Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt

Thứ Ba, 21/02/2023, 09:27

Xu hướng đối đầu trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu leo thang trở lại, trong bối cảnh Bình Nhưỡng thực hiện 2 vụ phóng tên lửa liên tiếp, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn xung quanh các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 20/2 cho biết, các đơn vị pháo binh nước này đã vừa khai hỏa thành công 2 tên lửa từ hệ thống phóng rocket đa nòng về vùng biển phía Đông. KCNA khẳng định, các quả đạn đánh trúng mục tiêu giả định ở khoảng cách 395km và 337km.

“Bệ phóng rocket đa nòng 600mm tham gia nhiệm vụ là loại vũ khí tấn công đa nòng chính xác mới nhất của quân đội”, KCNA nêu và thông tin thêm thiết bị này có tổng cộng 4 ống phóng, đủ khả năng phát động một đợt tấn công hạt nhân chiến thuật phá hủy một sân bay của đối phương. Bản tin của KCNA cũng nêu rõ, vụ phóng mới nhất còn thể hiện năng lực răn đe và sẵn sàng đối phó của quân đội Triều Tiên trước lực lượng không quân của Mỹ, Hàn Quốc.

cang thang trieu tien 20-2.jpg -0
Hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ lớn của Triều Tiên khai hỏa trong một đợt thử nghiệm năm 2019. Ảnh: KCNA

Theo thông cáo trước đó của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), quân đội Hàn Quốc ghi nhận 2 tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên được khai hỏa lúc 7h đến 7h11 sáng 20/2 (giờ địa phương) từ khu Sukcheon ở tỉnh Pyongannam-do. JCS ước tính các quả đạn đạt tầm bắn lần lượt khoảng 390km và 340km, tương ứng với số liệu được Triều Tiên công bố. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thì mô tả các quả đạn của Triều Tiên có độ cao bay tối đa lần lượt khoảng 100km và 50km.

Đây là đợt phóng tên lửa thứ 2 của Triều Tiên trong vòng 3 ngày qua và là vụ thử vũ khí đáng chú ý thứ 3 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm 2023. Hôm 18/2, Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 theo chỉ thị của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm “xác nhận độ tin cậy và năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân Triều Tiên”, cũng như “đảm bảo hoạt động chính xác, khả năng phản ứng, độ tin cậy, hiệu quả và năng lực chiến đấu của lực lượng răn đe hạt nhân quốc gia”. Hãng tin KCNA tiết lộ, quả Hwasong-15 trong vụ thử đó đạt độ cao tối đa hơn 5.700km, bay xa gần 1.000km rồi đánh trúng mục tiêu.

Trong khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa để “răn đe” các động thái quân sự gia tăng của Mỹ-Hàn ở khu vực thì Washington ngày 19/2, tức chỉ ít giờ sau khi Bình Nhưỡng thử ICBM, đã lập tức thực hiện một cuộc tập trận chung đột xuất mới trên không cùng lực lượng Hàn Quốc và Nhật Bản cuộc tập trận với sự góp mặt của oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer và các tiêm kích F-35A, F-15K, F-16 để “tăng cường khả năng phối hợp, khẳng định cam kết chắc chắn của Mỹ trong bảo vệ bán đảo Triều Tiên và thực hiện răn đe”. Ngoài ra, Mỹ, Hàn Quốc còn lên kế hoạch tổ chức cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do quy mô lớn vào tháng 3/2023 tới. Triều Tiên đã cảnh báo “sẽ phản ứng mạnh mẽ và lâu dài chưa từng có” với cuộc tập trên nêu trên.

Sáng 20/2, bà Kim Yo-jong, quan chức cấp cao Triều Tiên và cũng là em gái Chủ tịch Kim Jong-un thông báo thêm, nước này đang xem xét kỹ lưỡng ảnh hưởng từ cuộc tập trận Mỹ - Hàn tới an ninh quốc gia. “Tần suất sử dụng Thái Bình Dương làm trường bắn của chúng tôi phụ thuộc vào tính chất hành động của lực lượng Mỹ”, bà Kim tuyên bố. Vị này đồng thời bác bỏ hoài nghi về năng lực tên lửa của Triều Tiên, sau khi một số chuyên gia nói rằng, Bình Nhưỡng mất quá nhiều thời gian thực hiện vụ phóng hôm 18/2 theo lệnh của Chủ tịch Kim Jong-un. “Chúng tôi làm chủ công nghệ tương ứng và giờ là lúc tập trung tăng số lượng”, bà Kim phát biểu.

Liên quan đến các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 20/2 cho hay, Tokyo đã đề nghị tiến hành một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an LHQ để thảo luận về tình hình khu vực. Nhật Bản hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 4 cá nhân, 5 thực thể Triều Tiên mà Seoul cho là có liên quan tới chương trình hạt nhân và các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Từ phía LHQ, phát ngôn viên của Tổng thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi Triều Tiên dừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và tuân thủ nghĩa vụ được nêu trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Với hàng loạt động thái, tuyên bố cứng rắn thời gian qua của các bên liên quan, bao gồm việc Hàn Quốc tuần trước đã lần đầu tiên trong 6 năm coi Triều Tiên là “kẻ thù” trong sách trắng quốc phòng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trên đà leo thang tới ngưỡng nguy hiểm. Trong bối cảnh thế giới gần đây chứng kiến nhiều diễn biến không thuận, giới quan sát kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh Đông Bắc Á và Triều Tiên sớm trở lại bàn đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tìm cách vượt qua rào cản của sự thiếu lòng tin. Trong giải quyết mâu thuẫn, dù gay gắt đến đâu, đối thoại hòa bình luôn là giải pháp hiệu quả nhất, song nó đòi hỏi điều kiện tiên quyết là sự tin cậy, chân thành và thiện chí tối đa của các bên liên quan.

Thái Hà
.
.
.