Nga – Ukraine “đấu khẩu” về điều kiện đàm phán hòa bình

Chủ Nhật, 16/06/2024, 09:35

Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, nếu muốn hòa đàm với Nga thì Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi những vùng mà Nga mới sáp nhập, đồng thời phải chính thức từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Trong khi đó, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, những điều kiện mà người đồng cấp đưa ra để chấm dứt xung đột là “tối hậu thư” đối với Kiev và do đó, không thể chấp nhận được.

Phát biểu tại cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/6 (giờ địa phương), người đứng đầu Điện Kremlin nêu rõ, nước Nga sẵn sàng khởi động hòa đàm với Ukraine vào bất cứ lúc nào nhưng phải đáp ứng một điều kiện, đó là các lực lượng Ukraine phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, các tỉnh Kherson và Zaporozhye mà Moscow đã tuyên bố chủ quyền.

15_6_2024_quocte_hoadamngaukraine.jpg -0
Tổng thống Volodymyr Zelensky (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Joe Biden  ở Washington, DC.

Ông nói: “Quân Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi DPR và LPR, các tỉnh Zaporizhzhia và Kherson, cụ thể là khỏi toàn bộ lãnh thổ của những vùng đó trong khuôn khổ địa giới hành chính như vốn tồn tại vào thời điểm gia nhập Ukraine trước đây. Một khi Kiev tuyên bố sẵn sàng cho điều này và bắt đầu rút quân thực sự khỏi những nơi đó, cũng như chính thức từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, chúng ta sẽ lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán”.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nếu phương Tây và Ukraine từ chối đề xuất hòa bình cụ thể lần này như trước đây họ vẫn vậy thì trách nhiệm về tình trạng tiếp tục đổ máu sẽ nằm về phía họ; đồng thời lưu ý, chi tiết là nhiệm kỳ tổng thống chính thức của ông Volodymyr Zelensky đã kết thúc nhưng Quốc hội Ukraine vẫn là cơ quan hợp pháp. Đáp lại, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng: “Tôi có thể nói gì? Những tối hậu thư này không khác gì những thông điệp trước đây”. Trợ lý của ông, ông Mikhail Podoliak, cũng cho rằng, ý tưởng của Tổng thống Nga không “thực tế”.

Theo đó, nhà lãnh đạo Nga “không đưa ra đề xuất hòa bình thực sự” và thể hiện “không muốn kết thúc chiến tranh”. Trợ lý của Tổng thống Ukraine lập luận rằng, kế hoạch của ông Vladimir Putin tập trung vào việc yêu cầu Kiev từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền, đồng thời khiến Ukraine rơi vào tình thế “không được bảo vệ” bằng cách không gia nhập NATO. Bình luận về phản ứng của Ukraine về đề nghị Tổng thống Vladimir Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng: “Đây là một đề xuất toàn diện, rất sâu sắc và mang tính xây dựng”. Theo ông, nếu các điều khoản có vẻ khắc nghiệt hơn những gì Moscow đề xuất vào mùa xuân năm 2022, thì đó là vì “một tình huống khác đã nảy sinh” với việc 4 khu vực trước đây của Ukraine đã lựa chọn trở thành một phần của Nga. Ông Dmitry Peskov cũng nhắc lại rằng, Ukraine đã nhận được các điều khoản hòa bình có lợi hơn vào tháng 3/2022, nhưng Kiev đã từ chối chúng “theo đề nghị của Anh”.

Nga bấy lâu nay luôn coi việc Ukraine gia nhập NATO là một sự leo thang. Mỹ và các đồng minh dường như cũng ý thức được điều này nên Washington đã vạch ra rào cản cho nỗ lực gia nhập vào khối liên minh quân sự này của Kiev. Trả lời một cuộc phỏng vấn gần đây, người đứng đầu Nhà Trắng nêu rõ, ông chưa sẵn sàng ủng hộ “NATO hóa Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng, mình đã chứng kiến “vấn đề tham nhũng trầm trọng” ở Ukraine khi ông đến thăm với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ. Ông lưu ý: “Hòa bình, không có nghĩa là gia nhập NATO”, và giải thích thêm rằng, một phần của kế hoạch hòa bình ở Ukraine là xây dựng quan hệ với Kiev, bao gồm cả những đảm bảo an ninh sẽ dẫn đến việc “chúng tôi cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai”. Đây là một đòn giáng mạnh vào các quan chức Ukraine, những người luôn thúc đẩy việc nhanh chóng gia nhập NATO.

Niềm hy vọng của Ukraine trong thời gian qua đang được đặt vào hội nghị của NATO tại Mỹ, dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 11/7 tới, nhằm mang đến một tín hiệu rõ ràng hơn về tư cách thành viên của Kiev. Nhưng Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho rằng, Ukraine khó có thể nhận được lời mời trở thành thành viên tại sự kiện này, mà chỉ cam kết sẽ cung cấp gói an ninh làm “cầu nối” cho tư cách thành viên. Tuy nhiên, việc từ chối kế hoạch thúc đẩy tư cách thành viên sẽ khiến hy vọng gia nhập NATO của Ukraine bị lung lay. Ông Leo Litra, thành viên danh dự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nêu quan điểm: “Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực để không làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của mình. Không ai ở NATO và đặc biệt là ở Mỹ, muốn phải kiểm tra Điều 5”. Điều 5 của NATO đề cao nguyên tắc phòng thủ tập thể và sẽ buộc Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây phải triển khai lực lượng quân sự của mình để bảo vệ Ukraine nếu nước này gia nhập.

Do đó hiện tại, Ukraine phải chấp nhận một loạt “đảm bảo an ninh”. Sau Tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7/2023, Ukraine đến nay đã ký 15 hiệp định an ninh song phương với các nước thành viên NATO. Tất cả các thỏa thuận đều có nhiều cam kết khác nhau trong khoảng thời gian 10 năm tới. Hiện, một thỏa thuận an ninh giữa Mỹ - Ukraine đang được thảo luận. Trong khi đó, Trợ lý Tổng Thư ký NATO David van Weel tiết lộ rằng, một đề nghị sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7 tới là một thỏa thuận giữa NATO với Ukraine để mở rộng hợp tác về công nghệ quốc phòng và trao đổi thông tin tình báo liên quan đến khả năng tác chiến điện tử của Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, mặc dù đã có những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Ukraine từ các đồng minh NATO, nhưng những đảm bảo an ninh này sẽ không có giá trị mấy nếu không có cam kết về tư cách thành viên đầy đủ. Nhà phân tích người Canada Michael MacKay bình luận: Khi không có tư cách thành viên NATO đối với Ukraine, đảm bảo an ninh cho Ukraine chỉ là “những lời nói dối”. Trong khi Ukraine và một số thành viên NATO coi những thỏa thuận này là “công cụ chuẩn bị cho Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai, “quan điểm chung, đặc biệt là ở Mỹ và Đức là việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là một sự leo thang đối với Nga”. Về phần mình, Người đứng đầu chương trình Đông Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức Stefan Meister nhận định, những đảm bảo này là “lựa chọn tốt thứ hai mà Ukraine có thể có được vào thời điểm hiện tại - chúng có thể dẫn đến sự hội nhập vào NATO, nhưng vẫn còn rất xa mới đạt được điều này”.

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine

Ngày 15/6, Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine đã chính thức khai mạc tại tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock tại Thụy Sĩ và kéo dài trong 2 ngày. Sự kiện này thu hút sự tham dự của 100 đoàn đại biểu, trong đó có 57 nguyên thủ quốc gia. Trong phái đoàn nước chủ nhà Thụy Sĩ có Ủy viên Hội đồng Liên bang Ignazio Cassis, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Liên bang (FDFA).

Theo thông cáo của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, mục đích của hội nghị thượng đỉnh lần này là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong tương lai và xác định các yếu tố thực tế, cũng như các bước có thể giúp hiện thực hóa tiến trình như vậy. Hội nghị sẽ có phiên họp toàn thể, với nội dung thảo luận về các chủ đề được đề cập trước đó. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về cách thức và thời điểm Nga có thể tham dự tiến trình này. Trong thông cáo báo chí, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đánh giá, việc xây dựng một giải pháp lâu dài cuối cùng cần có sự tham gia của cả hai bên.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết, nước này đã mời hơn 160 phái đoàn tham dự hội nghị, trong đó có các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số tổ chức quốc tế. Nga không nằm trong danh sách được mời tham dự hội nghị lần này. (Như Thảo)       

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.