Mỹ - Hàn tăng cường đối thoại về vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của nước này Noh Kyu-duk sẽ tới Mỹ vào tuần tới để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Sung Kim về nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên.
Dự kiến tại Washington, ông Noh Kyu-duk có kế hoạch gặp giới chức của Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia và các quan chức nước chủ nhà khác, tiếp nối các cuộc thảo luận của ông với người đồng cấp Sung Kim tại Seoul.
Chuyến thăm kéo dài 4 ngày của đặc phái viên Noh Kyu-duk, bắt đầu từ ngày 29/8, diễn ra chỉ khoảng 1 tuần sau chuyến thăm Hàn Quốc của đặc phái viên hạt nhân Mỹ Sung Kim. Tại Seoul, hai bên đã thảo luận về vấn đề viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Bình Nhưỡng phản đối các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Cũng trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua, ông Sung Kim nêu rõ rằng, Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên và rằng ông “sẵn sàng gặp những người đồng cấp Triều Tiên ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các dự án hợp tác nhân đạo liên Triều. Mỹ không có ý định gây hấn, thù địch đối với Triều Tiên. Các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn đang diễn ra chỉ là hoạt động thường kỳ, hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, thúc đẩy sự hỗ trợ an ninh giữa 2 quốc gia. Tôi xin tái khẳng định rằng, luôn sẵn sàng để gặp gỡ những quan chức Triều Tiên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”.
Về phía Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk cũng nhấn mạnh: “Mỹ - Hàn đang theo dõi tình hình trên bán đảo, bao gồm việc Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc. Chúng tôi đã nhất trí sẽ hợp tác để có thể nối lại đàm phán với Triều Tiên càng sớm, càng tốt. Chúng tôi đã thảo luận về các dự án hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết mục tiêu của Washington trong giải quyết vấn đề hạt nhân với Triều Tiên là thông qua biện pháp ngoại giao. Ông nhấn mạnh rằng Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim sẽ tiếp tục tham gia sâu vào vấn đề này và sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao có tính nguyên tắc và thực tiễn.
Quan chức ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng dựa trên các biện pháp ngoại giao nhằm đạt được những tiến triển rõ ràng, tăng cường an ninh cho người dân của Mỹ và các đồng minh của nước này cũng như cho các lực lượng được triển khai trong khu vực. Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh vai trò cốt lõi của ngoại giao và đối thoại trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong ngày 27-8, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, phía Triều Tiên không hồi đáp các cuộc gọi qua đường dây liên lạc từ phía Hàn Quốc vào sáng cùng ngày, xóa tan hy vọng rằng phía Bình Nhưỡng có thể sẽ nhấc máy vào thời điểm này, khi mà cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc.
Trước đó, từ ngày 10 đến 13/8, quân đội Hàn-Mỹ diễn tập tham mưu kiểm soát khủng hoảng (CMST), mang tính chất diễn tập sơ bộ chuẩn bị cho cuộc tập trận chính thức. Diễn tập tham mưu kiểm soát khủng hoảng tập trung vào việc đối phó với các tình huống giả định như khủng bố, khiêu khích cục bộ, ngăn không để tình hình lan rộng thành chiến tranh.
Bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nêu rõ: “Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng cũng bắt đầu các cuộc tập trận kết hợp có thể tạo điều kiện cho sự bất ổn... Chúng tôi sẽ tăng cường năng lực phòng thủ và tấn công phủ đầu mạnh mẽ để nhanh chóng đáp trả mọi hành động quân sự”.
Trong khi đó, ông Kim Yong-chol, người đứng đầu Bộ Mặt trận thống nhất Triều Tiên, có nhiệm vụ xử lý các vấn đề liên Triều, cũng cảnh báo hành động của Mỹ và Hàn Quốc sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh quy mô lớn.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục có những bình luận khá gay gắt về đối phương, phủ bóng đen lên triển vọng đàm phán trong nhiều tháng. Dù chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại đối thoại.