IPEF và kỳ vọng đối phó với những thách thức chưa từng có

Thứ Tư, 25/05/2022, 08:43

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) là một khuôn khổ kinh tế được thiết kế nhằm giải quyết những thách thức kinh tế của thế kỷ XXI, từ việc thiết lập những quy tắc cho lộ trình kinh tế số cho tới đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, hỗ trợ kiến tạo những khoản đầu tư lớn cần thiết cho các cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như nâng cao tiêu chuẩn vì sự minh bạch, hệ thống thuế công bằng và chống tham nhũng.

Lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF đã diễn ra chiều 23/5 ở Tokyo (Nhật Bản) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, IPEF là một phần trong cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đặt các gia đình và người lao động Mỹ ở trung tâm của chính sách kinh tế và đối ngoại của Washington, cũng như tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác vì mục đích gia tăng sự thịnh vượng chung và định nghĩa những thập niên tới gắn với đổi mới công nghệ trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực quan trọng nhất - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - trong những thập niên tới.

8-1.jpg -0
Các nhà lãnh đạo tham gia sự kiện công bố IPEF ở Tokyo. Ảnh: Reuters.

Ông khẳng định, IPEF không phải là một thỏa thuận thương mại truyền thống “lặp lại những điều đã cũ”. Nó được thiết kế như một hướng tiếp cận linh hoạt và đổi mới hơn, phản ánh thực tế rằng các nền kinh tế đều đã và đang thay đổi. Những vấn đề cấp bách nhất cần ứng phó đã thay đổi và chúng ta cần một hướng tiếp cận mới nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân. Bằng cách tập trung vào những ưu tiên kinh tế ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế, khuôn khổ này đã phản ánh thực tế chung mà các nước cùng đối mặt, đó là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, công nghệ sạch, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu cần hợp tác hiệu quả hơn trong nền kinh tế sản xuất công nghệ cao. Nội dung thảo luận trong thời gian tới của IPEF sẽ tập trung vào bốn trụ cột là thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.

Đối với chuỗi cung ứng, chúng ta đều thấy rõ cái giá phải trả của việc chuỗi cung ứng không bền vững. Và đại dịch COVID-19 đã phơi bày rõ điều này. Chẳng hạn, trong đại dịch COVID-19, trong khi quá trình đóng gói chất bán dẫn ở Malaysia phải đóng cửa do đại dịch COVID-19 thì hàng nghìn công nhân ở Michigan, Mỹ trong các nhà máy sản xuất tự động cũng không có việc làm. Vấn đề đặt ra là nếu các bên minh bạch hơn, liên lạc thường xuyên hơn, chia sẻ dữ liệu nhiều hơn và thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm thì điều này sẽ không xảy ra.

Ở IPEF, các quốc gia đang tìm cách phát triển một thỏa thuận chuỗi cung ứng dự đoán hiệu quả hơn và quan trọng hơn là ngăn chặn sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Đối với trụ cột năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, IPEF cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm theo đuổi những cam kết cụ thể và tham vọng như đặt mục tiêu về năng lượng thay thế, loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu carbon, đặt các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng và đưa ra những biện pháp mới nhằm ứng phó với sự phát thải khí methane.

Cuối cùng, đối với trụ cột thương mại liên quan đến thuế và chống tham nhũng, IPEF sẽ làm việc để đảm bảo các bên đều thực hiện cùng một bộ quy tắc bởi tham nhũng sẽ kéo lùi nền kinh tế của mọi quốc gia. IPEF cũng tìm kiếm những cam kết để xây dựng hệ thống thuế hiệu quả, chống rửa tiền và chống tham nhũng phù hợp với giá trị của các bên.

IPEF là một khuôn khổ bao gồm những nền kinh tế khác nhau đại diện cho 40% GDP toàn cầu. Hơn hết, khuôn khổ này bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới. Theo ông Jake Sullivan, sự đa dạng của các thành viên cũng nhất quán với 2 tầm nhìn của IPEF và phù hợp với cấu trúc 4 trụ cột được xây dựng với sự linh động và sáng tạo để thích ứng với sự đa dạng của các quốc gia này. Chiếm 60% dân số thế giới, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được dự báo là khu vực đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới. Thương mại với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã hỗ trợ hơn 3 triệu việc làm cho người Mỹ cũng như là nguồn cung cấp gần 900 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực này từ Mỹ là hơn 969 tỷ USD năm 2020 và gần gấp đối trong thập kỷ qua.

Không giống như CPTPP và RCEP, 2 khối thương mại lớn nhất ở châu Á, IPEF sẽ không giảm thuế giữa các quốc gia tham gia. Thay vào đó, nó tìm kiếm sự hợp tác trên những trụ cột chiến lược như tính bền vững của chuỗi cung ứng và kinh tế số. Sự ra đời của IPEF cũng khác với các thỏa thuận thương mại tự do truyền thống, vốn cần nhiều năm để đàm phán và yêu cầu sự thông qua của những nước tham gia. Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định rằng, IPEF là “một hướng tiếp cận theo từng bước”.

Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines cho biết: “Các điều khoản về những mục tiêu của IPEF như thúc đẩy tính bền vững, bao trùm, cạnh tranh cũng như công nghệ, đổi mới, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, các mục tiêu về khí hậu hay phát triển công bằng đều phù hợp với những ưu tiên về thương mại của Philippines”. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận định trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN hồi tuần trước rằng sự hợp tác trong khuôn khổ IPEF “phải bao trùm”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.