Bề nổi của tảng băng chìm
Đây là cụm từ mà giới chuyên gia dùng để miêu tả việc châu Âu tuyên bố rằng họ đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Trên thực tế, trong khi nguồn cung khí tự nhiên qua đường ống giảm mạnh trong năm nay thì nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga sang Liên minh châu Âu (EU) lại tăng lên khá nhiều.
Cái giá phải trả sẽ là rất lớn
Cụ thể, theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), nhập khẩu LNG từ Nga sang EU tăng 46% trong 9 tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà quan sát Charlie Cooper cho rằng, việc sử dụng ngày càng nhiều khí tự nhiên hóa lỏng vận chuyển bằng đường biển từ Nga có thể khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow trong năm 2023, giữa bối cảnh châu lục này đang tìm cách lấp đầy kho dự trữ khí đốt khi mùa đông tới. Các nhà lãnh đạo EU thường tuyên bố đã giảm mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và điều này sẽ làm sụt giảm doanh thu của xứ bạch dương từ năng lượng.
“Chúng ta phải cắt giảm doanh thu của Nga, hiện đang được sử dụng để chi trả cho chiến dịch quân sự ở Ukraine”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định hồi tháng 9. Trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm đáng kể thì sự kết hợp giữa việc hạn chế dòng chảy khí đốt Nga qua đường ống và việc châu Âu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, trong đó có việc mua LNG từ Moscow lại cho thấy một câu chuyện khác.
Theo các số liệu từ Ủy ban châu Âu, từ tháng 1 - 9/2022, các nước EU nhập khẩu 16,5 tỷ mét khối LNG từ Nga, tăng so với 11,3 tỷ mét khối vào cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, cũng theo số liệu của EC, việc tăng nhập khẩu LNG chỉ là con số nhỏ so với mức độ giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, theo đó châu Âu giảm một nửa nhu cầu khí đốt của Nga từ 105,7 tỷ mét khối trong 9 tháng đầu năm ngoái xuống còn 54,2 tỷ mét khối cùng kỳ năm nay. Theo một phân tích của tập đoàn Montel, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ là những nhà nhập khẩu LNG chính từ Nga năm 2022, với 1/3 LNG tới châu Âu được vận chuyển cho Pháp và gần 1/4 con số này tới Tây Ban Nha.
Hầu hết LNG Nga được vận chuyển tới châu Âu đến từ công ty năng lượng Novatek, hiện đang vận hành trạm LNG Yamaal ở Tây Bắc Siberia. Một số nước châu Âu đã tiến hành các hợp đồng dài hạn để nhập khẩu LNG. Chỉ có 2 quốc gia ở châu Âu là Anh và Litva đã dừng hoàn toàn nhập khẩu LNG từ Nga. Bà Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Columbia cho rằng “các bên đều thấy rất thoải mái khi nhắm mắt làm ngơ để LNG chảy vào châu Âu".
Về mặt kinh tế, chuyên gia Anne-Sophie Corbeau cho biết, việc châu Âu duy trì nhập khẩu LNG từ Nga là một động thái quan trọng. Việc cắt giảm LNG Nga khỏi thị trường EU sẽ khiến các nước châu Âu phải mua nhiều LNG hơn từ các nơi khác trên thế giới, đẩy giá tăng cao. Bà Anne-Sophie Corbeau nhấn mạnh: “Cái giá phải trả sẽ rất lớn và đó không chỉ là điều vô cùng tồi tệ với châu Âu mà còn với nhiều quốc gia khi không thể mua LNG”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhận định, việc tăng nhập khẩu LNG từ Nga sẽ làm tăng nguy cơ Moscow sử dụng LNG làm “vũ khí địa chính trị”.
Giải pháp tình thế
Các nhà phân tích cho biết, một đường ống mới dưới biển nối các cảng Barcelona của Tây Ban Nha và Marseille của Pháp khó có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu trong ngắn hạn, với việc Madrid và Paris đều đồng ý rằng nó có thể sẽ không hoạt động cho đến năm 2030. Dự án chung giữa Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, đã đạt được thỏa thuận vào tháng trước và được đặt tên là BarMar, thay thế MidCat, đường ống dẫn khí đốt được lên kế hoạch xuyên dãy núi Pyrenees từ Tây Ban Nha sang Pháp.
Mặc dù Tây Ban Nha tuyên bố MidCat có thể sẵn sàng vào năm 2023, nhưng nó đã bị Pháp phủ quyết vì phản đối chính trị liên quan đến thiệt hại sinh thái do đường ống được đề xuất đi qua phía Tây Nam của nước này. BarMar chủ yếu sẽ được sử dụng để bơm hydro xanh và các khí tái tạo khác vào lưới năng lượng châu Âu. Hydro xanh được tạo ra bằng cách cho dòng điện chạy qua nước để phân tách nó giữa hydro và oxy, trong một quá trình được gọi là điện phân. Nó được coi là xanh vì điện đến từ các nguồn năng lượng tái tạo không tạo ra bất kỳ khí thải độc hại nào. Hydro chỉ phát ra hơi nước vô hại trong khi nhiên liệu hóa thạch thải ra khí nhà kính có hại khi cháy.
Công ty vận tải biển Maersk có kế hoạch sản xuất tới 2 triệu tấn e-methanol mỗi năm ở Tây Ban Nha vào năm 2030 để cung cấp cho đội tàu chở hàng và cắt giảm lượng khí thải carbon. Dự án trị giá 10 tỷ euro này có khả năng thu hút đầu tư từ Tây Ban Nha và từ các quỹ phục hồi của EU. Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng hy vọng rằng đường ống BarMar sẽ cho phép vận chuyển một số khí đốt tự nhiên để giúp giảm bớt các vấn đề cung cấp của châu Âu bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera, đây là một dự án cần phải cực kỳ an toàn: “Ước tính của chúng tôi là cần khoảng 4-5 năm”. Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher khẳng định rằng dự án sẽ không thể hoạt động cho đến năm 2030. Thời hạn là tháng 12 này các công ty Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, những công ty sẽ xây dựng đường ống BarMar, đưa ra một kế hoạch chi tiết. Thông tin chi tiết dự kiến sẽ được tiết lộ tại một hội nghị có sự tham gia của ba nước vào ngày 9/12 tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch của Ủy ban các chuyên gia về chuyển đổi năng lượng Tây Ban Nha Jorge Sanz đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của đường ống dẫn giữa Barcelona và Marseille. Ông nói: “Để đưa khí đốt từ Barcelona đến Marseille, không cần thiết phải xây dựng một đường ống dẫn giữa Barcelona và Marseille. Họ có thể chuyển hướng các con tàu (chở khí đốt) để thay vì dỡ hàng ở Barcelona, chúng sẽ được chuyển thẳng đến Marseille”.
Vị chuyên gia lưu ý thêm rằng hydro xanh sẽ có số lượng người tiêu dùng ít hơn do việc sử dụng nó bị hạn chế và việc đầu tư vào mạng lưới vận tải sẽ khó thu hồi vốn hơn. Về phần mình, ông Fernando Garcia, nhà phân tích tiện ích tại RBC Capital Markets có trụ sở ở London, cho biết tuyến đường BarMar “rõ ràng” sẽ không khắc phục được các vấn đề về nguồn cung ngắn hạn của châu Âu”. Ông nêu rõ: “Tôi không biết liệu (BarMar) có sẵn sàng vào năm 2030 hay không nhưng rõ ràng nó sẽ không phải vào năm 2023 hoặc 2024, điều đó có nghĩa là nó sẽ không có tác động đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại”.
Tây Ban Nha chiếm 20% sản lượng của các dự án hydro xanh trên thế giới trong quý đầu tiên của năm 2022, trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai sau Mỹ, theo báo cáo của công ty tư vấn Wood Mackenzie. Mặc dù lĩnh vực này vẫn còn sơ khai, Tây Ban Nha đang đi đầu về hydro xanh vì nước này có cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng dồi dào về mặt trời, gió và thủy điện, đặc biệt là có không gian rộng lớn. Không gian là yếu tố then chốt vì các nhà máy năng lượng mặt trời hoặc tuabin gió thường yêu cầu diện tích đất lớn. Đức là quốc gia sản xuất điện mặt trời lớn nhưng vẫn thấp hơn Tây Ban Nha 1,4 lần và với dân số 84 triệu người, có ít không gian hơn để dành cho những cánh đồng rộng lớn bố trí tấm pin mặt trời.
Trong khi đó, Tây Ban Nha có dân số 47 triệu người và nhiều vùng nông thôn rộng lớn đang bỏ trống. Tây Ban Nha có một lợi thế khác so với các nước châu Âu còn lại với một mạng lưới khí đốt tự nhiên lớn và các trạm LNG có thể được sử dụng để vận chuyển hydro xanh. Hiện tại, hạn chế của hydro xanh là chi phí sản xuất khí cao, đồng nghĩa với việc giá khí tự nhiên vẫn rẻ hơn.
Theo nhà phân tích Fernando Garcia, hiện tại vai trò của hydro xanh bị hạn chế trong ngắn hạn và trung hạn: “Hydro xanh hiện là một công nghệ đắt tiền đang ở giai đoạn đầu ở châu Âu”.