Chặng đường gia nhập NATO: Thụy Điển lại vào thế khó

Thứ Năm, 29/06/2023, 17:10

Tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng làm đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hiện tại, khi Hensinki đã trở thành thành viên chính thức của liên minh, Stockholm vẫn chưa thể giải quyết bất đồng với Ankara, nhằm đạt được việc phê duyệt tư cách thành viên từ nước này. Đặc biệt, vụ đốt kinh Koran mới nhất xảy ra hôm 28/6 tại Thụy Điển đã một lần nữa khiến căng thẳng đôi bên gia tăng, làm phức tạp nỗ lực của NATO để kết nạp quốc gia Bắc Âu này  trước thượng đỉnh của khối vào tháng 7 tới.

Theo DW, hôm 28/6 (giờ địa phương), một người đàn ông Thụy Điển gốc Iraq có tên Salwan Momika (37 tuổi) đã bất ngờ đốt cuốn kinh Koran – một văn bản linh thiêng đối với người Hồi giáo, ngay bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại Thủ đô Stockholm (Thụy Điển). 

Cụ thể, Momika phát biểu trước đám đông vài chục người qua loa phóng thanh, giẫm lên kinh Koran và đặt lên đó những dải thịt xông khói, điều bị cấm trong đạo Hồi. Người này còn xin phép cảnh sát được đốt cuốn sách thánh "để bày tỏ quan điểm về kinh Koran", rồi vẫy cờ Thụy Điển. 

Chặng đường gia nhập NATO: Thụy Điển lại vào thế khó -0
Salwan Momika đốt Kinh Koran ở bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại Thủ đô Stockholm. Ảnh: Sweden Post.

Cảnh sát sau đó thông tin, quyết định đồng ý cho tổ chức cuộc biểu tình đốt kinh Koran là phù hợp với quyền tự do ngôn luận, đồng thời cho biết thêm rằng sự kiện không gây ra rủi ro an ninh tức thời. Tuy nhiên, họ đã mở cuộc điều tra liên quan đến "việc kích động chống lại một nhóm sắc tộc" vì Momika chọn đốt kinh Koran quá gần nhà thờ Hồi giáo. Người này cũng bị điều tra vì vi phạm lệnh cấm đốt lửa, đang được áp đặt do nắng nóng.

Vụ việc đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh lễ Eid al-Adha - một lễ hội tôn giáo lớn của người Hồi giáo vừa mới chính thức bắt đầu. Trong một phát biểu trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan lên án việc nhà chức trách Thụy Điển cho phép những hành động chống Hồi giáo này diễn ra là không thể chấp nhận được.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển căng thẳng về vấn đề này. Hồi tháng 1 vừa qua, sau vụ người biểu tình ở Thụy Điển đốt kinh Koran, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hủy chuyến thăm Stockholm.

Hiện nhà chức trách Thụy Điển hiện chưa bình luận gì sau vụ việc trên. Theo giới quan sát, động thái của Thụy Điển có thể khiến họ tiếp tục lỡ hẹn với việc được kết nạp vào NATO trước Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào tháng 7 sắp tới.

Chặng đường gia nhập NATO: Thụy Điển lại vào thế khó -0
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần lên án gay gắt hành vi lặp đi lặp lại việc đốt kinh Koran của người dân Thụy Điển. Ảnh: Stockholmcf.

Trước đó, NATO đã đặt ra mục tiêu kết nạp Thụy Điển trước ngày 11/7 - thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh của khối diễn ra ở Vilnius, Lithuania. Tuy nhiên, với bầu không khí căng thẳng như hiện tại giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu trên có thể đang xa vời.

Về phía quốc tế hôm 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc đốt kinh Koran và cam kết sẽ bảo vệ người Hồi giáo khỏi sự thù ghét. Chính phủ Iraq thì ra tuyên bố lên án mạnh mẽ "các hành vi lặp đi lặp lại việc đốt các bản sao kinh Koran của những cá nhân cực đoan và rối loạn".

Ngoài ra, chính phủ Morocco cũng lên tiếng khẳng định: "Hành động tấn công và vô trách nhiệm này đã coi thường cảm xúc của hơn một tỷ người Hồi giáo, vào thời điểm thiêng liêng của cuộc hành hương vĩ đại tới thánh địa Mecca và dịp lễ Eid al-Adha". 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lấy làm tiếc về hành động đốt kinh Koran của người Hồi giáo tại Thụy Điển, song nhấn mạnh, Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn kết nạp Thụy Điển gia nhập NATO.

Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nghị định thư gia nhập của Thụy Điển để chúng tôi có thể chào đón quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin rằng Thụy Điển đã hoàn thành các cam kết của mình theo thỏa thuận ghi nhớ ba bên đã được thống nhất với Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị thượng đỉnh Madrid năm ngoái. Chúng tôi tin rằng Thụy Điển là một đối tác quốc phòng mạnh mẽ, có khả năng chia sẻ các giá trị của NATO và sẽ củng cố liên minh cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu. Và chúng tôi tiếp tục tin rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên NATO càng sớm càng tốt”.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, ông sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới nhằm cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập liên minh. Đây được cho là nỗ lực cuối cùng nhằm giúp Stockholm trở thành thành viên NATO trước khi hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra vào tháng 7.

Được biết, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng đang trì hoãn chấp thuận Thụy Điển trở thành thành viên, song chưa công bố rõ ràng vướng mắc của họ là gì. Các quan chức NATO hy vọng nếu họ có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng sẽ gật đầu.

Kim Ngọc
.
.
.