Điểm giống và khác trong vụ phát hiện tài liệu mật của ông Biden và ông Trump
Tổng chưởng lý Mỹ Merrick Garland mới đây đã chỉ định hai cố vấn đặc biệt để điều tra độc lập việc xử lý các hồ sơ mật của cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden.
Ông Trump và ông Biden đối mặt thách thức khi nhiều tài liệu mật được tìm thấy tại nhà riêng.
Cụ thể, công tố viên Jack Smith được chỉ định điều tra vụ việc các tài liệu mật được tìm thấy tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida của ông Trump, sau khi ông đã rời nhiệm sở tháng 1/2021. Trong khi các tài liệu mật được tìm thấy tại nhà riêng hay văn phòng ông Biden từng làm việc do công tố viên Robert Hur phụ trách.
Nhiều đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã yêu cầu điều tra ngay về vụ ông Biden và cho rằng hai vụ việc “không khác gì nhau”.
Theo các chuyên gia, cả ông Trump và ông Biden đều không được sở hữu bất kỳ tài liệu mật nào. Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, các hồ sơ, tài liệu mật của mỗi chính quyền Tổng thống đều phải được chuyển cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ theo quy định.
Ông Biden bày tỏ ngạc nhiên khi nhiều tài liệu mật được tìm thấy tại nơi ông từng làm việc cũng như nhà riêng. Trong khi đó, ông Trump đăng tải trên mạng xã hội rằng ông đã giải mật các hồ sơ, dù không đưa ra chứng cứ. Tuyên bố của các luật sư của cựu Tổng thống trong hồ sơ tòa án lại không giống như vậy.
Các tài liệu mật đang được điều tra có từ thời ông Biden còn giữ vị trí Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama (2009-2017), trong khi tài liệu được tìm thấy ở tư dinh của ông Trump có từ giai đoạn 2017-2021.
Dù vậy, hai vụ việc vẫn có nhiều điểm khác biệt rõ rệt.
Trong trường hợp của ông Trump, suốt một năm sau khi ông này rời nhiệm sở, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã cố gắng thu lại tất cả các hồ sơ mà ông đã giữ lại, nhưng không thành công. Cuối cùng, khi ông Trump trả lại 15 thùng tài liệu vào tháng 1/2022, các quan chức Cơ quan Lưu trữ đã phát hiện ra nhiều tài liệu mật.
Vụ việc sau đó được chuyển lên Bộ Tư pháp. Bộ này đã ban hành trát yêu cầu trả lại tất cả hồ sơ vào tháng 5/2022. Các điều tra viên của Bộ sau đó đã “ghé thăm” nhà riêng của ông Trump, tại đây, luật sư cựu Tổng thống đã bàn giao thêm một số tài liệu và khẳng định không còn tài liệu nào khác nữa.
Tuy nhiên, FBI thu thập thêm nhiều chứng cứ, bao gồm cả đoạn phim giám sát từ khu Mar-a-Lago, và xin phép tòa án để thực hiện lệnh khám xét vào ngày 8/8/2022 để tránh bị cản trở trong quá trình thực thi nhiệm vụ. FBI đã thu hồi thêm 13.000 tài liệu, khoảng 100 trong số đó được đánh dấu là mật.
Trong trường hợp của ông Biden, Tổng chưởng lý Garland cho biết các luật sư của Tổng thống đã thông báo cho Cơ quan Lưu trữ và Bộ Tư pháp vào tháng 11 năm ngoái rằng họ đã phát hiện ra khoảng 10 tệp tài liệu mật tại văn phòng nơi ông Biden từng làm việc ở Trung tâm Penn Biden ở Washington D.C. vào đầu tháng đó.
Sau đó, các luật sư tiếp tục tiến hành các cuộc tìm kiếm bổ sung tại nhà riêng của ông Biden ở Wilmington và Rehoboth, Delaware, và phát hiện thêm nhiều tài liệu mật khác. Tất cả tài liệu này đều đã được nộp cho cơ quan chức năng.
Vậy, hai ông Trump và Biden có thể bị xử lý ra sao?
Hành vi cố ý lưu giữ hoặc loại bỏ tài liệu, hồ sơ mật sẽ bị xử lý hình sự. Thông thường, các công tố viên sẽ không đưa ra cáo buộc đối với hành vi vô ý lưu trữ hồ sơ mật, tuy nhiên, nếu có dấu hiệu và chứng cứ cho thấy đối tượng “cản trở việc thực thi công lý”, cách xử lý sẽ thay đổi.
Vì vậy, các chuyên gia cho biết thách thức pháp lý mà ông Trump phải đối mặt lớn hơn so với ông Biden. Cho đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra thông tin nào cho thấy ông Biden cố ý giữ lại hồ sơ hoặc từ chối trả lại cho chính phủ.
Ngoài ra, với tư cách là Tổng thống, ông Biden khó có thể bị truy tố. Bộ Tư pháp Mỹ vẫn duy trì chính sách đã có từ lâu, theo đó, một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố.
Chính sách này đã giúp bảo vệ ông Trump khi ông còn là tổng thống và bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra về mối liên hệ có thể có giữa Nga và chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông.