Chính phủ mới ở Afghanistan và những thách thức nhãn tiền
Chính phủ mới do Taliban thành lập chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn, khi phải điều hành một đất nước vốn phụ thuộc nặng nề vào viện trợ quốc tế và đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Reuters dẫn thông báo từ quan chức Taliban Ahmadullah Muttaqi hôm 2/9 cho biết chính phủ mới ở Afghanistan sẽ do thủ lĩnh của lực lượng này - Haibatullah Akhundzada - sẽ nắm quyền lực tối cao, bên dưới ông sẽ là tổng thống. Lãnh đạo tối cao của Taliban có 3 cấp phó, gồm Mawlavi Yaqoob, con trai của người sáng lập quá cố Taliban Mullah Omar; Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani hùng mạnh; và Abdul Ghani Baradar, một trong những thành viên sáng lập của nhóm. Tính chính danh của chính phủ mới trong mắt các nhà tài trợ và nhà đầu tư quốc tế sẽ vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Afghanistan khi đất nước này phải đối mặt với tình trạng hạn hán và cuộc xung đột kéo dài 20 năm đã cướp đi sinh mạng của khoảng 240.000 người Afghanistan.
Một hội đồng lãnh đạo không thông qua bầu cử là cách Taliban vận hành chính phủ đầu tiên của họ khi trở lại nắm quyền sau 20 năm bị Mỹ lật đổ. Chính phủ mới tại Afghanistan sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm khả năng sụp đổ nền kinh tế khi các quốc gia và tổ chức nước ngoài cắt viện trợ, cũng như sự giám sát và áp lực từ cộng đồng quốc tế về hồ sơ nhân quyền.
Những ngày qua, Taliban đã cố gắng thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn với thế giới kể từ khi lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn để trở lại nắm quyền hồi tháng trước, với lời hứa sẽ bảo vệ nhân quyền và không trả đũa những người từng phục vụ Mỹ và chính phủ cũ. Tuy nhiên, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác đang hoài nghi về những lời hứa này và nói rằng, việc chính thức công nhận chính phủ mới và viện trợ kinh tế là tùy thuộc vào hành động của chính phủ mới.
“Chúng tôi sẽ không đưa ra đánh giá dựa trên lời nói mà sẽ dựa trên hành động của họ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói trong cuộc họp báo hôm 1/9. Về phần mình, Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban châu Âu, cho biết Liên minh châu Âu sẽ không chính thức công nhận Taliban cho đến khi họ đáp ứng các điều kiện, bao gồm việc thành lập một chính phủ đa dạng, tôn trọng nhân quyền và không hạn chế việc tiếp cận của các nhân viên cứu trợ.
Afghanistan đang rất cần tiền và giới phân tích nhận định Taliban khó có thể tiếp cận nhanh chóng với khối tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD, chủ yếu do Ngân hàng Trung ương Afghanistan nắm giữ ở nước ngoài. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “đóng băng” các khoản dự trữ của Chính phủ Afghanistan được gửi trong các tài khoản ngân hàng tại Mỹ vào ngày 15/8, sau khi Taliban tiến vào Thủ đô Kabul.
Trong khi đó, IMF cũng nêu rõ Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tiền của quỹ tài chính này. Quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới của Afghanistan do Taliban bổ nhiệm đã tìm cách trấn an những ngân hàng trong nước rằng lực lượng này muốn có một hệ thống tài chính vận hành đầy đủ, nhưng lại chưa cho thấy nhiều thông tin về cách thức lực lượng này sẽ đảm bảo được nguồn vốn để duy trì hệ thống tài chính. GDP của Afghanistan dự kiến sẽ giảm 9,7% trong năm tài khóa này và sẽ tiếp tục giảm thêm 5,2% trong năm tới, các nhà phân tích cho biết trong một báo cáo từ Fitch Group.
“Nếu cộng đồng quốc tế muốn ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ, chỉ còn cách là cho phép Afghanistan tiếp cận có giới hạn các nguồn dự trữ và giám sát hoạt động này. Việc không thể tiếp cận nguồn tài chính dự trữ sẽ khiến nền kinh tế Afghanistan đình trệ, trực tiếp gây tổn thương tới người dân Afghanistan, khi các gia đình bị lún sâu hơn vào cảnh bần cùng”, giáo sư kinh tế tại trường Cao đẳng Montgomery ở Maryland (Mỹ) và là thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Afghanistan từ năm 2002, ông Shah Mehrabi nhận định.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế, quỹ dự trữ lương thực của Liên hợp quốc ở Afghanistan có thể cạn kiệt trong tháng 9 này, đe doạ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói khi khoảng 1/3 dân số trong tổng số 38 triệu người Afghanistan sẽ không biết liệu họ có được ăn một bữa mỗi ngày hay không, từ đó tạo ra thêm thách thức với các nhà cầm quyền mới. Theo hãng tin AP, ông Ramiz Alakbarov, Trưởng đại diện nhân đạo của Liên hợp quốc tại Afghanistan cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực có thể sắp xảy là một thách thức khác mà lực lượng cầm quyền Taliban phải đối mặt trong bối cảnh nhóm này đang tìm cách khôi phục ổn định sau hàng thập kỷ chiến tranh.
Tình hình kinh tế của Afghanistan ra sao trong những tháng tới sẽ phụ thuộc vào hướng quan hệ giữa Taliban và các nước khác. Việc tăng tương tác với các nước láng giềng như Pakistan và Iran, thậm chí với Mỹ và châu Âu, có thể giúp mở đường cho thương mại trên bộ xuyên biên giới và nối lại viện trợ quốc tế, tờ FT nhận định. “Afghanistan một lần nữa phải đối mặt với bóng tối và tương lai phía trước vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta hãy hành động ngay bây giờ để đảm bảo rằng kết quả sẽ không phải là một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, Ajmal Ahmady, cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Afghanistan nhấn mạnh.