Nguy cơ chiến tranh hạt nhân "đáng lo ngại nhất" kể từ Chiến tranh Lạnh

Thứ Năm, 16/06/2022, 09:40

Hồi tháng 1 vừa qua, các cường quốc hạt nhân thế giới gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đã ra một tuyên bố chung hiếm hoi, cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, những số liệu mới công bố về vấn đề này từ Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), đã làm dấy lên nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới và thậm chí là khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Aljazeera ngày 15/6 dẫn báo cáo của ICAN nêu rõ, chín quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi hơn 82 tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí của các nước này trong năm 2021. Cụ thể, Mỹ là nước chi nhiều tiền nhất cho việc cải tiến kho vũ khí hạt nhân (44,2 tỷ USD), tiếp sau là Trung Quốc (11,7 tỷ USD), Nga (8,6 tỷ USD), Anh (6,8 tỷ USD), Pháp (5,9 tỷ USD), Ấn Độ (2,3 tỷ USD), Israel (1,2 tỷ USD), Pakistan (1,1 tỷ USD) và Triều Tiên (642 triệu USD).

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Nhiều nước chi tiêu mạnh để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. Nguồn: AP.

Báo cáo của ICAN có đoạn: "Nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn chi những khoản tiền khổng lồ không đáng có cho việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt trong năm 2021, trong khi phần lớn các nước trên thế giới đều ủng hộ lệnh cấm vũ khí hạt nhân. Những khoản tiền khổng lồ này không thể ngăn chặn cuộc chiến tại châu Âu và làm lãng phí các nguồn lực quý giá có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề, thách thức an ninh hoặc đại dịch COVID-19". ICAN cũng tiết lộ thêm rằng các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân đã chi hàng triệu USD để vận động hành lang.

Không chỉ có ICAN, SIPRI - vốn được đánh giá là nhóm nghiên cứu về vũ khí và xung đột hàng đầu thế giới, cho biết rằng với tốc độ tăng chi tiêu cho việc phát triển vũ khí hạt nhân như hiện nay của chín quốc gia nêu trên, kho đầu đạn hạt nhân toàn cầu sẽ tăng kỷ lục sau nhiều thập kỷ. Giám đốc Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI Wilfred Wan nhận định: "Tất cả quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ, đồng thời tăng cường luận điệu về hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược quân sự. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại".

Theo SIPRI, xung đột Nga - Ukraine và sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev có thể coi là một trong những yếu tố mới nhất dẫn đến sự gia tăng báo động này. SIPRI viện dẫn, chỉ ba ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao. Reuters dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Dan Smith phân tích: "Đầu năm 2021, Pháp chính thức khởi động chương trình phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thế hệ thứ ba. Ấn Độ và Pakistan dường như đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Cả hai nước đã giới thiệu và tiếp tục phát triển các loại hệ thống chuyển giao hạt nhân mới vào năm 2021. Israel dù không công khai thừa nhận, nhưng được cho là đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này".

Theo SIPRI, số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu ghi nhận được giảm từ 13.080 đầu đạn vào tháng 1/2021 xuống còn 12.705 vào tháng 1/2022. Sự sụt giảm này là do cả Mỹ và Nga đã giảm dần kho vũ khí hạt nhân khổng lồ được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh, nhưng số lượng vũ khí hạt nhân đang hoạt động vẫn “tương đối ổn định”. Ông Dan Smith đánh giá, kỷ nguyên giải trừ quân bị sắp kết thúc. Được biết, Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất ở thời điểm hiện tại với tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.588 đầu đạn được triển khai cùng tên lửa và máy bay đang trong tình trạng sẵn sàng cao. Mỹ hiện có 5.428 đầu đạn hạt nhân nhưng có 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai.

Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc với 350 đầu đạn hạt nhân, Pháp (290), Anh (225), Pakistan (165), Ấn Độ (160) và Israel (90). Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự như một yếu tố cốt lõi của chiến lược an ninh quốc gia. Dù Bình Nhưỡng đã không tiến hành các vụ nổ thử hạt nhân hoặc thử tên lửa đạn đạo tầm xa trong suốt năm 2021, tuy nhiên, SIPRI ước tính nước này hiện đã lắp ráp được 20 đầu đạn hạt nhân và sở hữu đủ vật liệu phân hạch cho từ 45 đến 55 đầu đạn.

Niên giám 2022 mà SIPRI công bố cũng ghi nhận một số mốc quan trọng của ngoại giao hạt nhân trong năm 2021, như: Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc (TPNW) có hiệu lực từ ngày 22/1/2021, sau khi được 50 nước phê chuẩn; Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa Nga và Mỹ được gia hạn thêm 5 năm, tới ngày 5/2/2026; hay việc Mỹ khởi động đàm phán với Tehran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Đặc biệt, ngày 3/1 vừa qua, năm cường quốc hạt nhân của thế giới đồng thời là năm quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đã ra một tuyên bố chung hiếm hoi, cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, khẳng định "không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch SIPRI, cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhấn mạnh: "Mặc dù đã có một số thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân trong năm qua, nhưng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng dường như cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng, mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đã xấu đi rất nhiều vào thời điểm mà nhân loại và hành tinh phải đối mặt với một loạt thách thức chung sâu sắc và cấp bách mà chỉ có thể giải quyết bằng hợp tác quốc tế".

Linh Đan
.
.
.