Lo ngại về "thảm họa dioxin" sau vụ tàu trật bánh ở Mỹ

Thứ Bảy, 25/02/2023, 10:59

Sau vụ tàu hỏa trật bánh ở East Palestine, bang Ohio, nhiều quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng chất độc dioxin có thể được phát sinh từ hoạt động đốt chất hóa học và tồn tại trong môi trường.

Quan ngại về
Cột khói đen khổng lồ bốc lên từ nơi đốt các hóa chất rò rỉ sau vụ tàu trật bánh. Ảnh AP. 

Tuần trước, các thượng nghị sĩ Mỹ tại bang Ohio là Sherrod Brown và J.D. Vance đã gửi thư tới cơ quan bảo vệ môi trường của bang bày tỏ lo ngại rằng việc đốt cháy các hóa chất rò rỉ từ một số toa tàu vì mục đích an toàn cũng có thể đã giải phóng chất độc dioxin. Các nghị sĩ đã cùng cư dân của thị trấn nhỏ này cũng như các nhà môi trường từ khắp nước Mỹ kêu gọi cơ quan chức năng của tiểu bang và liên bang kiểm tra đất xung quanh địa điểm nơi các toa tàu bị lật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dioxin là một nhóm các hợp chất hóa học độc hại có thể tồn tại trong môi trường trong thời gian dài. Chất này được tạo ra thông qua quá trình đốt cháy các chất hóa học và có thể gắn vào các hạt bụi, từ đó bắt đầu lan tỏa trong hệ sinh thái.

Frederick Guengerich, nhà nghiên cứu chất độc học tại Đại học Vanderbilt của Mỹ, cho biết những cư dân gần nơi các chất hóa học bị đốt cháy có thể đã tiếp xúc với dioxin qua da hoặc vô tình hít phải.

Guengerich cho biết da tiếp xúc với dioxin nồng độ cao có thể gây ra chloracne - một chứng viêm da dữ dội.

Tuy nhiên, việc đốt cháy các chất hóa học và thải ra dioxin không phải con đường chính mà chất độc này xâm nhập vào cơ thể con người mà đó là qua tiêu thụ thịt, sữa, cá và động vật đã bị nhiễm. Quá trình này cần thời gian.

Ted Schettler, chuyên gia y tế công cộng của Mỹ nhấn mạnh “các nhà chức trách phải điều tra địa điểm xảy ra vụ lật tàu càng sớm càng tốt” vì “điều quan trọng là phải xác định mức độ dioxin có trong đất và khu vực xung quanh”.

Nguyên giám đốc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ Linda Birnbaum, nhà nghiên cứu hàng đầu về dioxin, cho biết việc đốt vinyl clorua (loại chất rò rỉ từ các toa tàu bị trật bánh) có tạo ra dioxin. Các chuyên gia khác cũng đồng quan điểm rằng vụ tai nạn có thể đã tạo ra loại chất độc này.

Murray McBride, một nhà khoa học về đất và cây trồng của Đại học Cornell, cho biết “chùm khói đen khổng lồ” tại East Palestine cho thấy quá trình đốt cháy đã thải ra rất nhiều hợp chất carbon phức tạp.

McBride cho biết trong môi trường đã có sẵn một lượng dioxin, xuất phát từ hoạt động công nghiệp hoặc thậm chí từ việc đốt rác của người dân.

Một khi được giải phóng, dioxin có thể tồn tại trong đất hàng chục năm. Chúng có thể gây ô nhiễm thực vật. Chất này tích lũy trong dầu và các chất béo khác.

McBride cảnh báo dioxin có thể theo các hạt trong không khí và bay đến các trang trại ở khu vực lân cận và dính vào đất. “Nếu động vật ăn cỏ ngoài đồng, chúng sẽ hấp thụ một lượng dioxin từ các hạt đất, dioxin xâm nhập vào cơ thể của động vật, và sau đó tích tụ trong mô mỡ”.

Cuối cùng, dioxin có thể xâm nhập vào các loại thực phẩm và đến tay người tiêu dùng. “Tích tụ sinh học” đồng nghĩa với việc lượng dioxin có thể xâm nhập vào con người nhiều hơn lượng dioxin được tìm thấy trong môi trường sau vụ tai nạn.

“Động vật không chuyển hóa và loại bỏ dioxin như các chất hóa học khác, và chất này được lưu trữ trong mỡ của động vật mà con người ăn và tích tụ theo thời gian, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng tồi tệ hơn”, Schettler cho biết.

Các chuyên gia cho rằng người dân có lý do để lo ngại về dioxin từ vụ tai nạn này.

McBride cho biết, mặc dù dioxin vẫn có mặt với một lượng nhỏ từ các nguồn khác, nhưng một lượng lớn vinyl clorua bị đốt cháy từ các toa tàu có thể tạo ra nhiều dioxin hơn bình thường.

Phải mất từ 7 đến 11 năm để hóa chất này bắt đầu phân hủy trong cơ thể người hoặc động vật. Dioxin có thể gây ra ung thư, các vấn đề phát triển ở trẻ em và các vấn đề sinh sản và vô sinh ở người lớn, theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia.

Tuy nhiên, chuyên gia Guengerich cũng cho rằng những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn khác như tiếp xúc với vinyl clorua, chất cũng có thể gây ung thư, cấp bách hơn so với dioxin.

Tiến sĩ Maureen Lichtveld, từ Đại học Pittsburgh, cũng đồng quan điểm rằng vinyl clorua là mối quan ngại lớn hơn dioxin. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của cư dân sau vụ tai nạn.

Duy Tiến (Theo AP)
.
.
.