Khủng hoảng Sudan: Cần nhiều hơn một lệnh ngừng bắn!

Thứ Năm, 04/05/2023, 07:15

Thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày tại Sudan có thể cho thấy nỗ lực của tất cả các bên, nhưng chưa thể đủ để giải quyết mâu thuẫn tại Sudan. Một lệnh ngừng bắn hoàn toàn đang được nhiều nước kêu gọi nhằm chấm dứt đổ máu tại quốc gia Đông Phi này, mở đường cho viện trợ nhân đạo sau chuỗi ngày khủng hoảng vừa qua.

Bộ Ngoại giao Nam Sudan ngày 2/5 (giờ địa phương) cho biết Tư lệnh quân đội Sudan (SAF) Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo đã nhất trí về mặt nguyên tắc lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ ngày 4/5. Theo Bộ Ngoại giao Nam Sudan, Tổng thống nước này Salva Kiir đã điện đàm với ông Burhan và ông Daglo theo sáng kiến của Cơ quan liên chính phủ về phát triển Đông Phi (IGAD), cơ quan đang thúc đẩy chấm dứt giao tranh. Tổng thống Nam Sudan nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn kéo dài hơn nữa, đồng thời xác nhận hai bên xung đột ở Sudan cũng đồng ý "chỉ định đại diện tham gia các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại bất kỳ địa điểm nào mà họ chọn".

a.jpg -0
Người tị nạn Sudan từ khu vực Tandelti chờ đợi nhận viện trợ ở Koufroun, Chad. Ảnh: Getty.

Nam Sudan được xem là một trong những nước tổ chức các cuộc hòa đàm nói trên và nước này đã đưa ra đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Sudan. Vì thế, tuyên bố của Nam Sudan được xem như điểm sáng mới nhất sau chuỗi ngày u tối kéo dài trên khắp Sudan. Mâu thuẫn đã leo thang thành đụng độ từ giữa tháng này, khi cả hai bên đều muốn giành quyền kiểm soát đất nước. Các cam kết ngừng bắn trước đây kéo dài từ 24 đến 72 giờ nhưng liên tục xảy ra các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, khiến giao tranh chỉ càng thêm khốc liệt hơn.

Khi giao tranh bước sang tuần thứ 3, khủng hoảng nhân đạo bắt đầu nhấn chìm Khartoum - một trong những thành phố lớn nhất châu Phi. Theo Bộ Y tế Sudan, kể từ khi bạo lực giữa SAF và RSF bùng phát hôm 15/4, trên 500 người đã thiệt mạng và trên 4.100 người bị thương do giao tranh. Hơn 2/3 bệnh viện của nước này đã không thể hoạt động, trong đó 14 bệnh viện trúng đạn pháo do giao tranh. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết đã có 270.000 người rời Sudan tới các nước láng giềng CH Chad và Nam Sudan. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng đã sơ tán đến Ethiopia. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric hôm 30/4 cho biết tổ chức toàn cầu này "hết sức lo ngại về những tác động trước mắt và lâu dài" mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Sudan gây ra "đối với toàn thể nhân dân Sudan và toàn bộ khu vực". LHQ một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đối địch ở Sudan bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán khỏi các khu vực giao tranh, cũng như đảm bảo an toàn cho các công tác cứu trợ và chăm sóc y tế.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày đã quyết định "ngay lập tức" cử Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới khu vực để đối phó với "cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi một cách nhanh chóng ở Sudan". Ngay khi đặt chân đến Sudan, quan chức nhân đạo hàng đầu LHQ Martin Griffiths cho biết tình hình nhân đạo của Sudan đã đến "điểm giới hạn" khi hàng triệu người không thể tiếp cận nhu yếu phẩm. Trước đó, cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok nói xung đột ở nước này có thể trở thành một trong những cuộc nội chiến khốc liệt nhất thế giới nếu không sớm kết thúc.

Các tổ chức nhân đạo của LHQ cũng cảnh báo, xung đột tại Sudan không chỉ khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà ở mà còn khiến giá hàng hóa tăng vọt, kho dự trữ vật tư y tế thiếu hụt nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhiều người sẽ thiệt mạng do thiếu các dịch vụ thiết yếu và dịch bệnh bùng phát. Các kho dự trữ vật tư y tế đang cạn kiệt nghiêm trọng ở những khu vực xung đột, bao gồm cả thủ đô Khartoum, khu vực phía Tây và trung tâm Darfur. Theo WHO, giá các mặt hàng cơ bản từ nhiên liệu đến thực phẩm thiết yếu và nước đóng chai đã tăng từ 40-60% ở một số khu vực. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) báo cáo khoảng 30% dân số trong số hơn 46 triệu người phải đối mặt với nạn đói trước khi xung đột nổ ra và lưu ý bạo lực có nguy cơ đẩy hàng triệu người khác rơi vào cảnh đói ăn. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính hơn 334.000 người Sudan phải sơ tán trong nước kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn 2 tuần.

Trong một nỗ lực kéo Sudan khỏi vũng lầy khủng hoảng, Liên đoàn Arab (AL) ngày 2/5 (giờ địa phương) kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn tại Sudan nhằm chấm dứt đổ máu, đồng thời kêu gọi các nước thành viên và cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo cho quốc gia Đông Phi này. Trong một nghị quyết vừa được thông qua, AL đánh giá cao sáng kiến của Algeria phối hợp với LHQ và Liên minh châu Phi (AU) nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Sudan. AL tuyên bố phản đối các bên nhắm mục tiêu vào dân thường, cơ quan ngoại giao và nhân viên y tế tại Sudan. Các quốc gia thành viên AL bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Sudan bằng cách viện trợ nhân đạo, lương thực và vật tư y tế. AL cũng hoan nghênh lời kêu gọi của Tổng Thư ký Ahmed Aboul Gheit tổ chức phiên họp khẩn của Hội đồng Bộ trưởng Arab về các vấn đề xã hội và phiên họp khác của Hội đồng Bộ trưởng Arab về y tế để có phản ứng toàn diện đối với cuộc khủng hoảng và ứng phó với những hậu quả nhân đạo và sức khỏe đối với người dân Sudan. AL kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp mọi hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Sudan và hỗ trợ các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn Sudan.

An Nhiên
.
.
.