Ngoài khí đốt, còn một "vùng cấm" khác với các lệnh trừng phạt Nga của EU
Liên minh châu Âu (EU) một mặt áp đặt trừng phạt chống Nga, nhưng cũng cân nhắc danh sách rất kĩ để tránh nguy cơ bị Moscow cấm vận ngược.
EU ngày 21/7 đã chính thức công bố gói trừng phạt thứ 7 nhắm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm nhập khẩu vàng, đồng thời đóng băng tài sản của ngân hàng Sberbank, ngân hàng lớn nhất hoạt động tại Nga.
Ngoài ra, EU cũng liệt kê 48 cá nhân vào "danh sách đen", gồm Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov hay thậm chí các diễn viên nổi tiếng người Nga như các ông Sergei Bezrukov và Vladimir Mashkov.
Dù được mô tả là nhằm "tăng cường lệnh trừng phạt kinh tế hiện có nhằm vào Nga, hoàn thiện việc thực thi và tăng cường hiệu quả của chúng", nhưng gói trừng phạt thứ 7 tiếp tục loại trừ khí đốt Nga, mặt hàng mà họ vẫn chi trả hàng trăm triệu USD mỗi tuần để nhập khẩu.
Tờ Wall Street Journal ngày 21/7 tiết lộ, ngoài khí đốt, EU cũng đã chặn đề xuất trừng phạt công ty kim loại Nga VSMPO-Avisma vào phút chót, sau khi Pháp và các thành viên khác phản đối động thái này do lo ngại bị Nga cấm vận ngược bằng cách chấm dứt xuất khẩu titanium sang EU.
Theo tờ báo, VSMPO-Avisma là nhà cung cấm titanium quan trọng cho Airbus. Hãng sản xuất máy bay khổng lồ của châu Âu này đặt trụ sở chính tại Pháp và sử dụng một lượng lớn nhân công trên khắp EU. Airbus đã công khai kêu gọi EU tính toán kĩ để tránh tình huống Nga cấm xuất khẩu titanium.
Nga là nhà xuất khẩu titanium lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Nhật Bản. VSMPO-Avisma là công ty độc quyền về titanium của Nga, đang khai thác và sản xuất 1/3 lượng titanium phục vụ ngành công nghiệp máy bay trên toàn thế giới.
Dữ liệu được công bố cách đây vài năm cho thấy, VSMPO-Avisma chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 40% titanium cho công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing của Mỹ, 60% cho Airbus và gần như 100% cho hãng chế tạo máy bay Embraer của Brazil.
Việc thay thế titanium của Nga là điều rất khó với các nhà sản xuất máy bay. Ngành công nghiệp bay sử dụng titanium bắt đầu đồng thời cả ở Mỹ và Liên Xô từ thập niên 1950. Tuy nhiên, Nga là nước hiếm hoi trên thế giới có công nghệ sản xuất titanium chất lượng cao cho ngành hàng không.
So với mọi loại vật liệu khác trên trái đất, titanium có những lợi thế nhất định là độ cứng tốt, nhẹ, khả năng chịu va đập. Chỉ có titanium chất lượng cao mới đủ sức giúp các linh kiện máy bay chịu áp lực ở độ cao lớn và tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây hại.
Theo Reuters, mỗi chiếc máy bay cần hàng chục tấn titanium để chế tạo các bộ phận hạ cánh, cánh quạt và đĩa tua bin.... Ví dụ, mẫu Boeing 787 mới ngốn khoảng 17 tấn titanium mỗi chiếc.