Dân ồ ạt xây dựng công trình không phép tại khu du lịch biển Xuân Thành
Trong nhiều năm vừa qua, các lực lượng chức năng phải hết sức vất vả mới giải phóng được hệ thống ki ốt, hàng quán lụp xụp bủa vây bãi biển thì mới đây chính quyền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại “bật đèn xanh” để cho người dân xây lều ốt chạy dọc bãi biển Xuân Thành, núp bóng nhà tạm hợp đồng hằng năm.
Đầu tháng 12/2023, ông Trần Văn Trì, trú tại thôn Thành Long, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nghe phong thanh thông tin, chính quyền xã Xuân Thành có chủ trương cho các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ trên địa bàn được phép thuê đất, kí hợp đồng hằng năm để xây dựng các ki ốt tạm kinh doanh chạy dọc lạch nước ngọt Bàu Dài (sông Mỹ Dương kéo dài), ông Trì đã nộp đơn đăng ký tại UBND xã Xuân Thành và được chấp thuận.
Sau khi được sự đồng ý của chính quyền, ông Trì đã nhanh chóng triển khai xây dựng nhà hàng Việt Trì. Công trình được kết cấu bằng khung bằng sắt, móng bằng đá, xây gạch, ốp lát khang trang dựa lưng vào lạch Bàu Dài trên diện tích được phép xây dựng là hơn 150m2 theo hợp đồng được ký kết với xã. Cùng thời điểm này, 14 hộ kinh doanh cá thể khác (chủ yếu là nhà hàng, ẩm thực và cà phê) cũng ồ ạt tiến hành xây dựng các ki ốt trên khu vực bám bãi biển Xuân Thành. Đoạn từ quảng trường Xuân Thành đến khu vực Hoa Nắng Camping Beach với chiều dài khoảng 1.500m, thời gian này như đại công trường xây dựng, người dân hối hả tiến hành xây dựng các ki ốt kiên cố để đón mùa du lịch biển.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành cho biết, việc chính quyền xã để cho các hộ dân xây dựng các ki ốt là thực hiện chủ trương của UBND huyện Nghi Xuân, chỉ đạo địa phương cho người dân xây nhà hàng tạm để kinh doanh. Cơ sở nào hoạt động ổn định thì tiếp tục cho duy trì, cơ sở nào không phát huy được sẽ chấm dứt hợp đồng. Theo ông Anh, việc thực hiện cho thuê là có chủ trương của UBND huyện Nghi Xuân, xã làm văn bản và được chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đồng ý, cho thực hiện.
Về kinh phí, chủ tịch xã Xuân Thành cho biết cũng “không đáng là bao nhiêu”, năm đầu tiên cho các hộ thuê xã chưa tính kinh phí, sau đó mỗi năm mỗi ki ốt xã sẽ thu một khoản nhất định. Ông chủ tịch xã không nhớ cụ thể nhưng số tiền mà các hộ kinh doanh phải trả cho xã lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi phóng viên đề nghị cung cấp văn bản đồng ý chủ trương của huyện Nghi Xuân cũng như các hợp đồng liên quan, ông Trần Quốc Anh cho biết, thực chất huyện không có văn bản cụ thể mà chỉ kết luận chung chung trong một cuộc họp giao ban, còn hợp đồng liên quan kế toán đi vắng nên không cung cấp được.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân lại cho rằng, có việc các hộ dân xây ki ốt dọc bãi biển trong khu du lịch biển Xuân Thành, nhưng là xã cho dân mượn để thực hiện. Để tạo điều kiện cho nhân dân kinh doanh nên huyện Nghi Xuân cũng đồng ý chủ trương cho thực hiện. Còn về vấn đề chính quyền các cấp phải qua rất nhiều năm quyết liệt mới giải tỏa xong các ki ốt tạm bợ để trả lại sự thông thoáng, khang trang cho khu du lịch, nhưng nay lại đồng ý cho xây dựng ki ốt tạm bợ, ông Dũng cho rằng các cơ sở bị giải tỏa trước đây chủ yếu nằm bên ngoài bãi biển. Nay các hộ dân xây dựng nằm phía bên trong đường, quá trình xây dựng các hộ dân đều có đơn tự nguyện.
Tuy nhiên, xét về quy hoạch khu du lịch biển Xuân Thành đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt thì việc chính quyền huyện Nghi Xuân “bật đèn xanh” cho các hộ kinh doanh xây ki ốt dọc bãi tắm là đi ngược lại với chủ trương, quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Bởi hiện nay, tại nhiều bãi biển tại các tỉnh miền Trung như Bình Thuận, Nha Trang, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Đà Nẵng cũng đã chấm dứt thực hiện việc xây dựng các ki ốt kinh doanh nhỏ lẻ, lụp xụp đối với phần bám bờ biển gây ảnh hưởng việc tiếp cận cộng đồng đối với biển và làm mất tầm nhìn bờ biển, mất đi cảnh quan bờ biển. Do đó, việc UBND huyện Nghi Xuân có chủ trương cho UBND xã Xuân Thành kí hợp đồng có thu tiền của các hộ dân để họ xây dựng ki ốt kinh doanh dọc bãi tắm là sự bất thường, đi ngược lại xu thế chung của ngành du lịch hiện nay. Đó là chưa kể đến việc khi đi vào hoạt động, các cơ sở này có đảm bảo môi trường, cam kết không xả thải xuống lạch nước Bàu Dài hay không, vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Liên quan đến khu vực này, trước đó vào các ngày 10/8/2017 và 30/3/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án quần thể du lịch sinh thái Xuân Thành và Dự án quần thể khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại khu du lịch Xuân Thành, chủ đầu tư là Công ty CP Song Ngư Sơn Giang Đình và Công ty CP thương mại hợp tác Toàn Cầu. Trong đó, dự án của Công ty CP Song Ngư Sơn Giang Đình do UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Nghi Xuân kêu gọi đầu tư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2017, 2018 và đã phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng 35 hộ dân ngoài lạch và 2 hộ dân trong lạch, nộp tiền ký quỹ với số tiền gần 7 tỷ đồng, nộp hồ sơ xin thuê đất tại sở TN&MT nhưng vì vướng Nghị định 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ nên chưa được giao đất.
Ngày 3/4/2023, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu thực thực hiện đã tháo gỡ và dự án được phép tiến hành các thủ tục thuê đất theo quy định thì bất ngờ ngày 12/9/2023, UBND huyện Nghi Xuân có văn bản số 3937 đề xuất Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh giảm quy mô, không thực hiện dự án đối với hạng mục khu nhà hàng ẩm thực nằm ngoài lạch nước ngọt Bàu Dài. Lý do mà huyện này đưa ra là việc thực hiện đầu tư phần ngoài lạch của dự án gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận biển cho cộng đồng dân cư, giảm lợi ích cộng đồng theo mô hình tại các bãi biển mà các tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng hiện nay đang thực hiện.
Vấn đề này, theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, đối chiếu với phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của UBND huyện Nghi Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt thì vị trí dự án nằm trong khu vực quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ nên phù hợp với mục tiêu dự án. Ngoài ra, dự án đã được chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2020, việc UBND huyện Nghi Xuân yêu cầu giảm quy mô, không thực hiện đối với phần đất nằm ngoài lạch nước ngọt liên quan đến thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết 1/500 nên cần căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư để thực hiện theo quy định.
Trong khi các sở, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp, tìm cách để tháo gỡ cho doanh nghiệp để tiến tới xây dựng khu du lịch bãi tắm Xuân Thành trở thành điểm nhấn du lịch biển của các tỉnh miền Trung thì việc UBND huyện Nghi Xuân lại để cho các hộ dân xây dựng bát nháo hàng chục công trình kiên cố nằm dọc bãi tắm, “bật đèn xanh” cho UBND xã Xuân Thành kí hợp đồng có thu tiền của các hộ dân xây dựng không nằm trong quy hoạch, không có giấy phép xây dựng là sự bất thường, đi ngược lại xu thế chung của ngành du lịch hiện nay.