Đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng
Hiện nay một số người dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ thích tạo ra sự chú ý cũng như hiếu kỳ của cộng đồng mạng nên chia sẻ, đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật.
Mới đây, tài khoản Facebook L.T.N. (ngụ tỉnh Vĩnh Long) đăng tải, chia sẻ clip với dòng trạng thái: "Đúng sai chưa biết nhưng manh động vầy thì không được rồi, nghe tiếng kêu hét ghê quá, hy vọng sẽ sớm được giải quyết".
Nội dung trong clip cho thấy nhóm đối tượng mang theo hung khí, có hành động đập phá, đạp đổ cửa sắt kèm theo tiếng la hét thất thanh. Chủ tài khoản đăng trên mạng xã hội được nhiều người tiếp tục chia sẻ, với hàng trăm lượt like, thả biểu cảm, bình luận.
Điển hình Facebooker có nickname VinhLong Land bình luận rằng "Vĩnh Long giờ mất an ninh trật tự quá", khiến nhiều người nghĩ rằng sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Qua xác minh, vụ việc trên xảy ra ngày 21/7 tại khu vực phường Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, chủ tài khoản L.T.N. thừa nhận: "Vì thấy clip manh động quá nên chia sẻ, đăng lại chứ không biết xảy ra ở đâu". Tương tự, ngày 14/8, trên Fanpage Quê Tôi Đồng Tháp Mười đăng hình ảnh kèm nội dung "Hai thanh niên ngang nhiên lẻn vào nhà đưa thiếu nữ 15 tuổi lên xe lúc nửa đêm", khiến nhiều người nhầm tưởng bé gái bị bắt cóc .
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trưởng Công an huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), kết quả xác minh bé gái là N.T.T.T. (SN 2008, ngụ huyện Mang Thít). Vào khoảng 1h10' ngày 14/8, có người đến đón T. bằng xe máy. Cùng đi với T., còn có 2 cô gái khác. T. được xác định tự ý bỏ nhà đi và nhờ bạn đến đón. Thông tin trên mạng xã hội cho rằng bé gái bị bắt cóc là không đúng. Qua trao đổi, ông V.V.T. và bà P.T.C.N. (cha mẹ của T.), thời điểm xảy ra sự việc, ông và vợ đi chợ sớm. Khi 2 vợ chồng trở về nhà không thấy con gái nên tìm kiếm và nhờ hàng xóm trích xuất camera, phát hiện T. được 2 thanh niên chở đi. 2 vợ chồng không liên lạc được với con gái nên rất lo lắng. Sau đó, T. mới cho biết gia đình biết là đã đến tỉnh Đắk Lắk để xin đi làm công ty may, đồng thời nhận lỗi vì tự ý rời khỏi nhà và hứa công việc ổn định sẽ quay về.
Ngoài việc chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật, một số trường hợp lợi dụng mạng xã hội nhằm mục đích trục lợi. Điển hình, chủ tài khoản Trường Phụ Hồ đăng vào Fanpage Quê Tôi Thới Hòa - Trà Ôn, với nội dung con bệnh nặng đã điều trị hơn một tháng nhưng không qua khỏi. Chủ tài khoản than thở không còn tiền thuê xe đưa thi thể con về quê làm mai táng, mong được giúp đỡ chút ít chi phí... Công an huyện Trà Ôn xác định vụ việc trên không có thật do đối tượng tự tạo dựng, cắt ghép hình ảnh, bịa đặt nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Vĩnh Long, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, gây rối loạn thông tin. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là mạo danh lãnh đạo, người nổi tiếng để đăng tải tin giả, tin sai sự thật. Sử dụng sự kiện "nóng", các vấn đề thu hút dư luận để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận…
Phòng An ninh chính trị nội bộ đã tham mưu Ban giám đốc chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Công an tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mời làm việc, răn đe, giáo dục 13 đối tượng đăng tin giả, tin sai sự thật, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 đối tượng, với tổng số tiền 22,5 triệu đồng; giáo dục 6 đối tượng đăng tải tin, bài tiêu cực liên quan đến lực lượng Công an nhân dân. Qua làm việc, các đối tượng thừa nhận hành vi sai phạm và cam kết xóa, gỡ bài viết.