Nga-NATO cắt đứt liên lạc quân sự, quan hệ "nóng" chưa từng thấy
Quan chức ngoại giao Nga xác nhận mọi liên lạc quân sự giữa Moscow và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bị cắt đứt. Nga cảnh báo sẽ phản ứng quyết liệt nếu NATO kết nạp Ukraine.
Hãng tin RiaNovosti chiều 22/10 (giờ Hà Nội) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko xác nhận các liên lạc quân sự giữa Nga và NATO hiện đã bị cắt đứt. "Không còn bất cứ yếu tố tích cực nào (trong mối quan hệ giữa Nga và NATO) ngay lúc này", quan chức ngoại giao Nga tuyên bố.
Theo lời ông Grushko, một mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa Nga và NATO sẽ rất khó được duy trì trong bối cảnh liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu liên tiếp có hành động thù địch chống lại Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cáo buộc NATO đang cố gắng "thiết lập trạng thái quân sự mới", nhưng không nêu rõ chi tiết, theo Sputnik. Nhà ngoại giao Nga cho rằng, NATO đang "trượt vào lối hành xử thời Chiến tranh Lạnh" và cách tiếp cận như vậy sẽ tác động xấu đến quan hệ với Moscow.
Loạt phát biểu trên được ông Grushko đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố đóng cửa phái bộ liên lạc của NATO ở Moscow và đình chỉ hoạt động của cơ quan đại diện Nga tại NATO, hành động được cho là để đáp trả việc NATO trục xuất 8 thành viên phái bộ Nga tại tổ chức này.
Trong bước đi được mô tả là tiếp tục khiến quan hệ Nga-NATO leo thang căng thẳng, các bộ trưởng quốc phòng NATO mới đây đã bất ngờ nhất trí một kế hoạch tổng thể mới nhằm đối phó Nga trên nhiều mặt trận.
Chiến lược trên được NATO mô tả là nhằm chuẩn bị cho bất cứ "cuộc tấn công tiềm tàng" nào ở khu vực Biển Đen và Biển Baltic, có thể bao gồm cả vũ khí hạt nhân, tấn công mạng máy tính hay thậm chí là các cuộc tấn công từ không gian.
Sputnik cho hay, vào năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ James Baker đã cam kết với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng "một inch" nào về phía Đông xa hơn biên giới Đức.
Việc NATO đảo ngược lời hứa và kết nạp 3 nước vùng Baltic cùng 4 nước thuộc Nam Tư cũ đã khiến Nga cảm thấy bị phản bội.
Hôm 21/10, sau khi người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin xác nhận Washington ủng hộ nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko khẳng định, việc Kiev gia nhập khối sẽ là một bước đi cực kỳ nguy hiểm và buộc Moscow phải phản ứng thích đáng.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi sự hiện diện quân sự của NATO ở Ukraine là một "mối đe dọa đối với Nga" và cho rằng chuyến thăm của ông Austin tới Kiev đã "mở ra cánh cửa cho Ukraine gia nhập NATO". Điện Kremlin hồi tháng 9 từng cảnh báo việc NATO mở rộng bất cứ hạ tầng quân sự nào trên đất Ukraine sẽ vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin.