Di sản của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thứ Sáu, 01/10/2021, 07:07

Nhìn lại di sản một chính trị gia đúng và đủ luôn là việc khó khăn. Điều này càng thấy rõ hơn trong trường hợp của đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã tuyên bố không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5. Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang đang diễn ra tại Đức. Và khi chính phủ mới được thành lập, bà sẽ chính thức rời khỏi chính trường sau 16 năm chèo lái “con thuyền” nước Đức.

Ngày 30/11/2005 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nước Đức. Bà Angela Merkel là phụ nữ đầu tiên và cũng là chính khách đầu tiên xuất thân từ Đông Đức cũ nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại Đức. Đó chỉ là thời khắc mang tính bước ngoặt cho cá nhân bà Angela Merkel và chính trường Đức, chứ trước đó bà đã kinh qua các vị trí Bộ trưởng trong nội các.

Tuyên bố nổi tiếng trong ngày đầu nhậm chức trước Quốc hội đã đem đến sự hoài nghi: “Trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện đưa Đức vào nhóm 3 nước hàng đầu ở châu Âu”. Điều này đã được chứng minh khi sự ổn định quốc gia lẫn vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) vượt qua khủng hoảng ghim sâu tiếng nói quyết định của Đức.

Từ đó tới nay, Thủ tướng Angela Merkel đã phải đối mặt với nhiều giai đoạn khủng hoảng. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Đồng euro, một trong những biểu tượng mạnh nhất của sự thống nhất châu Âu, đã chịu nhiều áp lực. Bà cảnh báo: “Nếu đồng euro sụp đổ, thì châu Âu cũng sụp đổ theo”.

Di sản của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel -0
Thủ tướng Angela Merkel.

Dưới sự điều hành của bà, quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất EU đã đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh Chính phủ Đức vừa buộc phải áp đặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vừa thực hiện các biện pháp cải cách, đồng thời cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ. Song song với các biện pháp trên, Berlin cũng thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu. Khi đó, trách nhiệm pháp lý của Đức đối với vấn đề nợ của các quốc gia khác ngày càng lớn.

Thực tế cho thấy các nước còn lại trong EU nhìn chung đều chấp nhận vai trò lãnh đạo mới của Đức, lý do là vì cách cư xử tế nhị của bà Angela Merkel. Bà đã kết hợp “văn hóa kiềm chế” với “văn hóa trách nhiệm”, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Johannes Varwick thuộc trường Đại học Halle đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông DW.

Vai trò ngày càng tăng của Đức cũng tạo ra sự mất cân bằng về quyền lực với Pháp. Tuy nhiên, bà Angela Merkel đã cam kết rõ ràng với đối tác thân cận nhất này và phương tiện truyền thông thậm chí còn phát minh ra từ ghép “Merkozy” bởi sự hợp tác tốt của bà với Tổng thống khi đó là Nicolas Sarkozy. Các lãnh đạo Pháp, gần đây nhất là Thủ tướng Emmanuel Macron, có thể quyết định một số vấn đề khác nhau liên quan đến việc mở rộng hơn nữa vai trò của EU, ví dụ việc tạo ra một Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tuy nhiên, vị trí này đã không được thực hiện.

Theo chuyên gia Henning Hoff thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, đây là một “cơ hội bị bỏ lỡ”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu chính trị Varwick nhận định rằng, đang có một “sự xa lánh ngày càng gia tăng” của Pháp và rằng Thủ tướng Đức “không có tầm nhìn xa” về việc làm sâu sắc hơn khu vực EU.

Trong quan hệ với Mỹ, bà Angela Merkel ban đầu là người ủng hộ nhiệt tình cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ. Tuy nhiên, các mối quan hệ này đã “nguội lạnh” dưới nhiệm kỳ của bà, bởi dưới thời Tổng thống Bush và người kế nhiệm Barack Obama, Mỹ ngày càng hướng về châu Á. Đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Angela Merkel và tỷ phú Donald Trump lại có mâu thuẫn về vấn đề Iran, thương mại, NATO và nhiều vấn đề khác. Sự khác biệt này dường như ngày càng trở nên sâu sắc hơn và thậm chí còn mang tính cá nhân.

Bên cạnh những mối quan hệ “đặc biệt” với Pháp và Mỹ, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại của các chính phủ theo hướng khách quan, tổ chức tốt, không cần thiện chí lớn, thỏa thuận tốt với tất cả các bên nếu có thể, và đặc biệt là luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức. Chính sách này đã mang về kết quả. Hoạt động thương mại của Đức, đặc biệt là với Trung Quốc, tăng trưởng mạnh mẽ. Bà thường xuyên công du Trung Quốc và dường như bị cuốn hút. Chuyên gia Henning Hoff đã nhìn thấy từ bà một “sự ngưỡng mộ về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc mà không phải là kinh ngạc”.

Trong suốt 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel, tình hình chính trị toàn cầu đã có nhiều thay đổi. Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, người Anh đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 để rời EU và ngay sau đó, ông Mỹ Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” và “quay lưng” với chủ nghĩa đa phương. Với quan điểm này của Mỹ, bà Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ thất vọng và tuyên bố: “Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa vào người khác ở một mức độ nào đó đã qua”. Theo chuyên gia phân tích Henning Hoff, bà Angela Merkel có “khả năng phi thường trong việc giữ châu Âu và phương Tây xích lại gần nhau” và khả năng này đã được chứng minh khi bà bảo vệ thành công dự án khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Đức-Nga, vốn bị Mỹ và các nước phía Đông EU phản đối.

Cuối cùng, cũng là điều khiến bà Merkel nổi tiếng hơn trên toàn thế giới đó là quyết định mở cửa biên giới nước Đức cho hàng trăm nghìn người tỵ nạn và di cư trong giai đoạn tháng 8, 9/2015. Bà được Tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của năm”, được mệnh danh là “Thủ tướng của thế giới tự do”. Những quốc gia khác, đặc biệt là các nước Đông Âu, lại bực dọc với bà vì đã cố gắng áp đặt chính sách tỵ nạn “hào phóng” cho toàn bộ EU. Kể từ đó, chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu đã gia tăng đáng kể.

Biên tập viên Anna Wintour tới từ tạp chí Vogue của Mỹ có nhận xét rằng: “Tôi thích việc bà ấy có một phong cách dễ nhận biết. Bà Merkel luôn xuất hiện với tôi như một người biết bà ấy là ai. Tôi không có ấn tượng rằng bà ấy đang cố ngụy trang cho mình”. Trong khi đó, theo nhiều hãng truyền thông, ẩn sau phong thái của một nữ nguyên thủ với những quyết sách cứng rắn đến lạnh lùng, bà Angela Merkel vẫn là một phụ nữ với lối lựa chọn thời trang theo sở thích và tính cách của mình.

Nhà thiết kế thời trang Bettina Schoenbach gần như không bao giờ tiết lộ về mối quan hệ với bà Angela Merkel, nhưng thực chất, bà đã trở thành nhà thiết kế riêng cho Thủ tướng Angela Merkel sau khi bà chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2005. Nhà thiết kế không nói chuyện với giới truyền thông, nhưng đó có lẽ là cách bà ấy giữ được vai trò là người tạo ra “bộ đồng phục” đặc trưng của Thủ tướng Angela Merkel, như chúng ta thường được thấy.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.