ảnh: Getty Images.

Tại cuộc họp báo cùng ngày ở Berlin, ông Scholz, 63 tuổi, đã đề cao thoả thuận của liên minh cầm quyền mới, đồng thời kể lại câu chuyện vào năm 1924, khi cột đèn giao thông đầu tiên được dựng lên tại ngã tư Potsdamer Platz tại Thủ đô Berlin, nhiều người đã ngạc nhiên và đặt câu hỏi liệu nó có hiệu quả hay không.

“Ngày nay, đèn giao thông là thứ không thể thiếu để điều tiết mọi thứ đi đúng hướng, để mọi người cùng tiến về phía trước an toàn và thuận lợi. Tham vọng của tôi với tư cách Thủ tướng là liên minh đèn giao thông này sẽ đóng vai trò đột phá tương tự với người dân Đức”, ông Scholz phát biểu.

Là thành viên lâu năm của đảng SPD, từng phục vụ trong 2 chính phủ do bà Merkel lãnh đạo, ông Scholz không phải người xa lạ trên chính trường thế giới. Tuy nhiên, tiếp quản nước Đức từ tay bà Merkel, người được đánh giá là đã đưa Đức tới vị thế lãnh đạo của cả châu Âu và dẫn dắt khu vực vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong suốt 16 năm qua, ông Scholz chắc chắn đối mặt nhiều áp lực, nhất là khi nước Đức đang vật lộn với làn sóng COVID-19 mới phức tạp.

Trong các phát biểu gần đây, ông Scholz ủng hộ việc siết chặt các biện pháp phòng dịch của người tiền nhiệm Merkel. Thủ tướng được chỉnh định Scholz thông báo ông sẽ lập một nhóm xử lý khủng hoảng để điều phối hài hoà chính sách giữa chính phủ liên bang và chính quyền địa phương, cũng như tăng cường ngân sách phục vụ tiêm chủng. “Tiêm phòng là con đường đưa chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”, ông Scholz khẳng định.

Bên cạnh những vấn đề nội bộ liên quan đến ngân sách và ứng phó biến đổi khí hậu…, thế giới đang đặc biệt quan tâm đến việc Đức sẽ hành động ra sao để dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) thoát khỏi những rắc rối do tiến trình Brexit mang lại, cách xử lý cuộc khủng hoảng ở biên giới của EU với Belarus, hay tìm việc tìm ra con đường cân bằng mối quan hệ với đồng minh Mỹ và các cường quốc đối thủ là Nga và Trung Quốc. Dự kiến, Đức sẽ tiếp quản vai trò Chủ tịch G7 vào tháng một năm sau và ông Scholz sẽ ngay lập tức thu hút chú ý với hàng loạt vấn đề quốc tế cấp bách.

Theo New York Times, ông Scholz từ lâu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của một châu Âu mạnh mẽ, tự chủ, tình hữu nghị với Pháp và quan hệ đối tác với Mỹ là những nền tảng chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới. “Một châu Âu tự chủ là chìa khóa cho chính sách đối ngoại của chúng tôi”, ông Scholz nêu quan điểm hôm 24/11. “Là quốc gia mạnh nhất về kinh tế và đông dân nhất ở trung tâm châu Âu, nhiệm vụ của chúng tôi là biến định hướng về một châu Âu tự chủ trở nên khả thi, thúc đẩy và phát triển châu Âu”.

Về Nga, ông Scholz giữ lập trường ôn hoà và ủng hộ dự án đường ống khí đốt gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2. Với Trung Quốc, ông Scholz được cho là đã thể hiện thái độ không muốn theo đuổi chính sách đối đầu và không ủng hộ Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cách nước Đức đề cập đến các vấn đề liên quan tới Nga, Trung Quốc hay cuộc khủng hoảng biên giới Belarus-Ba Lan trong tương lai có thể khá gay gắt khi chức vụ Ngoại trưởng Đức nhiều khả năng sẽ do lãnh đạo đảng Xanh là bà Annalena Baerbock nắm giữ.

Bà Baerbock mang quan điểm cứng rắn và nhiều lần muốn Đức cương quyết hơn với đối thủ. Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Berenberg, nhận xét: “Scholz có ảnh hưởng và ông ấy sẽ còn có ảnh hưởng lớn hơn nữa trên cương vị Thủ tướng… Ông ấy có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có vị thế trên trường quốc tế, miễn là ông ấy duy trì được liên minh 3 đảng”.

Thiện Nhân
.
.
.