"Cành ô liu đặc biệt" dành cho Ukraine

Thứ Ba, 01/03/2022, 08:55

Nếu như Nga lựa chọn tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine để ngăn nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì Liên minh châu Âu (EU) mới đây lại tuyên bố xem xét một "đường đua đặc biệt", để Kiev gia nhập khối.

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, tuyên bố của EU không phải là gieo hy vọng mơ hồ. Trái lại, nó được ví như một “cành ô liu”, phản ánh cam kết về mặt chính trị rằng EU quyết tâm đồng hành cùng Kiev. 

Ukraine không còn “bị bỏ rơi”

Tờ Euronews ngày 28/2 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ: “Chúng tôi có một lộtrình với Ukraine, đó là tích hợp thị trường Ukraine vào thị trường chung của khối. Chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ về mạng lưới năng lượng và trên nhiều lĩnh vực khác. Rõ ràng, theo thời gian, Ukraine đang hoà nhập cùng EU. Chúng tôi muốn họ gia nhập khối”.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu EU quyết định về tư cách thành viên của quốc gia này hôm 27/2. Dù bà von der Leyen chỉ nói ngắn gọn về vấn đề này và chưa đưa ra lịch trình cụ thể cho Ukraine gia nhập khối, nhưng lại viện dẫn rằng EU đã thể hiện sự ủng hộ Kiev bằng một quyết định đặc biệt chưa từng có tiền lệ.

Cụ thể, các nước EU nhất trí cung cấp gói viện trợ quân sự cho Ukraine gồm 450 triệu Euro dành cho vũ khí sát thương, hỗ trợ sát thương và thêm 50 triệu Euro cho gói viện trợ phi sát thương, nhiên liệu, thiết bị bảo hộ. Tất cả số hàng viện trợ này do Quỹ liên chính phủ hòa bình châu Âu của EU chi trả và Ba Lan đóng vai trò trung gian hậu cần để vận chuyển.

Được biết, trong số các nước láng giềng phía Đông của EU, Ukraine là quốc gia có đường biên giới chung lớn thứ hai, dài hơn 1.300km. Tiềm năng cho các liên kết kinh tế, năng lượng và thương mại lớn hơn giữa EU và Ukraine là rất đáng kể. Kiev đã tìm cách gia nhập EU và quá trình này kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, EU cho biết nước này cần tiến hành cải cách để kiểm soát nạn tham nhũng, đặc biệt là dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Theo giới chuyên gia, việc gia nhập EU là một quá trình phức tạp và Ukraine hiện chưa phải ứng viên chính thức. Song, tuyên bố nêu trên của bà von der Leyen đã khẳng định quyết tâm đồng hành và hợp tác chặt chẽ của khối với Kiev. Một số quốc gia thuộc EU như Ba Lan, Hungary, Lithuania nêu quan điểm, rằng việc Ukraine được trao cho một “đường đua đặc biệt” để hội nhập là điều hoàn toàn đúng đắn.

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cũng lên tiếng về vấn đề này như sau: “Ukraine đang chiến đấu vì chính họ và vì cả chúng ta nữa. Họ đang bảo vệ hệ thống của ta, giá trị của ta nên việc đồng hành với Ukraine là không có gì để do dự”.

Theo ông Eduard Heger, nếu như trước đây, EU đầu tư dài hạn vào Ukraine bằng việc trao cho sinh viên nước này số lượng học bổng lớn ở mọi cấp độ thì trong bối cảnh hiện nay, ông nêu ra ý tưởng về một quỹ phục hồi và tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, cũng giống như tuyên bố của bà von der Leyen, điểm mấu chốt ở thời điểm này là Ukraine phải có được hoà bình và phải tham gia hoà đàm một cách nghiêm túc.

a8.jpg -0
EU mời Ukraine gia nhập liên minh trước giờ hoà đàm với Nga. Ảnh minh hoạ: Getty.

Nước cờ hài hoà lợi ích

Rõ ràng, việc EU “chìa cành ô liu” đúng lúc với Ukraine sẽ giúp Tổng thống Zelensky có động lực hơn, không còn cảm giác bị “bỏ rơi” trong cuộc đối đầu trên chiến trường thực địa và cân não trên bàn hoà đàm với Nga. Bởi suy cho cùng, dù EU hiện đang hỗ trợ về tài chính, khí tài cho Kiev, nhưng đó chỉ mang tính ngắn hạn. Một cam kết về mặt chính trị như những gì bà von der Leyen nêu lên cũng phần nào giúp “trấn an” nhà lãnh đạo Ukraine.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu EU không đưa ra bất kỳ cam kết nào thì Ukraine sẽ ít có động lực để từ chối một thoả thuận không thoả đáng từ Moscow. Rất có thể, Ukraine sẽ chấp nhận những điều kiện mà Nga đưa ra, bao gồm việc không gia nhập NATO hay EU để đổi lấy việc Nga rút quân, hỗ trợ kinh tế và duy trì chính phủ, hay xa hơn nữa có thể là cam kết cho phép sáp nhập lại dưới hình thức liên bang. Và đây không phải là kịch bản mà phương Tây mong muốn.

Về phần Nga, điều mà ông Putin quan ngại nhất là việc Ukraine, quốc gia mà Moscow luôn coi là vùng đệm, muốn gia nhập NATO để chống Nga. Nhưng EU lại là một câu chuyện khác. Chèo lái Ukraine không còn là một chính phủ thân Nga nên việc ngăn cản một nước có chủ quyền như Ukraine không được gia nhập một liên minh kinh tế là điều vô lý, vì điều đó không ảnh hưởng tới lợi ích sát sườn của Moscow là an ninh hay ổn định.

Thực tế cho thấy, vì EU luôn khẳng định Ukraine cần tái thiết mới có thể được kết nạp, mà công cuộc tái thiết không phải nhiệm vụ chính trị có thể hoàn thành trong một sớm một chiều, nên Kiev mới nghiêng về phía NATO nhiều đến thế. Do đó, việc EU ủng hộ Kiev gia nhập khối có thể coi là một bước đi giúp giảm nhiệt chiến sự căng thẳng hiện nay, trong bối cảnh cả Nga và Ukraine nhất trí đàm phán tại Belarus. Phải nhắc lại rằng, tuyên bố của bà von der Leyen chỉ nêu rõ, EU muốn Ukraine gia nhập khối này và không hề đả động tới NATO.

Linh Đan
.
.
.