Khai thác vượt giấy phép, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai gây nhiều hệ luỵ

Thứ Bảy, 25/03/2023, 10:33

Công ty cổ phần (CP) cấp nước Đồng Nai là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sonadezi với các lĩnh vực hoạt động là khai thác, xử lý nước phục vụ sinh hoạt đô thị và công nghiệp, phân phối nước sạch; sản xuất các sản phẩm cơ khí chuyên ngành nước; kinh doanh vật tư thiết bị phụ kiện chuyên ngành nước…

Theo giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp ngày 2/5/2019 cho Công ty CP cấp nước Đồng Nai thì Nhà máy nước Thiện Tân - đơn vị trực thuộc doanh nghiệp trên chỉ được khai thác tối đa 225.750m3/ngày đêm từ sông Đồng Nai. Trong đó, Nhà máy nước Thiện Tân giai đoạn 1 và 2 được khai thác tối đa 210.000m3/ ngày đêm và hệ thống cấp nước Vĩnh Cửu được khai thác tối đa 15.750m3/ngày đêm. Lượng nước này phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của TP Biên Hòa cùng các huyện Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất, Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai.

Khai thác vượt giấy phép, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai gây nhiều hệ luỵ -0
Một trạm bơm khai thác nước thô từ sông Đồng Nai của công ty.

Một giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt khác do Bộ TNMT cấp cho Công ty CP cấp nước Đồng Nai vào ngày 10/10/2018 thì Nhà máy nước Nhơn Trạch của công ty này được phép khai thác, sử dụng không quá 105.000m3/ngày đêm từ sông Đồng Nai để phục vụ cấp nước cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt của người dân.

Tổng lượng nước Công ty CP cấp nước Đồng Nai được phép khai thác theo 2 giấy phép trên tối đa là 320.700m3 nước thô/ngày đêm. Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình sản xuất hàng tuần của Chi nhánh cấp nước Thạnh Phú thuộc Công ty CP cấp nước Đồng Nai thì suốt thời gian qua, lượng nước khai thác hàng ngày từ chi nhánh này là rất lớn. Cao điểm nhất, lượng nước thô khai thác, cấp cho Chi nhánh cấp nước Thiện Tân lên đến hơn 225.000m3/ngày đêm (như các ngày 19-22/9/2022, đều vượt trên 222.000m3/ngày đêm); cấp cho Chi nhánh cấp nước Nhơn Trạch có lúc lên tới 113.516m3/ngày đêm (ngày 16/6/2022) và cấp cho Chi nhánh cấp nước Long Bình lên đến 29.083m3/ngày đêm (11/6/2022). Ngoài ra, ngày cao điểm, riêng Chi nhánh cấp nước Thạnh Phú còn sử thêm dụng đến hơn 12.000 m3 nước thô để sản xuất nước sạch. Theo báo cáo riêng về tình hình sản xuất của chi nhánh cấp nước Nhơn Trạch thì trong nhiều thời điểm, lượng nước thô khai thác hàng ngày của đơn vị này đều vượt ngưỡng được phép khai thác, số lượng khai thác vượt mức lên tới hàng vạn mét khối nước/ngày đêm.

Khai thác vượt giấy phép, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai gây nhiều hệ luỵ -0
Nội dung trong giấy phép khai thác nước do Bộ TNMT cấp cho Công ty CP cấp nước Đồng Nai.

Trong khi đó, theo hồ sơ, công suất thiết kế của Nhà máy nước Thiện Tân cũng chỉ là 200.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Nhơn Trạch công suất thiết kế là 100.000m3/ngày đêm và Nhà máy nước Vĩnh An là 4.000m3/ngày đêm. Như vậy, giấy phép của Bộ TNMT thực tế cũng đã nâng lên một phần so công suất thiết kế (như Nhà máy nước Thiện Tân, giấy phép là 210.000m3/ngày đêm so với công suất 200.000m3/ngày đêm). Việc cấp giấy phép khai thác nói trên là đã tính toán tối đa khả năng khai thác của nhà máy, còn trong điều kiện bình thường thì mức khai thác thấp hơn con số này. Tuy nhiên, Công ty CP cấp nước Đồng Nai vẫn tiếp tục khai thác vượt mức giấy phép với khối lượng lớn, kéo dài trong nhiều thời điểm. Theo các chuyên gia, việc khai thác nguồn nước vượt lưu lượng được cấp phép là vi phạm Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ, dẫn tới việc thu lợi bất hợp pháp, gây thất thoát tài chính. Đồng thời, tình trạng liên tục khai thác quá công suất của các nhà máy cũng dẫn đến nguy cơ sự cố nguy hiểm về kỹ thuật, máy móc vận hành và đường ống, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước tại địa bàn.

Khai thác vượt giấy phép, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai gây nhiều hệ luỵ -0
Báo cáo về tình hình khai thác nước thô hàng ngày của đơn vị trực thuộc Công ty CP cấp nước Đồng Nai.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TNMT, đối với tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp thông qua giấy phép và phải thực hiện các quy định của giấy phép (trừ trường hợp khai thác, sử dụng nước với quy mô hộ gia đình). Trường hợp vi phạm quy định của giấy phép thì xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP. Trường hợp khai thác vượt lưu lượng quy định trong giấy phép thì phần lưu lượng vượt quá được coi là khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép theo các quy mô vượt và buộc phải áp dụng xử phạt vi phạm hành chính như trường hợp không có giấy phép.

Đối với hành vi này, tại khoản 3, Điều 10 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) quy định: "Đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép thì phần lưu lượng vượt quá quy định áp dụng xử phạt theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và khoản 14, Điều 9 của Nghị định này". Và khi bị xử phạt theo quy định về hành vi không có giấy phép thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 16, Điều 9 của Nghị định này. Cụ thể, tại khoản 16, Điều 9 quy định biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Do đó, khi khai thác, sử dụng nước vượt quá lưu lượng cho phép thì phần lưu lượng vượt quá bị xử phạt vi phạm hành chính như trường hợp không có giấy phép và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo đúng quy định.

Bảo Sơn
.
.
.