Chu kỳ leo thang căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Bảy, 11/03/2023, 08:35

Bán đảo Triều Tiên đang bước vào một chu kỳ leo thang mới sau khi Mỹ - Hàn mở rộng các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và Triều Tiên gia tăng các vụ thử tên lửa, bao gồm cả những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày 10/3, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát và chỉ đạo “một cuộc tập trận tấn công” của đơn vị pháo binh Hwasong chịu trách nhiệm tác chiến tại mặt trận phía Tây vào ngày 9/3. Cuộc tập trận được tiến hành nhằm “ngăn chặn chiến tranh” và “chiếm thế chủ động trong chiến tranh, bằng cách tăng cường đều đặn các cuộc tập trận mô phỏng theo nhiều tình huống khác nhau.

Đáng chú ý, ông Kim Jong-un nhấn mạnh, Quân đội nước này cần phải luôn cảnh giác với mọi hoạt động chuẩn bị chiến tranh của kẻ thù thời gian gần đây, đồng thời duy trì và rèn luyện thường xuyên sức mạnh để sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn chúng, tránh nguy cơ đụng độ quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, ngày 9/3, Bình Nhưỡng đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển Hoàng Hải. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết đã phát hiện vụ phóng từ thành phố cảng Nampo (miền Tây Triều Tiên) vào lúc 18h20. Vụ phóng diễn ra sau khi bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố rằng, bất kỳ động thái nào nhằm bắn hạ một trong những tên lửa thử nghiệm của nước này đều được coi là một lời tuyên chiến.

Các động thái trên của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do (Freedom Shield) từ ngày 13-23/3. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành song song với diễn tập quy mô lớn mang tên Lá chắn Chiến binh (Warrior Shield). Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái trên của Mỹ và Hàn Quốc dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Bởi từ trước đến nay, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

8-1.jpg -0
Đơn vị pháo binh Hwasong của Quân đội Nhân dân Triều Tiên tiến hành tập trận tấn công hỏa lực ở thành phố cảng Nampho ngày 9/3. Ảnh: YONHAP.

Trong khi đó, phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân ngày 10/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố tăng cường khả năng răn đe trước các mối đe dọa của Triều Tiên thông qua việc thiết lập một hệ thống lên kế hoạch và thực hiện về hạt nhân với Mỹ. Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết thêm Hàn Quốc sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung với Mỹ, đồng thời lưu ý tình hình an ninh ở Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết, trong khi trật tự an ninh toàn cầu đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho hay: “Tổng thống nhấn mạnh rằng trước bất kỳ thách thức nào, chúng ta phải bảo vệ nền dân chủ tự do và đạt được hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên”. Để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, ông Yoon Suk-yeol cho biết, Hàn Quốc sẽ “tăng cường hơn nữa khả năng răn đe mở rộng bằng cách thiết lập một cơ chế lên kế hoạch và thực hiện về hạt nhân giữa Hàn Quốc và Mỹ”.

Hàn Quốc sẽ xây dựng khả năng phản ứng áp đảo và tư thế trừng phạt, thông qua hệ thống quân sự “ba trục” của Hàn Quốc, bao gồm Chiến dịch trừng phạt và trả đũa quy mô lớn của Hàn Quốc (KMPR) - kế hoạch hoạt động nhằm làm mất khả năng lãnh đạo của Triều Tiên trong một xung đột lớn; nền tảng tấn công phủ đầu Kill Chain; và Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc.

Về phần mình, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, Tướng Anthony Cotton ngày 9/3 cho biết Mỹ đang tăng cường mọi thành tố trong năng lực hạt nhân của mình để ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn tiềm ẩn nào từ Triều Tiên. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông nhấn mạnh: “Triều Tiên tiếp tục gây ra mối đe dọa cho Mỹ và các đồng minh của chúng ta. Bình Nhưỡng đã tiến hành một số vụ phóng tên lửa chưa từng có vào năm 2022 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của nước này, được gọi là KN-28, cho thấy thách thức an ninh tiếp tục gia tăng”. Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng răn đe mở rộng hiệu quả, cũng như các liên minh mạnh mẽ, để đối phó với các mối đe dọa và thách thức do Triều Tiên đặt ra.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ nói thêm: “Để đảm bảo khả năng tiếp tục đóng vai trò là nền tảng của khả năng răn đe tích hợp, chúng tôi đang tái cấp vốn cho mọi nhánh của bộ ba hạt nhân cũng như các hệ thống liên lạc và kiểm soát chỉ huy hạt nhân”. Bộ ba hạt nhân bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSBN) và máy bay ném bom chiến lược. Trong đó, các vũ khí chiến lược của Mỹ gồm có tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio và máy bay ném bom B-52, B-2.

Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gia tăng cùng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn trong trạng thái căng thẳng. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các cuộc tập trận quân sự và cũng yêu cầu Washington và Seoul dừng các hành động gây hấn.

Trong một tuyên bố gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc quan ngại về những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên liên quan các thông tin về các vụ phóng tên lửa và cả các cuộc tập trận quân sự chung trên bán đảo Triều Tiên. Điểm mấu chốt và bối cảnh làm nảy sinh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã rõ ràng. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ kiên định hướng tới một giải pháp chính trị, để giải quyết các mối quan tâm của mỗi bên một cách cân bằng thông qua đối thoại có ý nghĩa”.

Khổng Hà
.
.
.