Hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga bên bờ tan vỡ

Thứ Năm, 28/07/2022, 07:56

Thông báo bất ngờ từ phía Nga về quyết định rút khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2024 và xây dựng trạm không gian riêng dường như đang phủ bóng lên lĩnh vực hợp tác hiếm hoi còn lại giữa Moscow và Washington trong bối cảnh gia tăng làn sóng căng thẳng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.

TASS ngày 27/7 đưa tin, ông Yuri Borisov, người vừa được bổ nhiệm điều hành Roscosmos, tập đoàn phụ trách chương trình vũ trụ của Nga, mới đây đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Vladimir Putin để bàn về định hướng phát triển ngoài không gian của Nga. Cụ thể, ông Borisov trình bày với Tổng thống Putin rằng Nga sẽ thực hiện các cam kết đến năm 2024 và chuyển trọng tâm sang việc xây dựng một trạm vũ trụ riêng.

"Chúng ta đang tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế trên Trạm ISS. Chúng ta cũng sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình với các đối tác, nhưng quyết định rút khỏi trạm sau năm 2024 đã được đưa ra. Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này chúng ta nên bắt đầu đầu xây dựng một trạm không gian của riêng mình", ông Borisov cho biết.

Hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga bên bờ tan vỡ -0
Trạm ISS là biểu tượng cho sự hợp tác Mỹ-Nga giữa “cơn bão căng thẳng” trong nhiều vấn đề. Ảnh minh họa NASA.

Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây gia tăng căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cùng với nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Theo ông Borisov, lĩnh vực không gian vũ trụ đang gặp nhiều thách thức và Nga sẽ tìm cách củng cố lĩnh vực này, trước hết là cung cấp cho nền kinh tế Nga các dịch vụ không gian cần thiết như điều hướng, thông tin liên lạc và truyền dẫn dữ liệu cùng nhiều mục đích khác.

Cách đây không lâu, ngày 15/7, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Roscosmos mới ký một thỏa thuận nhằm tích hợp các chuyến bay lên Trạm ISS, cho phép các phi hành gia Nga bay trên tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất và ngược lại, các phi hành gia Mỹ có thể đi trên tàu Soyuz của Nga. Chính vì vậy, nhiều người tỏ ra bất ngờ với thông báo về quyết định này của Nga.

Phản ứng trước thông tin trên, Mỹ cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ Nga, tuy nhiên, cũng đang xem xét nghiêm túc các tuyên bố công khai. Ngày 26/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington "ngạc nhiên và lấy làm tiếc" về thông báo của Nga rằng Moscow sẽ rút khỏi Trạm ISS sau năm 2024.

"Đó là một diễn biến đáng tiếc do một công trình khoa học quan trọng đang được thực hiện tại ISS. Đây là sự hợp tác chuyên môn quý giá mà các cơ quan vũ trụ của chúng tôi có được trong những năm qua, đặc biệt theo thỏa thuận mới của chúng tôi về hợp tác bay vào vũ trụ". Cùng ngày, điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nước này đang tìm kiếm các phương án để giảm thiểu các tác động tiềm tàng đối với ISS sau khi Nga rút khỏi. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết "Mỹ đang tìm hiểu các phương án để giảm thiểu các ảnh hưởng có thể xảy ra đối với ISS sau năm 2024 nếu Nga rút khỏi Trạm", đồng thời, Washington "vẫn cam kết hợp tác với các đối tác của ISS để đảm bảo hoạt động an toàn của trạm và các phi hành gia trên trạm".

Về phần mình, bà Robyn Gatens, Giám đốc ISS của NASA, nói rằng cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía Nga về quyết định rời ISS. Bản thân NASA có kế hoạch cho ISS ngừng hoạt động sau năm 2030 khi chuyển sang làm việc với các trạm vũ trụ thương mại. Khi được hỏi liệu bà có muốn mối quan hệ Mỹ-Nga trong lĩnh vực hàng không vũ trụ kết thúc hay không, bà Gatens khẳng định "hoàn toàn không" và nhấn mạnh "Nga là đối tác tốt, như tất cả các đối tác của chúng tôi và chúng tôi muốn cùng nhau hợp tác để tiếp tục vận hành ISS trong suốt thập niên tới".

The Guardian dẫn lời giới chuyên gia đưa ra các đánh giá đa chiều trước thông tin của Nga. Theo đó, việc thông báo rút khỏi ISS trước năm 2024 cho thấy Nga vẫn còn bỏ ngỏ khả năng "rút lại" thông tin này và đây chỉ là một động thái nhằm "nắn gân" Mỹ. Chuyên gia Pavel Luzin, nhà phân tích vũ trụ và quân sự Nga cho biết: "Việc rút khỏi ISS sẽ mất một thời gian. Rất có thể, chúng ta cần diễn giải điều này là Nga từ chối gia hạn hoạt động của trạm đến năm 2030". Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, việc NASA dự kiến kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030 khiến các bên sẽ phải đổ vào đó một số tiền khổng lồ để đầu tư sửa chữa trạm trong khi các giá trị mà ISS đem lại không còn hiệu quả đối với Nga trong môi trường địa chính trị hiện nay.

Trạm ISS được phóng vào không gian năm 1998 với sự hợp tác của các cơ quan vũ trụ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và châu Âu. Trạm được chia thành các khu vực của Nga và Mỹ, trong đó khu vực của Mỹ sau này do Mỹ và những nước khác tham gia dự án điều hành. Nhiều thập kỷ thăng trầm trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, hợp tác vũ trụ vẫn được duy trì. Từ năm 1995-1998, các tàu con thoi của NASA đã cập bến phân đoạn trạm vũ trụ Mir của Nga và các phi hành gia Mỹ sống tại Mir.

Trạm không gian ISS cũng được coi là biểu tượng còn sót lại về hợp tác Nga-Mỹ giữa "cơn bão" căng thẳng hai nước liên quan đến xung đột Nga-Ukraine và nếu chấm dứt sự hợp tác này sẽ là "một bước lùi" không chỉ đối với hợp tác vũ trụ giữa Nga - Mỹ mà còn đối với cả hợp tác vũ trụ quốc tế. Bởi thực tế trạm ISS được thiết kế trên cơ sở tương hỗ, Nga và Mỹ đều không thể hoạt động mà không có bên kia. Nga hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ về năng lượng điện trong khi đó Mỹ phụ thuộc Nga về lực đẩy, kiểm soát, diễn tập và khử bão hòa con quay hồi chuyển. Thời gian còn lại quá ngắn để Mỹ và các bên có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại.

Tiến Anh (Tổng hợp)
.
.
.