Kinh tế toàn cầu mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau đại dịch

Thứ Bảy, 15/05/2021, 10:42
Đây là nhận định của các quan chức và giới chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Delphi VI, diễn ra tại Thủ đô Athens của Hy Lạp từ ngày 10 đến 15/5 theo hình thức trực tuyến.

Chương trình nghị sự của diễn đàn năm nay bao gồm nội dung như kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, công nghệ và sức khỏe. Hơn 1.000 khách mời từ khoảng 40 quốc gia đã tham gia sự kiện này.

Tại diễn đàn, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, ông Christopher Pissarides, nhận định quá trình phục hồi sẽ cần thời gian ít nhất là 2 năm và nền kinh tế không thể khởi động đơn giản chỉ bằng cách "ấn nút".

Chia sẻ quan điểm trên, ông Gunther Oettinger, cựu Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Nguồn nhân lực, cho biết nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường chậm nhất là vào năm 2024.

Trong khi đó, ông Barry Eichengreen, Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, cho biết so với cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, sự phục hồi lần này sẽ nhanh hơn nhưng "sẽ không nhanh như việc bật công tắc".

Cũng tại sự kiện trực tuyến này, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna nhận định khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ là cuộc "khủng hoảng hình chữ V", vì vậy sau tình trạng suy thoái sâu sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh các chính phủ không nên lặp lại những sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo quan chức này, thay vì gấp rút khôi phục ngân sách như nhiều nước đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng trước, thì lúc này cần phải chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi.

Đề cập ở khía cạnh khác, cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 được xem là chất xúc tác cho nền kinh tế châu Âu và thế giới. Theo ông, đây là lời cảnh tỉnh giúp phát hiện những điểm yếu của các nền kinh tế và đẩy nhanh tiến trình số hóa. Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng.

Trong khi đó, chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn cho rằng, phải mất từ 2 - 3 năm để đạt miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu nhằm chống lại COVID-19 thông qua tiêm chủng. Theo ông, để đạt miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên cần 70-80% số người mắc bệnh và 5% số người tử vong trên toàn cầu.

Ông Chung Nam Sơn cho rằng, cách làm này là "phi thực tế, phi khoa học và vô nhân đạo". Ông cho biết, tiêm chủng đại trà là một cách khác để đạt miễn dịch cộng đồng và điều này cần sự phối hợp trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ 2-3 năm.

Theo vị chuyên gia này, nếu hiệu quả của vaccine là 70%, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 89,2% dân số. Đối với châu Á và châu Âu, tỷ lệ này lần lượt là 80,2% và 96,2%. Với hiệu quả của vaccine là 80%, 78% dân số thế giới cần được tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, trong khi con số này sẽ là 70,2% đối với châu Á và 84,2% đối với châu Âu.

Ông kêu gọi người dân tiêm phòng càng sớm càng tốt để đạt miễn dịch cộng đồng, giảm tác động tiêu cực của COVID-19 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Còn có chuyên gia cho rằng, mặc dù trong điều kiện miễn dịch cộng đồng, sự xuất hiện của các cụm dịch mới sẽ không gây ra sự gia tăng theo cấp số nhân của ca bệnh và có thể được kiểm soát, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn về đại dịch, vì các yếu tố như biến chủng virus và hiệu quả lâu dài của vaccine vẫn cần được xem xét.

Nền kinh tế thế giới cần ít nhất 2 năm để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ảnh: OECD.

Ngoài kinh tế, đại dịch COVID-19 đã trở thành mối đe dọa trên nhiều phương diện khác, từ khủng hoảng y tế cho tới khủng hoảng chính trị và an ninh khi các quốc gia trở nên "vị kỷ" hơn, ưu tiên lựa chọn chính sách dân túy và dân tộc chủ nghĩa.

Từ khi đại dịch bùng phát một năm trước, những lời kêu gọi đoàn kết trên toàn cầu và các nỗ lực đa phương sâu sắc hơn để chống lại đại dịch đã có được động lực mạnh mẽ.

Giới lãnh đạo chính trị ở châu Á đã cùng với cộng đồng quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động tập thể nhằm chống lại mối đe dọa chung, song hợp tác đa phương trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng. Sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng càng củng cố lập trường lợi ích cá nhân thay vì thúc đẩy hợp tác.

Trong khi đó, sự cứng nhắc của các thể chế đa phương quốc tế không còn phù hợp với mục đích giải quyết những thách thức về kinh tế và an ninh trong thế kỷ XXI. Mặc dù vậy, hồi phục hệ thống đa phương vẫn là cách duy nhất để cộng đồng quốc tế ứng phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và đại dịch. Nhiều thay đổi trong trật tự đa cực đã định hình các mối quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong khi chính trị quốc tế vẫn chịu ảnh hưởng từ sự cạnh tranh giữa các siêu cường - lần này là giữa Mỹ và Trung Quốc, các "cực" quyền lực và ảnh hưởng mới đã xuất hiện khi Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) ngày càng có nhiều sức nặng về kinh tế.

Quy mô ảnh hưởng của các cực này đối với trật tự kinh tế quốc tế phụ thuộc vào mức độ gắn kết lợi ích trong những thay đổi của chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu. Ví dụ, BRICS đã thúc đẩy cải cách các thể chế như trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giành được nhiều quyền biểu quyết hơn song kết quả thu về cho đến nay vẫn khá hạn chế.

Việc G7 mở rộng thành G20 là một dấu hiệu khác cho thấy sự phân bổ lại lợi ích giữa một nhóm đa dạng các nhân tố với cùng mục tiêu định hình cấu trúc kinh tế mới. Những thay đổi này đã dẫn đến khái niệm về một thế giới "G-Zero", một thế giới "vô cực" - nơi không quốc gia hoặc khối quốc gia nào nắm quyền lực chính trị và kinh tế để thao túng chương trình nghị sự quốc tế.

Các khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng nhờ lợi ích giao thoa và tương thuộc của các hiệp định thương mại tự do (FTA), như các hiệp định lớn của châu Á là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Dù Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều là những nhân tố đi đầu trong CPTPP và RCEP, lợi ích khác nhau của các quốc gia thành viên đồng nghĩa với thực tế mỗi khối lại có những mục tiêu khác nhau.

Những vấn đề về sự gắn kết và bất đồng trong lợi ích có thể được giảm thiểu nếu các thể chế đa phương - dù cạnh tranh - vẫn có thể tập trung nỗ lực hướng tới mục tiêu chung, đặc biệt trong việc giải quyết các mối đe dọa toàn cầu như y tế, môi trường và an ninh lương thực.

Động lực thúc đẩy một trật tự đa phương không bị giới hạn bởi những liên minh gồm các nhân tố có chung chí hướng hay sự phổ biến các dàn xếp thương mại đa phương.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook, những "gã khổng lồ" có khả năng thay đổi luật chơi- đặc biệt là với sự thống trị trên thị trường toàn cầu và khả năng tận dụng những kẽ hở của khuôn khổ pháp lý, là điều không nên bỏ qua.

Các quỹ tư nhân, như Quỹ Bill và Melinda Gates, đã đóng góp đáng kể vào cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét và HIV/AIDS, hay thậm chí là đi đầu trong hoạt động nghiên cứu vaccine và phương pháp điều trị COVID-19.

Sự phức tạp của các vấn đề xuyên quốc gia mà thế giới ngày nay đang phải đối mặt cho thấy mức độ phụ thuộc lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ của các quốc gia và xã hội. Những thách thức này đang tái định hình một trật tự đa cực đa dạng hơn nhưng kết nối nhiều hơn, với ngày càng nhiều lực lượng có ảnh hưởng tới quản trị toàn cầu.

Trong một thế giới như vậy, các thể chế khu vực như ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác và chủ nghĩa đa phương. Các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức tư nhân cũng có một vai trò quan trọng, cùng nhau gợi mở nhiều hơn những con đường dẫn tới phát triển, hòa bình và an ninh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.