Hội nghị Ngoại trưởng G20: Hợp tác để hồi phục mạnh mẽ hơn!

Thứ Sáu, 08/07/2022, 06:30

“Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn”, chủ đề của Hội nghị Ngoại trưởng G20 cho thấy những quyết tâm và nỗ lực của các quốc gia để chung tay phục hồi hậu đại dịch COVID-19, với những hướng đi rõ nét sẽ được xây dựng trong 2 ngày 7-8/7 tại Bali, Indonesia.

Tăng cường chủ nghĩa đa phương

Nội dung phiên họp đầu tiên của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phác họa mục tiêu mà nước chủ nhà Indonesia đã đưa ra trong năm Chủ tịch của mình. Theo đó, việc công nhận tầm quan trọng của hành động tập thể và hợp tác bao trùm giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi trên thế giới luôn là mục đích cốt lõi của G20. Ngày nay, thế giới cần điều đó hơn bao giờ hết.

g20.jpg -0
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tập trung thảo luận những vấn đề nóng trên toàn cầu. Ảnh: G20 Indonesia

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, từ y tế, giáo dục, đến thương mại quốc tế. Đồng thời, khoảng cách về năng lực của các quốc gia trong việc giải quyết khủng hoảng tiếp tục trì hoãn nỗ lực kiểm soát triệt để các vấn đề và khủng hoảng chung thế giới cũng như G20 đang phải đối mặt.

Vì thế, phiên đầu tiên của Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 về tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận các hành động chung nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia, tạo ra một môi trường thuận lợi hỗ trợ sự ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới. Hai diễn giả khách mời - Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Giáo sư Jeffrey Sachs của Đại học Columbia chia sẻ quan điểm của mình tại phiên họp về việc củng cố các nguyên tắc và diễn đàn đa phương trong tình hình địa chính trị hiện nay.

Đặt trong bối cảnh thế giới đang đối diện với những biến động đa chiều, nhất là vấn đề Nga – Ukraine, việc tất cả các thành viên G20 đều xác nhận cử ngoại trưởng tham dự hội nghị lần này là một thành công đáng kể của Indonesia cho đến thời điểm này, với tư cách người cầm lái nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay.

Trong một tuyên bố ngày 1/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đánh giá cao cam kết tham dự của những người đồng cấp, cho rằng điều này sẽ làm tăng sự lạc quan rằng các nhà lãnh đạo G20 có thể thể hiện vai trò của mình trong việc kiến tạo hòa bình thế giới. Bà Retno nhấn mạnh: “Tình hình thế giới đang thực sự rất khó khăn, chúng ta cần hợp tác để thực hiện các cam kết vì hòa bình và nhân loại. Thế giới đang chờ đợi các nhà lãnh đạo G20 thể hiện vai trò lãnh đạo vì hòa bình, nhân loại và thịnh vượng”.

An ninh lương thực và an ninh năng lượng

Giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động rất lớn đến các nước đang phát triển. Vì lý do này, G20 hướng tới thảo luận toàn diện về vấn đề này để đưa ra các giải pháp kinh tế - xã hội bền vững. Phiên thứ hai của Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 về cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng sẽ đưa ra những hành động chiến lược để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực, thiếu phân bón và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Trong phiên họp này, ba diễn giả khách mời bao gồm Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và là đồng Chủ tịch Chương trình Hành động Năng lượng Liên hợp quốc Damilola Ogunbiyi và Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới Mari Elka Pangestu sẽ nêu bật việc xung đột có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển toàn cầu và nền kinh tế.

Trước thềm sự kiện diễn ra, các chuyên gia dự đoán, giống như hầu hết các hội nghị ngoại giao quốc tế gần đây, sự kiện tại Bali sẽ bị phủ bóng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, khác với Thượng đỉnh G7 và NATO ở châu Âu tuần trước, sự kiện này sẽ có những yếu tố khác. Trên thực tế, Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái, với nhiều quốc gia đang bị tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm ngày càng hiện hữu.

Vì vậy, sáng kiến của Liên hợp quốc nhằm mở lại các tuyến đường biển để vận chuyển ngũ cốc, trong đó đưa thực phẩm và phân bón của Ukraine và Nga ra thị trường toàn cầu dự kiến được nhiều nước đưa ra tại hội nghị.

Những mong mỏi “bên lề”

Trong một phát biểu ngày 30/6, bà Dian Triansyah Djani, đồng Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao G20, cho biết hội nghị sẽ không ra văn bản hoặc thông cáo chính thức, nhưng những vấn đề được đưa ra thảo luận sẽ giúp tăng cường hợp tác cụ thể giữa các quốc gia trong tương lai. Mặc dù có thể không đạt được kết quả cụ thể, song hội nghị lần này đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao Nga và Ukraine cùng có mặt tại một diễn đàn quan trọng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Do đó, những phản ứng tại phiên phát biểu của Ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ là điều dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo thông tin truyền thông, một số nước “cùng quan điểm” đang thảo luận cách tiếp cận phối hợp để gửi thông điệp cứng rắn đến Nga tại hội nghị lần này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị. Đây sẽ là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa hai ngoại trưởng kể từ tháng 10/2021 và nằm trong chuỗi các cuộc tiếp xúc gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại thời điểm căng thẳng lên cao liên quan đến nhiều vấn đề.

Theo thông báo của hai bên, cuộc gặp sẽ là cơ hội để tìm ra những "phương án có trách nhiệm" nhằm giảm căng thẳng thương mại song phương, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như khủng hoảng lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, chống ma túy xuyên quốc gia và hợp tác y tế toàn cầu. Phía Mỹ cũng cho biết sẽ trao đổi thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến tình hình Ucraina gần đây với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa ngoại trưởng 3 nước bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20. Nội dung chính trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm 3 bên này được cho sẽ là các vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cùng người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và ông Park Jin, người vừa nhậm chức Ngoại trưởng Hàn Quốc hồi tháng Năm vừa qua trong chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Indonesia, trên cương vị Chủ tịch G20 năm 2022, đã đặt ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực tăng cường kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. Các chuyên gia kỳ vọng, hai ngày hội nghị thực chất và hiệu quả sẽ giúp Chủ tịch G20 đạt được mục tiêu lớn mà nước này đề ra trong năm 2022, đó là nâng cao năng lực tập thể của G20 trong việc đảm bảo sự thịnh vượng chung giữa các quốc gia, thông qua các nỗ lực cải cách đa dạng, hợp tác mạnh mẽ, tăng cường tài trợ và thúc đẩy hợp tác quốc tế dân chủ hơn.

Linh Chi
.
.
.