NATO tìm giải pháp thích hợp để kết nạp Phần Lan và Thụy Điển

Thứ Hai, 16/05/2022, 08:07

Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã tổ chức cuộc họp không chính thức tại Berlin (Đức) trong hai ngày 14 - 15/5. Cuộc họp tập trung thảo luận về tình hình tại Ukraine cũng như ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đối với an ninh của các quốc gia thành viên NATO, "Khái niệm chiến lược mới" của liên minh và ý định kết nạp 2 thành viên mới Phần Lan và Thụy Điển.

Về "Khái niệm chiến lược" mới của NATO, đây được coi là tài liệu cơ bản quan trọng bậc nhất của khối liên minh quân sự này. Khái niệm chiến lược sẽ đề cập một loạt chủ đề như mối quan hệ với các quốc gia như Nga và Trung Quốc, các vấn đề như răn đe và phòng thủ, các thách thức liên quan đến an ninh của khối như tấn công mạng và mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh.

Theo Ngoại trưởng Luxembourg, Jean Asselborn, NATO đang hồi sinh sau khi bị cho rằng "chết não" vào năm 2019, nhờ vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Các Ngoại trưởng NATO tiếp tục thảo luận về dự thảo "Khái niệm chiến lược" mới, để trình các nhà lãnh đạo NATO thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh này vào tháng 6 tới tại Tây Ban Nha. Cuộc họp cũng thảo luận về mong muốn gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia quan trọng trong NATO, không ủng hộ động thái này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố: "Người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đại đa số họ phản đối tư cách thành viên NATO của các quốc gia ủng hộ tổ chức khủng bố người Kurd PKK/YPG. Người dân yêu cầu chúng tôi đóng băng tư cách của các nước này. Tất nhiên đây là vấn đề chúng tôi cần trao đổi với các đồng minh NATO và những quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển mà các bạn đề cập".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã tuyên bố Ankara "không có quan điểm tích cực" về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các tổ chức bị Ankara coi là khủng bố. Đối với "chướng ngại vật" này, Ngoại trưởng Latvia Edgar Rinkevics khẳng định, NATO sẽ tìm ra giải pháp hợp lý để chấp nhận Phần Lan và Thụy Điển là thành viên mới của liên minh quân sự này bất chấp những lo ngại từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tìm ra cách để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO nếu họ chính thức nộp đơn. Tôi hiểu rõ mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cũng hoàn toàn hiểu sự phức tạp của vấn đề, nhưng chúng tôi đã có những cuộc thảo luận trong liên minh rất nhiều lần trước đây. Chúng tôi luôn tìm ra các giải pháp hợp lý và lần này cũng vậy. Phải nói rằng tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan cũng sẽ đóng góp tầm quan trọng nhất định đối với toàn Liên minh trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ", ông nhấn mạnh.

NATO tìm giải pháp thích hợp để kết nạp Phần Lan và Thụy Điển -0
Phó Tổng thư ký NATO, ông Mircea Geoana, phát biểu trước báo giới bên lề cuộc họp. Ảnh: NATO.

Cũng liên quan đến vấn đề gia nhập NATO, ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto, cảnh báo quan hệ giữa hai nước có thể bị tác động tiêu cực nếu Phần Lan gia nhập NATO. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Phần Lan bỏ vị thế trung lập về quân sự và gia nhập NATO sẽ là sai lầm, "vì an ninh nước này không đối mặt bất kỳ mối đe dọa nào". Trước đó giới chức Nga nhiều lần cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan về những hậu quả an ninh, kinh tế nếu gia nhập NATO, bởi Nga sẽ coi hai quốc gia này là mục tiêu do bản chất NATO coi Nga là đối thủ.

Sẽ có những thay đổi nhất định khi NATO và Thụy Điển gia nhập NATO, dù không nhiều. Trên thực tế, Thụy Điển và Phần Lan đã trở thành đối tác chính thức của NATO từ năm 1994 và kể từ đó đến nay cũng là các bên có đóng góp đáng kể cho liên minh. Cả 2 nước đều đã tham gia vào một số nhiệm vụ của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Thay đổi đáng kể nhất là việc áp dụng Điều 5 của NATO, trong đó coi một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên là cuộc tấn công nhằm vào tất cả.

Lần đầu tiên từ trước tới nay, Phần Lan và Thụy Điển có thể nhận được đảm bảo an ninh từ các quốc gia hạt nhân. Mặc dù dư luận đã nhanh chóng chuyển sang ủng hộ gia nhập NATO, nhưng nhà sử học Henrik Meinander cho rằng Phần Lan đã được chuẩn bị về mặt tinh thần cho điều này. Từng bước nhỏ hướng tới NATO đã được thực hiện kể từ khi Liên Xô tan rã.

Năm 1992, Phần Lan mua 64 máy bay chiến đấu của Mỹ. 3 năm sau đó, nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU), cùng với Thụy Điển. Mỗi thời chính phủ Phần Lan kể từ đó đều cân nhắc về "lựa chọn NATO". Quân đội của quốc gia 5,5 triệu dân này có sức mạnh thời chiến là 280.000 binh sĩ và tổng số 900.000 quân dự bị. Thụy Điển có một con đường khác vào những năm 1990, theo đó giảm quy mô quân đội và thay đổi các ưu tiên từ phòng thủ lãnh thổ sang các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Chế độ nhập ngũ bắt buộc được thực hiện trở lại và chi tiêu quân sự gia tăng. Năm 2018, mọi hộ gia đình đều nhận được cuốn cẩm nang quân sự có tựa đề "Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra". Đó là lần đầu tiên Thụy Điển phát những cuốn cẩm nang như vậy kể từ năm 1991. Hiện nay, Phần Lan đã đạt được mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP, mức mục tiêu mà NATO đặt ra cho các thành viên. Thụy Điển cũng đang thúc đẩy các kế hoạch tương tự.

Ở Thụy Điển, nhiều người cho rằng việc gia nhập NATO sẽ không khiến nước này an toàn hơn. Bà Deborah Solomon, thuộc Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển, cho rằng khả năng răn đe hạt nhân của NATO làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ dấy lên cuộc chạy đua vũ trang với Nga. Điều này làm phức tạp các nỗ lực hòa bình và khiến Thụy Điển trở thành một nơi kém an toàn hơn. Một mối lo ngại khác là nếu gia nhập liên minh quân sự, Thụy Điển sẽ mất vai trò tiên phong trên toàn cầu trong các nỗ lực giải trừ hạt nhân.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Phần Lan Wallstrom nhắc lại việc các ngoại trưởng NATO từng bị Mỹ gây sức ép để không gia nhập các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân của Liên Hợp Quốc năm 2019. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Hultqvist cho rằng, không có bất cứ mâu thuẫn nào giữa tư cách thành viên NATO với các tham vọng giải trừ hạt nhân của Thụy Điển.

Tính chất trung lập của Phần Lan lại rất khác biệt. Đó là một điều kiện của hòa bình mà Liên Xô ra đặt trong "thỏa thuận hữu nghị" năm 1948. Đây cũng được xem như giải pháp thực dụng để tồn tại và duy trì độc lập của Phần Lan. Tính chất trung lập của Thụy Điển là vấn đề bản sắc và ý thức hệ, trong khi ở Phần Lan đó là câu hỏi về sự tồn tại, theo nhà sử học Henrik Meinander. Ông cho rằng một phần lý do Thụy Điển vẫn còn đang tranh cãi về tư cách thành viên NATO là vì nước này coi Phần Lan và Baltic như một "vùng đệm".

Phần Lan đã hướng về phương Tây từ sau khi Liên Xô tan rã. Gia nhập EU không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích an ninh. Nhà khoa học chính trị Sarkka cho rằng việc gia nhập NATO được xem là bước đi quá lớn đối với Phần Lan vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, thời gian và quan điểm về rủi ro đã thay đổi. Hiện giờ phần lớn người Phần Lan đều nói rằng, họ đã sẵn sàng gia nhập liên minh quân sự.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.