Kinh tế toàn cầu và tương lai khó đoán định
Dịch bệnh, lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tạo ra những thời khắc không thể dự đoán của kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Thế giới trong năm 2022 sẽ tiếp tục bị ám ảnh bởi COVID-19.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron, hiện đang thống trị ở một số quốc gia, nhắc nhở chúng ta rằng chưa có con đường suôn sẻ nào thoát ra khỏi đại dịch này. Với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới vẫn chưa hoàn thành tiêm chủng, Omicron khó có thể là biến thể cuối cùng. Một số biến thể trong tương lai ít nhất cũng có thể kháng một phần vaccine và thế giới có thể buộc phải chấp nhận COVID-19 là căn bệnh đặc hữu như một thực tế cuộc sống. Những phương pháp xét nghiệm sáng tạo, vaccine, thuốc điều trị sẽ tiếp tục được phát triển.
Nhưng trong khi đó, với biến thể Omicron vẫn đang lan rộng và các hệ thống y tế một lần nữa lại bị quá tải, nhiều nước đã thắt chặt lại các hạn chế đối với đi lại và tụ tập nơi công cộng, thậm chí tới mức áp đặt lại các biện pháp phong tỏa. Các biến thể khác có thể có ảnh hưởng tương tự. Điều này có nghĩa là việc mở cửa trở lại nền kinh tế tiếp tục là một quá trình ngắt quãng.
Các chuỗi cung ứng lại bị kéo căng
Những sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã bắt đầu giảm dần - được phản ánh trong việc giá vận tải container giảm trong tháng 12/2021 - giờ đây lại tiếp tục và có thể gia tăng, đặc biệt là nếu biến thể Omicron lan rộng ra khắp châu Á, nơi nó đã xuất hiện. Chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, theo đó thậm chí chỉ một vài ca nhiễm cũng có thể dẫn tới kịch bản phong tỏa toàn bộ các thành phố và những hạn chế hà khắc đối với các đội vận chuyển tàu biển, là mối đe dọa đặc biệt đối với các chuỗi cung ứng vì Trung Quốc đóng vai trò then chốt cho sự vận hành trơn tru cùa chúng. Các nhà phân tích đã bắt đầu giảm dự báo của mình đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở những nền kinh tế lớn.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ sẽ cắt giảm các dự báo trong tháng 10/2021 của mình. Các nhà kinh tế thuộc lĩnh vực tư nhân, trong đó có những người thuộc các công ty Oxford Economics, Goldman Sachs và ING, đã cắt giảm dự báo đốỉ với tăng trưởng của Mỹ sau khi gói tài chính “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” trị giá 1.750 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden không được Quốc hội nước này thông qua. Nhiều ngân hàng cũng đã cắt giảm dự báo của họ đối với tăng trưởng của Trung Quốc kể từ tháng 8/2021. Cách thức Trung Quốc đối phó với sự suy giảm kinh tế và đặc biệt là cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản của nước này sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Bóng ma lạm phát
Trong bối cảnh trầm lắng này, lạm phát đã bắt đầu xuất hiện lớn hơn trên “màn hình radar” của các ngân hàng trung ương. Với mức lạm phát của Mỹ cao nhất trong 40 năm qua, Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) không còn miêu tả đó là hiện tượng tạm thời. Họ đang đẩy mạnh việc giảm dần các giao dịch mua tài sản, hiện sẽ kết thúc vào tháng Ba, thay vì tháng Sáu. FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất - sớm hơn hai tháng so với dự kiến ban đầu.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu, trong khi Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất và các ngân hàng trung ương của Chile, Brazil, Hungary, Mexico, Norway, Ba Lan và Hàn Quốc cũng có động thái tương tự. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, 2022 sẽ là năm có lãi suất cao hơn và đang tăng lên. FED, cơ quan được theo dõi chặt chẽ nhất trong số các ngân hàng trung ương, đã báo hiệu rằng sẽ có ba đợt tăng lãi suất vào năm 2022.
Nhưng cơ quan này sẽ phải đối mặt với những bất trắc mà sẽ làm cho công việc của nó trở nên khó khăn hơn. Một mặt, sự lây lan của biến thể Omicron có thể dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động kinh tế. Sự suy giảm này có thể sẽ được củng cố thêm bởi sự đình trệ gần đây của gói kích thích tài chính “Xây dựng lại tốt đẹp hơn”.
Trong tương lai gần, Mỹ không còn gói cứu trợ kinh tế nào nữa. Nếu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ suy giảm mạnh, FED có thể bị lôi cuốn vào việc kéo dài thời gian tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Omicron cũng có thể dẫn đến tỷ lệ lạm phát thậm chí còn cao hơn nếu những sự đứt gãy chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tình trạng này có thể đẩy mức lương tăng. Trong một kịch bản như vậy, việc tăng lãi suất có thể diễn ra nhanh hơn và lớn hơn so với chúng ta dự kiến hiện nay.
Ngay cả kịch bản lạm phát đình trệ - tăng trưởng thấp cộng với lạm phát cao - cũng không thể loại trừ. Tình trạng này có thể đẩy FED vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng. Họ sẽ buộc phải lựa chọn giữa một mặt chống lạm phát và mặt khác đối phó với suy thoái kinh tế và sự sụt giảm mạnh giá tài sản. Các chính sách của ngân hàng trung ương sẽ không còn dễ dự đoán như trước khi dịch bệnh bùng phát.
Những bất trắc trên thị trường tài chính
Hiện nay, các thị trường tài chính dường như không bị đảo lộn. Trừ những sự chao đảo không thường xuyên trong dịp Giáng sinh do những mối đe dọa xung quanh biến thể Omicron gây ra, các thị trường vẫn giữ được ổn định. Mặc dù có sự “xoay trục”, mạnh mẽ của FED và các ngân hàng trung ương khác, họ dường như đã hành động theo chủ nghĩa duy lý khi cho rằng mặc dù mức lạm phát cao đã xuất hiện, nhưng các nền kinh tế vẫn có thể chống chọi được.
Lập luận cơ bản của những người có thái độ lạc quan là thậm chí dù sắp có các đợt tăng lãi suất, chính sách tiền tệ sẽ vẫn phù hợp ít nhất cho đến tháng Ba, với việc FED tiếp tục mở rộng bảng kết toán tài sản. Ngay cả sau ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, lãi suất huy động vốn của FED sẽ vẫn ở mức gần 1%. Đây không phải là vấn đề lớn. Họ cũng đang nhìn xa hơn, vượt ra ngoài vấn đề biến thể Omicron.
Nhưng thị trường cũng có thể gặp phải một cú sốc dữ dội. Do một phần được thúc đẩy bởi nguồn cung, các chuỗi cung ứng bị phá vỡ và tình trạng thiếu hụt lao động, lạm phát có thể không bị tác động trước các đợt tăng lãi suất nhỏ. Nếu các ngân hàng trung ương quyết liệt chống lạm phát thông qua các đợt tăng lãi suất lớn hơn và thường xuyên hơn như vào cuối những năm 1970, các thị trường vốn đã ở mức cao trong nhiều năm có thể phải “chịu đòn”. Ngoài việc bị tác động bởi những chi phí đi vay cao hơn, tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp trong năm 2022 sẽ không mạnh mẽ như trong năm 2021 vốn một phần là kết quả của sự phục hồi từ nền tảng thấp năm 2020.
Tuy nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực sẽ bị tác động như nhau. Ví dụ, lĩnh vực nhạy cảm về lãi suất như thu nhập cố định, doanh nghiệp bất động sản và có lực đòn bẩy tài chính cao sẽ bị tác động nặng nề hơn so với các lĩnh vực khác. Lĩnh vực tài chính và các công ty có quyền định giá có thể được lợi trong môi trường lãi suất cao hơn, trong khi các công ty phục vụ cho các xu hướng siêu lớn, chẳng hạn như số hóa, điện toán đám mây và metaverse (mạng lưới thế giới ảo 3D tập trung vào các kết nối xã hội), cùng với các lĩnh vực phòng thủ là tương đối nhanh phục hồi. Có khả năng sẽ có rất nhiều sự cải tổ các danh mục đầu tư trong năm nay.
Nhìn chung, nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2022. Tuy nhiên, mức lạm phát cao hơn, phản ứng của các ngân hàng trung ương và các thị trường tài chính, cũng như những bất ngờ từ COVID-19 và các biến thể của nó có thể khiến 2022 trở thành năm khó đoán định hơn so với năm 2021.