Những bóng đen phủ mờ COP26
Ngày 31/10, theo đúng kế hoạch, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26) khai mạc tại thành phố Glasgow của Scotland, Vương quốc Anh. Kế hoạch nửa vời của Mỹ cùng kế hoạch quốc gia về khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc đang gây hoang mang cho các nước thành viên COP26.
Bản kế hoạch của Trung Quốc, do ông Li Gao, Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Môi trường Trung Quốc, gửi cho bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu hôm 28/10. Tuy nhiên, so với bản kế hoạch năm 2015 hầu như không có mấy thay đổi. Kế hoạch mới nói rõ hơn rằng Trung Quốc định để khí thải đạt đỉnh vào năm 2030 rồi sau đó giảm lượng carbon hơn 65%.
Theo tờ The Guardian, trong kế hoạch, tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng cơ bản tăng lên 25% so với mục tiêu năm 2015 là 20% và nâng mạnh mục tiêu tái trồng rừng. Trước đó, Trung Quốc không có số liệu về mục tiêu điện mặt trời và điện gió tới năm 2030, nhưng trong kế hoạch vừa trình, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất loại năng lượng này ở mức 1.200GW.
Phản ứng của các nhà phân tích là thất vọng về kế hoạch khí hậu mới của Trung Quốc vì thiếu thông tin mới. Ba mục tiêu chính của kế hoạch mà Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo năm 2020 cũng không đủ để giúp thế giới kiềm chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C.
Bà Belinda Schape tại Tổ chức tư vấn E3G nhận định: “Mọi thứ đã thay đổi so với cách đây một năm”. Bà cho rằng, các mục tiêu của Trung Quốc phải thay đổi và tăng tham vọng trong giải quyết biến đổi khí hậu thì thế giới mới có thể ở dưới ngưỡng nguy hiểm.
Bà nói: “Trung Quốc vẫn có thể đóng góp lớn tại G20 và COP26 bằng cách đưa ra cam kết chính trị để giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm với và làm rõ về vai trò của than đá trong hệ thống điện của nước này”.
Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết ngừng xây dựng nhà máy điện than tại nước ngoài – một bước đi quan trọng và tiến bộ, nhưng các nhà vận động khí hậu cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần làm nhiều hơn trong nước để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này. Hy vọng bản kế hoạch của Trung Quốc có thể là động lực lớn trước thềm COP26 dường như không còn.
Ông Li Shuo tại Tổ chức Greenpeace nói: “Quyết định của Trung Quốc trong kế hoạch giảm khí thải đã phủ bóng lên nỗ lực khí hậu toàn cầu. Do bất ổn kinh tế trong nước mà Trung Quốc dường như ngần ngại đặt ra mục tiêu ngắn hạn mạnh mẽ hơn và bỏ lỡ cơ hội để thể hiện tham vọng khí hậu… Trung Quốc cần đưa ra kế hoạch thực hiện mạnh hơn để đảm bảo khí thải đạt đỉnh trước năm 2025”. Tuy nhiên, các nhà quan sát khác cho rằng điều quan trọng là Trung Quốc đã không chỉ cam kết miệng mà có văn bản.
Bên cạnh đó, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới COP26 khi mà kế hoạch chống biến đổi khí hậu còn đang bàn bạc dang dở. Người đứng đầu Nhà Trắng muốn cho hội nghị COP26 thấy rằng Mỹ đã trở lại trong cuộc chiến chống tình trạng ấm lên toàn cầu, nhưng những trì hoãn tại Quốc hội Mỹ về dự luật mục tiêu khí hậu của ông Biden khiến cho thông điệp này có thể không trọn vẹn.
Ông Joe Biden đã hy vọng trình trước COP26 một dự luật thể hiện cam kết của Mỹ về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng 50-52% tới năm 2030 so với các mức năm 2005. Ông muốn Mỹ trở thành tấm gương để khuyến khích các quốc gia khác đưa ra hành động nhanh chóng, táo bạo để bảo vệ Trái Đất.
Theo kế hoạch của ông, Mỹ sẽ đầu tư hàng trăm tỷ đô la vào năng lượng sạch, nhưng một số khía cạnh đã bị cắt khỏi dự luật. Ví dụ như việc thưởng cho công ty điện lực nếu đầu tư vào năng lượng tái tạo và phạt công ty không làm như vậy. Nỗ lực chấm dứt giai đoạn giảm thuế cho nhiên liệu hóa thạch cũng không thành.
Tới tối 27/10, phe Dân chủ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về nghị trình khí hậu, buộc ông Biden phải rời Washington với kế hoạch nửa vời. Phe Dân chủ lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận trong vài ngày tới. Mặc dù vậy, thiếu dự luật chống biến đổi khí hậu có thể khiến ông Joe Biden khó mà thuyết phục thế giới rằng ông có thể thực hiện cam kết cắt giảm thải carbon ở Mỹ.
Theo giới chuyên gia, đó chính là sự chia rẽ giữa hai quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Hồi tuần qua, đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu của Mỹ John Kerry đã đến Trung Quốc để tìm cách thúc đẩy nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới này đóng góp nhiều hơn nữa cho những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, cái ông nhận lại là những yêu cầu của Trung Quốc đề nghị Washington thay đổi lập trường đối với Bắc Kinh về một loạt vấn đề, từ nhân quyền cho đến Đài Loan (Trung Quốc).
Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng khí hậu là vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, trong khi Mỹ nói rằng 2 nước nên hợp tác bất chấp những khác biệt, Trung Quốc lại cho rằng Mỹ không thể mong đợi sự hợp tác (từ Trung Quốc) khi mà Washington vẫn đồng thời công kích Bắc Kinh về những vấn đề khác.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông John Kerry: “Phía Mỹ muốn việc hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu trở thành một “ốc đảo” của mối quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, nếu “ốc đảo” đó bị bao quanh bởi sa mạc, sớm muộn gì nó cũng sẽ bị sa mạc hóa”.
Ông Vương Nghị nhắc lại rằng, Trung Quốc và Mỹ từng có lịch sử đối thoại và hợp tác song phương hiệu quả về các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, trong đó có cả vấn đề biến đổi khí hậu, mang lại “lợi ích hữu hình” cho cả hai, và những thành tựu trong quá khứ đó là minh chứng cho những triển vọng đạt được giải pháp “cùng thắng” dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những điểm chung, đồng thời gác lại những khác biệt.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều xác định cuộc khủng hoảng khí hậu là một lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, nhưng các cuộc họp trong tuần qua cho thấy rất ít dấu hiệu tiến triển. Ông John Kerry nói với Phó Thủ tướng Hàn Chính rằng “thế giới sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu nếu không có sự tham gia cũng như những cam kết đầy đủ của Trung Quốc”.
Trong khi đó, ông Hàn Chính đáp lại rằng, Trung Quốc đã có “những nỗ lực rất lớn” trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả đáng kể. Bắc Kinh “hy vọng Washington sẽ tạo ra những hoàn cảnh thích hợp để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu dựa trên tinh thần của các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo hai nước”.