“Tắc” dự án bãi đậu xe, “loạn” giá vé giữ xe tại đền Chợ Củi

Thứ Năm, 09/02/2023, 05:50

Dự án Bãi đậu xe, đường nối Quốc lộ 1A vào Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được phê duyệt từ năm 2021, song đến nay vẫn đang dở dang vì vướng mắc 4 hộ dân. Trong khi đó, du khách thập phương đến với Đền Củi đều phiền lòng vì bị “chặt, chém” ngày đầu năm vì bị nâng giá tại các bãi giữ xe tự phát.

Đền Chợ Củi, còn gọi là đền Ông Hoàng Mười là địa chỉ tâm linh, thu hút lượng lớn du khách thập phương đến lễ bái hằng năm. Đặc biệt, những ngày đầu năm, bình quân mỗi ngày tại đây đón hàng nghìn lượt người từ khắp nơi trong cả nước tìm đến du xuân, làm lễ, cầu sức khỏe, tài lộc…

Mặc dù được công nhận là Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia, song tại địa điểm này hiện nay vẫn chưa được xây dựng xứng tầm với quy hoạch, dẫn đến có nhiều hoạt động tự phát, lộn xộn khiến du khách thập phương hết sức phiền lòng. Một trong những hoạt động đó là dịch vụ trông giữ xe, với hàng chục điểm được người dân mở ra, mỗi nơi một mức giá khác nhau, cao hơn giá quy định hiện hành.

den cui-2.jpg -0
Bãi giữ xe của Khu di tích đền Chợ Củi luôn trong tình trạng quá tải.

Cụ thể, theo Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định, mức thu phí gửi xe tại các khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa đối với xe đến 7 chỗ là 20.000 đồng/lượt ban ngày và 30.000 đồng/lượt cả ngày và đêm, nghiêm cấm tự ý nâng mức thu phí trái quy định. Tuy nhiên, những ngày đầu năm, ghi nhận của phóng viên, du khách đến với đền Chợ Củi sẽ phải trả mức giá cào bằng là 30.000 đồng/lượt cho tất cả các loại xe ôtô, từ 5 chỗ đến trên 9 chỗ ngồi. Hầu hết đều không được nhận vé, nếu du khách yêu cầu thì vé được phát vé không ghi ngày tháng, không có con dấu theo quy định.

Bà Trần Thị Viết, Tổ trưởng tổ giữ xe của Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đền Chợ Củi cho biết, bãi giữ xe của Ban quản lý hiện chỉ có sức chứa khoảng hơn 100 xe ôtô. Từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay, bình quân mỗi ngày đón nhận khoảng 500 - 700 xe ôtô của du khách, còn lại quá tải và phải gửi qua các bãi tự phát của người dân.

Do đó, Ban quản lý di tích cũng không quản lý hết được, mặc dù biết các điểm giữ xe tự phát này tự ý nâng mức giá là trái với quy định của pháp luật. Được biết, hàng năm đền Chợ Củi đón hàng vạn lượt khách về làm lễ, hành hương và nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền công đức khoảng 2,5 tỷ đồng, nhưng tiền gửi xe chỉ hơn 100 triệu đồng là một sự thất thoát không hề nhỏ, trong khi hầu hết du khách đến đây đều bị bị “móc túi” một cách công khai.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, liên quan đến Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia đền Chợ Củi, đến nay UBND huyện Nghi Xuân đang nỗ lực chấn chỉnh, quy hoạch và nâng tầm để trở thành điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh tầm cỡ quốc gia. Một trong những nỗ lực đó của chính quyền, là lập lại trật tự, quy hoạch và xây dựng cảnh quan để thu hút du khách, trở thành điểm du lịch tâm linh, tín ngưỡng tin cậy.

Một trong những nỗ lực đó là vào tháng 5/2021, UBND huyện Nghi Xuân đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án bãi đậu xe và đường nối Quốc lộ 1A vào Khu di tích. Dự án nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện quần thể khu di tích, tạo giao thông thuận tiện và giảm tải phương tiện vào tuyến đường hiện tại.

Trong đó, tuyến đường xây mới dài gần 700m, đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng và bãi đậu xe rộng 7.500m với tổng mức đầu tư xấp xỉ 15 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phương Đạt, trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh thi công, thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến khoảng 12 tháng.

Đến thời điểm này, tuyến đường cơ bản đã hoàn thành, song bãi giữ xe vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo đó, dự án ảnh hưởng đến 84 hộ dân, trong đó đến nay đã có 79 hộ thống nhất phương án đền bù và đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Còn 5 hộ dân khác cho rằng chính quyền đền bù với giá thấp nên vẫn chưa chấp nhận, đến nay huyện Nghi Xuân cũng đã tổ chức đến 5 cuộc đối thoại nhưng chưa nhận được sự đồng thuận.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Lê Anh Dũng, tại cuộc đối thoại mới đây nhất diễn ra vào ngày 31/1/2023 vừa qua, các hộ dân ngoài việc cho rằng giá đền bù thấp (54.000 đồng/m2) thì các hộ còn yêu cầu phải thỏa thuận với dân trước thu hồi như dự án thương mại dịch vụ. Trong khi đó, để thực hiện dự án này, ngoài việc đền bù theo quy định, huyện còn hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm.

Được biết, trong thời gian tới nếu các hộ dân này vẫn không chấp nhận phương án đền bù thì chính quyền sẽ xây dựng phương án, tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công để dự án được sớm hoàn thiện. Sau khi xây dựng xong bãi giữ xe, sẽ tiếp tục xây dựng các ki ốt để nhân dân kinh doanh, từng bước xây dựng Khu di tích quy củ, lập lại hoạt động kinh doanh một cách nền nếp, xứng tầm với Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia.

Thiên Thảo

.
.
.