Bất ổn chính trường Italia - Châu Âu manh nha khủng hoảng?
Những cuộc khủng hoảng dường như đã không còn xa lạ trên chính trường Italia. Nhưng, cuộc khủng hoảng ngày 21/7, với động thái từ chức được chấp nhận của Thủ tướng Mario Draghi, lại rất khác biệt, khi nó xảy ra vào đúng thời điểm tồi tệ nhất, không chỉ với Italia, mà còn với cả châu Âu.
Vụt mất sự ổn định
Theo Sputnik, Tổng thống Italia Sergio Mattarella ngày 21/7 đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, sau khi ông nộp đơn vào tuần trước do ba đảng trong liên minh rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ.
Trên thực tế, chính phủ Italia đã sụp đổ vào hôm 20/7 khi ba đối tác chính của ông Draghi là Phong trào 5 Sao (M5S), Forza Italia và Liên đoàn không tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà ông đã kêu gọi để tìm cách chấm dứt sự chia rẽ, đồng thời nối lại liên minh vốn đang nổi lên nhiều bất đồng giữa họ.
CNN nhận định, chưa khi nào Italia chứng kiến việc một Thủ tướng với đa số ghế vững chắc tại Quốc hội, lại kiên quyết từ chức, sau khi đảng M5S - đảng lớn thứ 2 trong liên minh cầm quyền - từ chối thông qua một văn kiện được thảo luận tại Thượng viện. Trong một nhận định đầy tuyệt vọng, Thủ tướng Mario Draghi đã nhấn mạnh tới sự kết thúc của tinh thần đoàn kết dân tộc, điều từng giúp ông lên nắm quyền cách đây 17 tháng.
Cuộc khủng hoảng chính trị lần này được cho là đã chấm dứt chuỗi ngày tháng ổn định ở Italia, trong đó ông Draghi đã giúp định hình phản ứng cứng rắn của châu Âu trước cuộc xung đột Nga - Ukraine và đã nâng cao vị thế của nước này trên thị trường tài chính.
Cuộc khủng hoảng cũng xảy ra đúng vào thời điểm tồi tệ nhất, khi Italia phải vật lộn với sự tăng giảm thất thường của giá sinh hoạt, ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine và kế hoạch thực hiện gói “chống phân mảnh” của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo The Guardian, những nỗ lực tuyệt vọng ở Italia nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Mario Draghi chỉ là cơn bão khủng hoảng mới nhất tại châu Âu, với tài chính là ngành hứng chịu đầu tiên. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trở thành tâm điểm cho những căng thẳng trong chính phủ liên minh của ông Draghi khi các đảng chuẩn bị đối đầu trong cuộc bầu cử quốc gia diễn ra đầu năm 2023.
"Nếu nhìn vào đây, đặc biệt là đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, các diễn biến chính trị rõ ràng là rủi ro", Carsten Brzeski - Giám đốc Vĩ mô Toàn cầu tại ngân hàng ING nhận định.
Trong diễn biến mới nhất, trái phiếu và cổ phiếu của Italia đã bị bán tháo mạnh vào ngày 21/7 ngay khi thị trường chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất đầu tiên từ ECB kể từ năm 2011. Việc nhà đầu tư bán tháo trái phiếu Italia khiến lợi suất lên cao. Và nếu lợi suất tại Italia hay Hy Lạp tăng quá cao, tài chính của châu Âu sẽ xuống cấp.
Mặc dù các nước Liên minh châu Âu (EU) sử dụng chung một đồng tiền nhưng lại có chính sách tài khóa khác nhau, khiến cho thị trường tài chính của các nước biến động trái ngược nhau. Vì thế, sự bất ổn tài chính tại một quốc gia có thể lây lan sang các nước thành viên khác.
Manh nha chuỗi khủng hoảng
Kinh tế chỉ là một phần của bức tranh bất ổn mà châu Âu đối mặt khi ông Draghi rời ghế. Viễn cảnh Thủ tướng Mario Draghi cương quyết rời khỏi chính phủ đã xảy ra, và chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất trắc không chỉ đối với sự ổn định của Italia mà còn đối với những vấn đề lợi ích chung hiện nay của phương Tây.
Trên bình diện quốc tế, khủng hoảng chính trị tại Italia là vấn đề quan tâm chung của các nước, nhất là Mỹ và EU. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, nước này đang chú ý theo dõi diễn biến chính trị Italia và bày tỏ sự tôn trọng đối với Thủ tướng Draghi. Về phía EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng khẳng định vai trò đóng góp to lớn của Thủ tướng Draghi đối với Italia và EU.
Cần nhấn mạnh rằng, bất ổn trên chính trường Italia diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức, báo hiệu một giai đoạn khó khăn cho châu Âu khi những khó khăn về kinh tế có thể gây sức ép lên các chính phủ, kích hoạt nguy cơ khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone ngày 21/7 cảnh báo về "thời kỳ bất định" khi Thủ tướng Draghi từ chức. "Italia sẽ bước vào một thời kỳ ít ổn định hơn trước đây và sự bất định khiến mọi người đều không thể an tâm", Bộ trưởng Laurence Boone nhận định.
Lo ngại này xuất phát từ thực tế Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu và đang phát huy vai trò to lớn bên cạnh hai đầu tàu Đức – Pháp. Đặc biệt, sau khi Anh rời EU vì Brexit, trong vài năm qua, châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức –Pháp - Italia làm lãnh đạo trụ cột. Do đó, bất cứ bất ổn nào tại Italia cũng đều sẽ có tác động lớn đến lục địa già.
Hiện nay, nước Anh đang bận rộn lựa chọn một Thủ tướng mới, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không có đa số ghế tại Nghị viện. Xáo trộn chính trị mới tại Italia sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến những bất ổn âm thầm giữa các quốc gia tại châu Âu dễ bùng phát.
Quan trọng hơn, đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm với Italia và châu Âu khi toàn bộ khối đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề nếu Nga cắt khí đốt, cũng như rất nhiều tác động khác về chính trị-kinh tế-xã hội do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Nhiều nhà phân tích châu Âu thậm chí đánh giá đây là thời điểm nguy hiểm nhất với châu lục này từ nhiều thập kỷ qua, nguy hiểm hơn cả khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ công 2012 hay các biến cố về di dân, Brexit. Vì thế, sự bất ổn tại Italia có nguy cơ tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ EU.
Bên cạnh đó, Italia dưới thời Thủ tướng Draghi là đồng minh của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Thủ tướng Mario Draghi là một trong những lãnh đạo phương Tây hoạt động tích cực nhất trong việc hỗ trợ Ukraine và thúc đẩy các kế hoạch ứng phó của châu Âu đối với Nga kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.
Việc ông Mario Draghi quyết định từ chức vào lúc này chắc chắn sẽ gây ra các xáo trộn lớn trong mặt trận đoàn kết, vốn đang chịu nhiều sức ép của các nước châu Âu. Mặc dù những khó khăn mà các chính phủ châu Âu hiện nay đang phải đối mặt không phải đều do cuộc xung độ giữa Nga và Ukraine gây ra, nhưng rõ ràng cuộc xung đột này đã gây ra căng thẳng trên thị trường năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy các nền kinh tế châu Âu vào một chu kỳ khó khăn mới, sau khi tham vọng phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Tuy nhiên, theo Giáo sư lịch sử Giovanni Orsina, tình hình ảm đạm không có nghĩa là chấm hết: “Đây không phải là ngày tận thế. Italia sẽ đi tiếp và tiếp tục là một đối tác tin cậy trong EU, mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên không thể phủ nhận sự hiện diện của Thủ tướng Mario Draghi trong 18 tháng qua là rất quan trọng nhằm tạo uy tín và sức mạnh cho Italia. Đây là một sự mất mát, nhưng không phải là bước đường cùng".
Những diễn biến sắp tới trên chính trường Italia phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella nhằm tránh kịch bản tổ chức bầu cử sớm, đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán ở hậu trường sẽ bắt đầu. Và có lẽ không chỉ Italia, mà toàn châu Âu cũng đang chờ đợi những bước đi mới nhất, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới lục địa già.