Cơ hội của Tổng thống Pháp

Thứ Ba, 28/12/2021, 08:19

Từ ngày 1/1/2022, Pháp sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng. Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tranh thủ tận dụng khoảng trống mà Thủ tướng Đức Angela Merkel để lại, trong lúc người kế nhiệm Olaf Scholz cần thời gian để tạo dựng hình ảnh của mình.

Hay nói cách khác, do sự thay đổi người đứng đầu chính phủ Đức trùng với nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp, ông Emmanuel Macron sẽ có cơ hội để tạo ra ảnh hưởng trong liên minh Pháp-Đức, mà trên thực tế sẽ vẫn là trung tâm của chính trị châu Âu.

Mục tiêu củng cố vị thế tại Pháp, trong trục Pháp-Đức và cả trong EU

Tại Brussels, từ vài tháng nay, không có cuộc thảo luận lớn nào diễn ra vì EU phải đợi Đức - quốc gia lớn nhất và quyền lực nhất trong liên minh - sắp xếp lại cục diện chính trị trong nước. Trong lúc chờ Đức trở lại vai trò chủ đạo của mình, Pháp sẽ chịu trách nhiệm điều hành các cuộc thảo luận lớn của EU. Điều quan trọng nhất sẽ là làm thế nào để hướng các nước thành viên trở lại với sự bền vững về tài khóa được quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, vốn đã bị đình trệ thời gian qua do hậu quả thảm khốc của đại dịch COVID-19, các đợt giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.

Để tăng cường nguồn lực và vực dậy nền kinh tế khu vực, Pháp đã tranh thủ thời gian chuyển giao quyền lực ở Đức để ký kết một hiệp ước hợp tác với Italy, do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi điều hành. Giống như Tổng thống Emmanuel Macron, ông Mario Draghi thích sự linh hoạt và nới lỏng các ràng buộc ngân sách, đặc biệt là đối với các nước phía Nam của EU.

Khi ông Emmanuel Macron và Olaf Scholz gặp nhau lần đầu tiên, Tổng thống Pháp nói với người đồng cấp Đức rằng ông đã nhận được sự hỗ trợ của một trong những quốc gia sáng lập hàng đầu và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế khu vực. Cho đến nay, Pháp là quốc gia có liên kết chặt chẽ nhất với Đức trong EU, đến mức sự đồng thuận giữa Paris và Berlin được coi là cần thiết cho hoạt động của châu Âu.

Tuy không phải lúc nào mối quan hệ này cũng êm ấm và Đức thường phụ thuộc vào các nước hàng xóm ở phía Bắc và phía Đông, trong khi Pháp hay tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng phía Nam, nhưng trục liên kết Pháp-Đức luôn duy trì sự cân bằng trong EU, đặc biệt là khi Anh không còn trong EU để thành lập một liên minh khác.

Đây mới là điều quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của EU. Mặc dù vậy, hiện giữa hai nước vẫn còn tồn tại một trong những vấn đề đau đầu, có thể ngáng trở mối quan hệ gắn kết này, đó là điện hạt nhân. Pháp phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân, trong khi Đức đã quyết định thoát khỏi lĩnh vực này và đưa Đảng Xanh vào liên minh cầm quyền của mình.

Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng Đức đã tạo ra mô hình “hỗn hợp năng lượng” bằng cách dựa vào một đường ống dẫn khí gây tranh cãi đến từ Nga, vốn không được phê duyệt, bởi Nga từ chối tôn trọng các quy tắc của thị trường châu Âu và phân biệt giữa sản xuất và tiếp thị. Do đó, rất có thể những điểm yếu này sẽ tạo cơ hội cho Pháp và Đức tìm thấy điểm thỏa hiệp chung.

Chiến lược khẳng định mình của ông Emmanuel Macron còn có một điểm yếu, đó là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4/2022, bởi kết quả của cuộc bầu cử này vẫn chưa chắc chắn. Đây là lần đầu tiên thời hạn bầu cử quốc gia Pháp nằm chính giữa một nhiệm kỳ Chủ tịch EU. Thông thường, bầu cử là sự kiện chính trị không thể lường trước được, do vậy ngay từ đầu, thời gian đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của EU sẽ phải xem xét sắp xếp lại để tránh bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron vẫn muốn giữ nguyên nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Pháp và khi bị chỉ trích vì điều này, ông đã đổ lỗi cho người Anh do làm gián đoạn lịch trình khi rời EU. Do vậy, việc Pháp bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EU vào tháng 1/2022 sẽ trùng với thời điểm khởi động chiến dịch tranh cử của ông Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp sẽ làm mọi cách để chứng minh những khía cạnh tích cực trong chương trình hành động của mình, tạo sự khác biệt với các ứng cử viên khác bằng việc chứng tỏ rằng ông là người duy nhất có khả năng lãnh đạo cả nước Pháp và điều phối EU. Không sớm thì muộn, ông Olaf Scholz cũng sẽ có được vị trí phù hợp với tầm vóc và vị thế của Đức, nhưng từ nay đến lúc đó, ông Emmanuel Macron sẽ có thời gian để nhắm đến mục tiêu củng cố vị thế của mình tại Pháp, trong trục Pháp-Đức và cả trong EU.

image001.jpg -0
Tổng thống Emmanuel Macron.

Quân bài của Tổng thống Pháp

Mặc dù vẫn chưa chính thức ứng cử, nhưng chắc chắn ông Emmanuel Macron đã có kế hoạch hành động cho chiến dịch tranh cử tổng thống, trong đó có việc bảo vệ bảng thành tích nhiệm kỳ của ông trước các chỉ trích của phe đối lập. Tại một cuộc họp chính phủ hồi đầu tháng 9 vừa qua, ông Emmanuel Macron đã thúc giục các bộ trưởng của ông rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị cho hành động của mình. Còn 100 ngày để bảo vệ thành quả nhiệm kỳ, 100 ngày cho chiến dịch bầu cử”.

Trước đó, trong một bữa tiệc chiêu đãi tại Điện Elysée ngày 12/7, ông đã kêu gọi các nghị sỹ phe đa số “đi thực địa, gõ từng cửa” để quảng bá thành tích nhiệm kỳ của ông - điều mà nhiều người dân Pháp chưa thừa nhận và ông cho rằng hành động đó là không công bằng với ông. Quan điểm này cũng nhận được chia sẻ của nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ. “Chúng tôi đã làm rất nhiều điều nhưng chưa gây được ấn tượng với công chúng”, một cố vấn trong chính phủ của ông phàn nàn.

Ngày 23/9 vừa qua, trong chuyến làm việc tại thành phố Lyon, Christophe Castaner, Chủ tịch nhóm Cộng hòa Tiến bước (LRM-đảng do ông Emmanuel Macron thành lập) trong Quốc hội - đã bắt đầu phân phát một tập tài liệu dài 8 trang nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh luận của từng nghị sĩ phe đa số. Đây chính là một trong những hoạt động được đề ra cho kế hoạch bảo vệ bảng thành tích nhiệm kỳ mà LRM phát động từ đầu tháng 9, với khẩu hiệu ngắn gọn “5 năm nữa”.

Mục đích là làm cho dân chúng hiểu rằng trong 5 năm vừa qua, Tổng thống Pháp đã “tiếp tục cải cách”, kể cả trong thời gian diễn ra phong trào biểu tình “áo vàng” hay đại dịch kéo dài. Một khẩu hiệu khác đã được nhắc lại, đó là khả năng của tổng thống trong việc bảo vệ người dân trước đại dịch COVID-19.

Ngoài thành tích quản lý y tế là các chương trình hỗ trợ tài chính khổng lồ chu cấp một phần trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, hoặc rót hàng tỷ euro để trợ giúp các doanh nghiệp. Bất kể là giá nào “thì các chương trình này cũng đã giúp duy trì nền kinh tế và đưa nó phục hồi nhanh hơn như hiện nay”, Thủ tướng Pháp Jean Castex nhấn mạnh ngày 27/9.

Đối mặt với những chỉ trích từ phe đối lập, trong đó có cáo buộc ông đã tăng thêm gánh nợ trong cuộc khủng hoảng và tiếp tục chi tiền công như nước để “tưới đẫm” tất cả các lĩnh vực kinh tế trong thời gian 7 tháng trước bầu cử, Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã lập luận rằng ông không “chi tiêu bừa bãi” mà các chương trình được đưa ra đều là nhằm “đầu tư” để vực dậy nền kinh tế. Nếu cánh hữu quy kết ông “đốt tiền”, ông, một cựu nhân viên ngân hàng, sẽ biến bảng thành tích kinh tế của mình thành một quân át chủ bài trong chiến dịch tranh cử sắp tới.

Vậy ông Emmanuel Macron có thể giữ lại được gì từ nhiệm kỳ 5 năm? Ông Nicolas Sarkozy gây ấn tượng với vấn đề lương hưu, ông Fran#ois Hollande gây ấn tượng với vấn đề kết hôn cho tất cả... Vậy ông Emmanuel Macron có cải cách tiêu biểu nào để nhớ? Đây chính là câu hỏi thường khiến các nhà vĩ mô bối rối. Không thể “khoe” chuyện tiền lương hưu, họ muốn nêu ra vô số biện pháp để thuyết phục người dân rằng chính phủ Macron đã làm thay đổi đất nước “theo chiều sâu”.

“Vấn đề không phải là cải cách để cho có cải cách, nó không phải là la bàn cho hành động chính trị của chúng ta. Câu chuyện ở đây là làm sao cải thiện được cuộc sống của người dân Pháp và tăng cường ảnh hưởng của đất nước trong khuôn khổ châu Âu”, Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand bày tỏ quan điểm.

Minh Hải (theo ABC)
.
.
.