Xót xa nhà bảo tàng gần 9 tỉ đồng bỏ hoang
Nhà bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc nằm bên trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được xây dựng bề thế nhưng gần 5 năm qua, kể từ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, đã bị bỏ hoang, phơi mưa phơi nắng cho đến nay.
Công trình gồm 3 khối nhà được xây dựng liền kề, kết nối với nhau, có hình dáng tổng thể như một đường hầm trong lòng đất, trên tổng diện tích đất 1.072m2. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khối nhà một tầng ở phía trước được đưa vào sử dụng với tên gọi Phòng trưng bày bổ sung, còn lại toàn bộ tòa nhà 2 tầng ở giữa và khối nhà 1 tầng ở phía sau vẫn trống không, đóng kín và không hề có hiện vật trưng bày như mục đích ban đầu của dự án.
Do bỏ hoang lâu ngày, các khối nhà này đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng trông thấy rõ rệt. Bên cạnh tường nhà bị bong tróc, sơn tường bị ố vàng, các khối nhà này còn bị bụi bẩn phủ kín khắp nơi, thậm chí ở không ít ngóc ngách không biết từ khi nào đã trở thành nơi tiểu tiện và đại tiện của nhiều người, khiến chúng càng trở nên bẩn thỉu và hôi thối.
Chỉ tay vào các cửa chính, cửa sổ đều được giằng néo bằng các thanh tre và thép buộc, bà Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó Trưởng Ban quản lý Di tích địa đạo Vịnh Mốc cho hay, do các khối nhà lâu ngày không được sử dụng nên bị xuống cấp và hư hỏng, đồng thời bão, lụt cuối năm 2020 có nguy cơ gây hư hỏng thêm chúng, nên đơn vị đã thuê bà con ngư dân trên địa bàn giằng néo lại để đảm bảo an toàn và hạn chế thiệt hại.
“Mục tiêu khi xây dựng dự án là nâng cao giá trị cho khu di tích, phục vụ tốt hơn cho du khách đến tham quan, tìm hiểu địa đạo Vĩnh Mốc, cũng như tìm hiểu về lịch sử của quân và dân Quảng Trị trong năm chiến tranh ác liệt. Thế nhưng đến nay dự án chỉ sử dụng một phần, gây ra sự lãng phí lớn”, bà Chi cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, công trình Nhà bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc được khởi công xây dựng năm 2013, hoàn thành 3 năm sau đó với tổng mức đầu tư gần 9 tỉ đồng, bao gồm 3 khối nhà bề thế nói trên nhưng đến năm 2018 mới được nghiệm thu, quyết toán và đưa vào sử dụng chỉ một phần. Theo bà Chi, lẽ ra dự án chỉ nên xây dựng công trình quy mô vừa phải, với mục tiêu chỉ trưng bày các hiện vật, tài liệu bổ sung. Bởi vì toàn bộ hiện vật, tài liệu chính liên quan đến di tích, chính là hệ thống địa đạo và làng hầm ở đây, mà không cần phải trưng bày thêm.
Do đó, việc xây dựng một công trình lớn như trên sẽ gây ra sự lãng phí là đương nhiên và do không có sự tính toán từ ban đầu. “Ngoài ra, Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị (đơn vị làm chủ đầu tư dự án nói trên) nên tập trung nguồn lực, kinh phí sửa chữa, bảo trì một số hạng mục như các cửa ra vào địa đạo đang bị xuống cấp, hư hỏng, với tính chất cấp thiết và phục vụ thiết thực cho hoạt động tham quan ở đây thì tốt hơn”, bà Chi nói thêm.