Còn nhiều điều mâu thuẫn từ Omicron

Thứ Bảy, 15/01/2022, 10:11

Mối quan tâm của công chúng nhiều nước trên thế giới hiện đang xoay quanh việc rủi ro mức nào là có thể chấp nhận được để đưa đất nước trở lại lộ trình bình thường trong bối cảnh biến thể Omicron mới tiếp tục hoành hành ngoài tầm kiểm soát.

Một trong những điều mâu thuẫn nhất của Omicron là dù nhiều người mắc có thể không bị nặng, song khả năng lây nhiễm tăng đồng nghĩa với việc ngay cả một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân mắc bệnh nặng trong làn sóng lây nhiễm này cũng có thể áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe và khiến lực lượng y tế thêm mệt mỏi. Hệ thống quá tải cũng có thể làm giảm chất lượng chăm sóc y tế đối với những người mắc các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh mãn tính như đau tim hoặc đột quỵ. Đại dịch đang đặt ra những câu hỏi mà người ta hầu như không thể trả lời một cách thỏa đáng - đặc biệt là những gì liên quan tới các rạn nứt chính trị.

Thượng nghị sỹ Marco Rubio hồi cuối tuần trước đã viết trên Twitter về “sự cuồng loạn vô lý” vì biến thể Omicron. Trong khi đó, cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tiến sĩ Anthony Fauci, người đã lưu ý trên chương trình “State of the Union” của CNN rằng trung bình 1.200 ca tử vong hàng ngày tại Mỹ do COVID-19 “không phải là điều bình thường”. Dù vậy, chính quan chức y tế này gần đây cũng thừa nhận rằng nước Mỹ đang trong quá trình điều chỉnh khả năng thích ứng và chịu rủi ro, đồng thời khẳng định trong bối cảnh đại dịch, không có bất kỳ hoạt động nào là hoàn toàn an toàn.

Lấy ví dụ, các cơ quan y tế công cộng đã bắt đầu điều chỉnh cách tiếp cận, vì đặc tính lây nhiễm của Omicron đe dọa tác động trên diện rộng tới lực lượng lao động, gây căng thẳng cho các bệnh viện, lực lượng an ninh và các dịch vụ khẩn cấp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ hồi tuần trước đã ra hướng dẫn mới, trong đó giảm một nửa thời gian cách ly khuyến nghị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính và không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ xuống còn 5 ngày, miễn là họ tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang trong 5 ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều tranh cãi và bối rối. Bác sỹ Anthony Fauci cho biết giới chức y tế sẽ đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn, có thể là sẽ bao gồm cả quy định mới về xét nghiệm. Thực tế chưa ai có thể khẳng định biến thể Omicron sẽ chiếm vị thế chủ đạo trong bao nhiêu lâu hay sẽ lại sớm được một biến thể mới khác thay thế với nhiều hỗn loạn hơn.

Trước những lo ngại này, liều tiêm tăng cường càng trở thành một chủ đề nóng hơn bao giờ hết. Nhiều nước coi mũi tăng cường đóng vai trò quan trọng trong chiến lược y tế cộng đồng nhằm kiểm soát lây lan của virus, sau khi Omicron cho thấy khả năng kháng vaccine, làm giảm hiệu lực của cơ chế hai liều tiêm. Số liệu do giới chức y tế Anh công bố cho thấy cơ chế hai liều tiêm vaccine Moderna và Pfizer chỉ đạt mức hiệu quả 10% trong ngăn chặn lây nhiễm Omicron sau thời điểm 20 tuần tính từ mũi hai. Mũi tăng cường sẽ giúp tăng hiệu lực 75% trong ngăn chặn lây nhiễm có triệu chứng hai tuần sau khi tiêm.

Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cũng phát biểu trên đài truyền hình ZDF rằng, người Đức “sẽ cần liều tiêm thứ tư” để chống lại COVID-19. Trong khi đó, Israel đã bắt đầu triển khai liều tiêm thứ 4 cho tất cả nhân viên y tế và những người trên 60 tuổi từ ngày 3/1.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của mũi tăng cường lại có xu hướng giảm dần sau 4 tuần. Nghiên cứu cho thấy liều tăng cường có hiệu lực khoảng 55%-70% trong ngăn chặn lây nhiễm sau khi tiêm từ 5-10 tuần, sau đó giảm xuống còn 40%-50% sau 10 tuần. Giám đốc điều hành hãng Pfizer Albert Bourla hồi tháng 12 cũng từng nhận định người dân có thể cần đến mũi thứ 4 và thời hạn tiêm có thể rút ngắn hơn do mức độ lây lan nhanh của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, giới khoa học hiện còn ý kiến phản đối việc tiêm mũi thứ 4 hay tiêm nhắc định kỳ với thời hạn 6 tháng.

7-3.jpg -0
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của việc tiêm mũi thứ tư, mũi tiêm nhắc.

Giáo sư Andrew Pollard - một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vaccine AstraZeneca và là người đứng đầu Nhóm vaccine Đại học Oxford (Oxford Vaccine Group), đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc Anh hay một số nước chạy theo phương pháp của Israel về tiêm mũi vaccine thứ tư. Cho rằng việc tiêm các mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường nhiều lần trong một năm cho người dân là bất khả thi, ông nói: “Chúng ta không thể tiêm chủng cho người dân trên toàn cầu cứ 4-6 tháng/lần. Điều này là không thể thực hiện được và không thể diễn ra đều đặn”.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh “sự cần thiết của việc chú trọng nhóm người dễ tổn thương” thay vì đẩy nhanh việc cấp phép tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên. Ông khẳng định cần thêm nhiều số liệu để khẳng định việc “có nên hay không, và nếu có thì khi nào và đảm bảo thời gian ra sao cho những đối tượng dễ bị tổn thương cần liều tiêm tăng cường”.

Theo Giáo sư Andrew Pollard, giới chức y tế cần thêm bằng chứng trước khi tiến hành các mũi tiêm thứ tư cho người dân tại Anh, quốc gia đang tiêm mũi 3 cho người khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên và những người trên 16 tuổi có nguy cơ. Khi nhắc đến vấn đề bất bình đẳng vaccine trên toàn thế giới, ông nói: “Từ góc độ toàn cầu, không hề hợp lý và rất bất khả thi cho việc tiêm liều thứ 4 cho người dân trên toàn thế giới sau mỗi 6 tháng… Cần nhớ rằng chỉ mới chưa đầy 10% số người ở các nước có thu nhập thấp đã được tiêm mũi đầu tiên… vì vậy, ý tưởng về liều tiêm thứ 4 phổ biến trên toàn cầu là không hợp lý”.

Chia sẻ quan điểm này, bác sỹ Anthony Fauci cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể bình luận điều gì cụ thể. Ông nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi mức độ và thời gian bảo vệ của vaccine mRNA sau liều tiêm thứ ba… Nếu mức độ bảo vệ lớn hơn so với nhóm những người tiêm 2 liều thông thường thì chúng ta có thể yên ổn trong một thời gian đáng kể mà không cần liều thứ tư… Vì vậy, tôi nghĩ rằng còn quá sớm - ít nhất là ở Mỹ - để nói về liều thứ tư”.

Omicron khiến nhiều chuyên gia thay đổi quan điểm, từ phản đối sang ủng hộ tiêm mũi tăng cường. Nhưng ngay cả những người này cũng không ủng hộ cơ chế tiêm liều thứ 4, như cách mà Israel đang triển khai. Họ cho rằng virus biến đổi, nhưng những bộ phận khác của hệ miễn dịch, như tế bào T hay tế bào B vẫn duy trì tốt sức đề kháng trước các biến thể sau mũi tiêm thứ 3, thậm chí là mũi hai. Không thể ngăn chặn lây nhiễm, nhưng chính những tế bào này giúp giảm tình trạng diễn tiến bệnh nặng và từ đó giữ cho tỉ lệ nhập viện, tử vong ở mức thấp. Nhiều nước đã chuyển đổi phương thức chống dịch, từ ngăn chặn lây nhiễm mới sang ưu tiên giảm tỉ lệ nhập viện, tử vong. Đó là những gì đang diễn ra trên thực tế với biến thể Omicron.

“Những người tiêm đủ liều vaccine hiện có khả năng chống chọi tốt trước nguy cơ nhập viện. Omicron đã cho thấy một thực tế theo đuổi ngăn chặn lây nhiễm là cách tiếp cận thất bại”, ông Michel Nussenzweig, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Rockefeller tại New York, bình luận.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.