Những vấn đề phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia

Thứ Hai, 14/11/2022, 10:51

Lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong nhóm G20 tụ họp tại Bali, Indonesia tham dự Hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 14 và 15/11 với nhiều vấn đề hóc búa chưa từng có đang cần giải pháp.

Những vấn đề phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia  -0
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay với chủ đề "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn".

Lạm phát ở nhiều quốc gia đang ở mức cao nhất trong 40 năm, nguyên nhân chủ yếu được cho là giá năng lượng tăng vọt do chiến sự tại Ukraine và chính sách “zero COVID” tại Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ở nhiều nước tăng lãi suất để khống chế giá, nhiều người quan ngại rằng thế giới có thể sẽ sớm chuyển từ khủng hoảng giá cả sinh hoạt sang suy thoái toàn cầu.

Đồng thời, Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế hàng đầu khác đang phải đối mặt với những lời kêu gọi khẩn cấp về hành động quyết liệt để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong khi đó, bất chấp khẩu hiệu lạc quan của Hội nghị thượng đỉnh, “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, triển vọng hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh năm nay dường như rất mỏng manh khi mẫu thuẫn giữa Mỹ và các đối tác với Trung Quốc và Nga ngày càng mở rộng.

Trinh Nguyen, nhà kinh tế học về khu vực châu Á tại ngân hàng Natixis của Hong Kong, cho biết “lạm phát, một vấn đề trước mắt, và vấn đề lâu dài là phát triển bền vững nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon cần có sự phối hợp toàn cầu, một điều khó đạt được trong một thế giới ngày càng phân mảnh và tình hình địa chính trị đang gia tăng căng thẳng”.

“Vì vậy, thách thức đối với G20 là tập hợp các nhà lãnh đạo, những người có quan điểm địa chính trị khác nhau, để tìm ra điểm chung và giải pháp cho cả các cuộc khủng hoảng ngắn hạn và dài hạn”. Chuyên gia này cho biết lạm phát sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của G20 vì đã có tác động sâu rộng đến tất cả mọi người, đồng thời, một thách thức khác đối với G20 là xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp hơn, ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc địa chính trị như cuộc chiến tại Ukraine.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính lạm phát toàn cầu năm 2022 sẽ đạt 8,8%, so với 4,7% vào năm 2021, do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc chiến ở Ukraine và giá nhiên liệu tăng cao.

G20 đã rất khó khăn trong việc đạt được đồng thuận liên quan đến cuộc khủng khoảng chi phí sinh hoạt. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của các nền kinh tế thành viên hồi tháng 7 vừa qua đã không đi đến việc ra thông cáo, vốn được lên kế hoạch từ trước, nhằm giải quyết vấn đề lạm phát, thiếu hụt lương thực và nguồn cung toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế chậm chạp do những bất đồng liên quan đến Ukraine.

Nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Indonesia, đã tìm cách duy trì tính trung lập của diễn đàn, bác bỏ lời kêu gọi của các nước phương Tây và Ukraine loại trừ Nga khỏi các hoạt động, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác về an ninh lương thực và năng lượng.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí vào tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cảnh báo về khả năng căng thẳng địa chính trị làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh, một sự kiện mà theo ông “không phải một diễn đàn về chính trị”.

Tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G20 được tổ chức ở Washington, Mỹ, vào tháng 4, các đại diện từ Mỹ, Anh và Canada đã bước ra khỏi một phiên họp kín khi các đại biểu Nga bắt đầu phát biểu, và vào tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bước ra khỏi các cuộc đàm phán G20 tại Indonesia sau những lời chỉ trích về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.

Các quan chức Nga và Indonesia vào tuần trước đã xác nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh và thay vào đó là Ngoại trưởng Lavrov. Tuy nhiên, ông Putin dự kiến ​​sẽ tham dự ít nhất một trong các cuộc họp theo hình thức trực tuyến. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều sẽ tham dự. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo dự kiến ​​có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên trong ngày 14/11 trước Hội nghị thượng đỉnh.

Radityo Dharmaputra, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Airlangga của Indonesia, cho biết thách thức chính đối với Hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ là tìm cách khuyến khích một số động thái tích cực trong quan hệ giữa Nga và Ukraine. “Indonesia chỉ đơn thuần mời cả hai Tổng thống Nga và Ukraine mà không đưa ra bất kỳ đề xuất nào”, Dharmaputra cho biết.

Vào tháng 6, ông Widodo đã đến thăm Ukraine và Nga trong một nỗ lực ngoại giao nhằm môi giới các cuộc đàm phán hòa bình và cho phép hoạt động xuất khẩu ngũ cốc tự do trở lại.

Tháng sau, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen” do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm đảm bảo việc vận chuyển an toàn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác từ các cảng của Ukraine.

“Indonesia đang muốn đi theo cách ASEAN vẫn làm trong xây dựng lòng tin, đó là thông qua các hoạt động không chính thức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn do những khác biệt về nền tảng văn hóa và bối cảnh xung đột”, Dharmaputra nói thêm.

Shahar Hameiri, nhà kinh tế chính trị tại Đại học Queensland, cho biết năng lượng sẽ là trọng tâm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh vì cuộc chiến ở Ukraine đã làm nổi bật việc các cường quốc năng lượng có thể ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng này như thế nào. Những nước này bao gồm cả các thành viên trong G20, như Nga, Arab Saudi hay Indonesia, Hameiri cho biết.

Chuyên gia này cho biết thêm, một vấn đề quan trọng khác mà ông cho rằng G20 sẽ thảo luận là tái cơ cấu nợ cho các nước đang phát triển gặp khó khăn về tài chính. “G20 đã cố gắng phối hợp về vấn đề này trong một thời gian, tuy nhiên, quy mô của vấn đề nợ đã trở nên lớn hơn rất nhiều, do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất để chống lạm phát trong nước”.

Bất chấp những thách thức và bất hòa chính trị, một số nhà quan sát cho rằng vẫn còn tia hy vọng rằng G20 có thể giải quyết những mối lo chung.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.