Hàn Quốc đối diện cuộc khủng hoảng trong ngành y
Cuộc đình công chưa từng có tiền lệ của các bác sĩ tại Hàn Quốc đã bước sang ngày thứ 10, với không nhiều dấu hiệu khả quan, bất chấp những cảnh báo mà chính phủ đã đưa ra. Hơn cả một cuộc đình công, xứ sở kim chi đang đối diện với một cuộc khủng hoảng thực sự, bộc lộ rõ lỗ hổng y tế tại quốc gia này.
Yonhap đưa tin, tính đến ngày 29/2, gần 10.000 bác sĩ nội trú và bác sĩ tập sự – tương đương khoảng 80% số bác sĩ nội trú và tập sự trên khắp Hàn Quốc - đã nộp đơn xin nghỉ việc, trong ngày đình công thứ 10 liên tiếp nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường y trong năm tới. Ngày 29/2 cũng là ngày cuối cùng trong khung thời hạn mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra để các bác sĩ trở lại làm việc, trước khi thực hiện các thủ tục đình chỉ giấy phép hành nghề hoặc thậm chí là truy tố đối với các bác sĩ đình công.
Theo đó, sáng 29/2, Bộ trưởng Hành chính và An ninh Lee Sang-min đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Ứng phó thảm họa và an toàn trung ương nhằm đưa ra giải pháp với hành động nghỉ việc tập thể của các bác sỹ nội trú và tập sự. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lee Sang-min một lần nữa kêu gọi các bác sỹ trở lại làm việc, khôi phục hoạt động y tế bình thường, đồng thời cho biết chính phủ sẽ thực hiện những nỗ lực cải cách để đảm bảo quyền lợi chăm sóc y tế cho người dân cũng như môi trường làm việc thuận lợi, an toàn hơn cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng cảnh báo các bác sỹ thực tập nếu không quay lại làm việc sẽ bị đình chỉ giấy phép hành nghề và phải đối mặt với những cáo buộc vi phạm quy định nghề nghiệp bắt đầu từ đầu tháng 3.
Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi và khuyến cáo từ phía chính phủ, cho đến nay, chỉ khoảng gần 300 bác sĩ nội trú tham gia đình công đã trở lại làm việc, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo. Lý do phía sau cuộc đình công được các bác sĩ đưa ra, đó là nếu tăng số lượng bác sỹ, tỷ lệ cạnh tranh trong ngành sẽ cao hơn và chất lượng bác sỹ sẽ đi xuống do phải đào tạo quá nhiều sinh viên cùng một lúc. Trên thực tế, Hàn Quốc hiện có trung bình 2,5 bác sĩ trên 1.000 dân - một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển. Để thay đổi thực tế này, chính phủ Hàn Quốc đề xuất điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho ngành y hơn 2.000 người nhằm bù đắp số lượng sinh viên ngành y đã giảm xuống còn 7.000 người, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành y đã không hề tăng trong suốt hơn 30 năm qua.
Thêm vào đó, tại Hàn Quốc có 17 trường đại học y với quy mô sinh viên ngành y dưới 50 người. Vì thế, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh với mức độ nào đó sẽ giúp các trường đại học y hoạt động suôn sẻ. Tuy nhiên, các bác sĩ cực lực phản đối việc tăng số lượng tuyển sinh ngành y, cho rằng chính phủ thay vào đó cần đưa ra các giải pháp cụ thể và quan trọng cải thiện môi trường y tế, chế độ lương phù hợp đối với các đối tượng chuyên môn. Theo các bác sĩ, việc tuyển sinh nhưng không cải thiện đãi ngộ cho nhân lực ngành y có thể sẽ dẫn đến một sự mất cân đối trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định, cuộc đình công của các bác sĩ nội trú và tập sự đã bộc lộ lỗ hổng y tế của Hàn Quốc, khi các bệnh viện đa khoa lớn trên toàn quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng, dẫn đến việc giảm hiệu suất làm việc và phải trì hoãn nhiều hoạt động điều trị như phẫu thuật, cấp cứu hoặc chăm sóc đặc biệt vì thiếu trầm trọng nhân lực. Mặc dù trước đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để đối phó với cuộc đình công, song áp lực tại các bệnh viện vẫn tiếp tục gia tăng với số ca phẫu thuật tại các bệnh viện đa khoa giảm 50% và số bệnh nhân nhập viện giảm 24%, cùng hàng trăm đơn khiếu nại của bệnh nhân về chất lượng điều trị không đảm bảo.
Cuộc đình công cũng phản ánh thực tế thiếu hụt bác sĩ đặc biệt nghiêm trọng tại một số khu vực ở Hàn Quốc, nhất là tại vùng nông thôn – nơi người dân phải di chuyển một quãng đường dài tới nơi điều trị gần nhất. Những mâu thuẫn về quyền lợi và mức chi trả chênh lệch lớn giữa các chuyên ngành y cũng được cho là ngọn nguồn sâu xa của cuộc đình công này. Trong khi đó, chỉ trong một ngày đã có thêm hơn 200 sinh viên trường đại học y nộp đơn xin nghỉ học, nâng tổng số sinh viên nghỉ học lên hơn 13.000 người, báo động tính sâu sắc và lan rộng của cuộc khủng hoảng y tế tại xứ sở kim chi.
Trong diễn biến mới nhất, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) đã tiết lộ dự định tổ chức cuộc biểu tình ở quận Yeouido của Seoul vào cuối tuần này với khoảng 25.000 người tham gia. Phía cảnh sát cho biết sẽ triển khai khoảng 8.000 nhân viên từ 130 đơn vị cảnh sát để giám sát các cuộc biểu tình, đồng thời cảnh báo sẽ xử lý nghiêm khắc mọi hành vi bất hợp pháp trong các cuộc biểu tình quy mô lớn sắp diễn ra ở Seoul. Nếu như chính phủ và lực lượng bác sĩ tập sự cũng như bác sĩ nội trú không sớm đạt được một thỏa thuận hoặc tìm được tiếng nói chung, hệ thống y tế của Hàn Quốc sẽ ngày càng trở nên mong manh hơn với những hệ lụy xã hội kèm theo, khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng nhân lực y tế này.