Những bước chân lặng lẽ ở Trại giam số 6
- Những người đón Tết trong… trại giam cùng phạm nhân
- Phút trải lòng của một người chỉ huy
- Người chỉ huy nhiều chuyên án hình sự
Với thâm niên 15 năm làm Đội trưởng Đội trinh sát, Trung tá Ngô Trí Thảo luôn là "khắc tinh" của phạm nhân trốn nã, bản thân anh có nhiều tham mưu giỏi về công tác trinh sát giúp cho Ban giám thị trại giam có những đối sách hợp lý trong quản lý, giáo dục và cảm hóa phạm nhân. Cũng bởi vậy, nhắc đến anh, nhiều anh em cán bộ chiến sỹ đã vui vẻ gán cho anh biệt danh "người lặng lẽ ở Trại giam số 6", bởi những thành tích của Trung tá Thảo, phần lớn là thầm lặng, không ồn ã, phô trương.
1.Là người được phân công nhiệm vụ phụ trách mảng trại giam từ khoảng 5 năm trở lại đây, tôi đã gặp và làm việc với Trung tá Ngô Trí Thảo rất nhiều lần, hễ cứ có phạm nhân trốn khỏi nơi giam giam giữ được bắt về quy án là tôi lại diện kiến anh để thu thập thông tin, nghe kể lại quá trình truy bắt.
Thế nhưng, lần gặp mà Trung tá Thảo để lại ấn tượng nhiều hơn cả, ấy là lúc anh đứng lên sân khấu kể về những chuyến hành trình tầm nã ra Bắc vào Nam để truy bắt tội phạm, dịp đơn vị tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến vào tháng 3-2015.
Dịp ấy, anh say sưa kể về công việc của những trinh sát quản giáo, trong lúc thừa hành công vụ, không đơn thuần chỉ là pháp lý, mà các anh còn vận dụng cả tình người để vận động, giúp đỡ những người lầm lỡ ra đầu thú, mà nói như anh chia sẻ thì chỉ mong sao, họ bớt được một ngày trong chốn lao tù thì các anh chẳng ngại khó, ngại khổ.
Ấy vậy mà thoắt cái cũng hơn một năm trôi qua, hẹn hò mãi, cuối cùng mới gặp lại được anh để nghe anh kể về những chuyến đi gieo mầm thiện tất bật của đời người.
2.Trung tá Ngô Trí Thảo (SN 1960), quê xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Trước khi về Trại giam số 6 công tác từ năm 1990, anh đã từng có thời gian dài làm nhiệm vụ của cán bộ quản giáo tại Trại giam Tân Hiệp, đóng chân tại Biên Hòa (Đồng Nai).
Với những kinh nghiệm tích lũy được từ bản thân trong suốt quá trình công tác cũng như trong suốt 15 năm làm Đội trưởng Đội trinh sát, Trung tá Ngô Trí Thảo đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban giám thị về công tác trinh sát nắm tình hình phạm nhân, tiến hành tổ chức truy bắt các phạm nhân trốn trại cũng như góp phần giáo dục, cải tạo những phạm nhân chống đối, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc và được đồng nghiệp, ban giám thị đánh giá cao.
Trung tá Ngô Trí Thảo (bìa trái) giao lưu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì ANTQ" của Trại giam số 6. |
Theo Trung tá Thảo, khó khăn lớn nhất trong công tác trinh sát là tình hình tư tưởng phạm nhân có những diễn biến phức tạp, số phạm nhân phạm tội có mức án cao ngày càng nhiều và đặc biệt là phạm nhân chống đối được bóc tách, chuyển từ các trại khác đến nhiều dẫn đến có những phức tạp nhất định.
Trước tình hình đó, Đội Trinh sát đã tham mưu, giúp đề ra chủ trương, biện pháp sát đúng với tình hình và trong từng thời điểm cụ thể để đơn vị có các biện pháp giáo dục, cảm hóa đối với từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, Đội Trinh sát hằng năm còn có nhiệm vụ nghiên cứu hàng nghìn hồ sơ phạm nhân chuyển đến để bố trí giam giữ, bố trí lao động sản xuất hợp lý và đúng quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, dưới sự dìu dắt của Đội trưởng Ngô Trí Thảo, Đội trinh sát trại giam số 6 đã có sự phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tích cực tham gia phong trào tố giác tội phạm, chủ động cung cấp và trao đổi thông tin để có biện pháp phòng ngừa, nhằm hạn chế thấp nhất hoạt động trốn trại của phạm nhân và những vi phạm pháp luật khác trong và ngoài trại giam.
Trong những năm gần đây, các đối tượng chống đối được bóc tách từ các trại giam khác chuyển đến Trại giam số 6 tương đối nhiều. Những phạm nhân này là những kẻ chống đối quyết liệt, bắt con tin, gây bạo loạn ở các trại khác, khi được chuyển đến Ban giám thị đã giao nhiệm vụ cho Đội trinh sát đấu tranh, khai thác và có biện pháp đấu tranh, đấu sách với từng đối tượng cụ thể.
Giai đoạn đầu, gần như đối tượng nào cũng ngoan cố, chống đối, không tiếp thu, bỏ ăn và tiếp tục đòi yêu sách. Thông qua công tác nghiệp vụ, Trung tá Thảo đã cùng với anh em trong đội giáo dục về chế độ chính sách để phạm nhân thấm nhuần, kết hợp các biện pháp ngăn chặn, răn đe. Kết quả, những phạm nhân này đã có chuyển biến rõ rệt và được giảm án trước thời hạn.
Thậm chí, sau khi có chủ trương của Tổng cục VIII, cho những đối tượng 2 năm liền cải tạo tốt được chuyển về thụ án tại trại giam gần nơi cư trú để thuận tiện cho việc thăm nuôi, nhiều phạm nhân đã làm đơn tự nguyện xin được ở lại Trại giam số 6 tiếp tục thụ án.
Điển hình như phạm nhân Nguyễn Văn Vinh (SN 1986), quê Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa), phạm tội cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, án tù 10 năm và vào trại giam ngày 12/2/2006, thụ án tại Trại giam A2 (Bộ Công an). Do thường xuyên chống đối và bị kỷ luật nên ngày 7-5-2012 được chuyển về Trại giam số 6.
Sau thời gian chống đối, phạm nhân Vinh đã được Trung tá Ngô Trí Thảo cảm hóa, giáo dục nên đã chấp hành tốt nội quy, chuyển từ loại yếu thành loại khá trong quá trình xếp loại cải tạo.
Trường hợp khác là phạm nhân Lê Hoàng Tâm (SN 1988), trú Nông Cống (Thanh Hóa), phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thụ án 9 năm tù tại Trại giam A2. Sau thời gian chống đối được bóc tách chuyển về Trại giam số 6, phạm nhân này đã không còn đòi yêu sách và đã ngoan ngoãn chấp hành nội quy của trại giam. Ngày 26/1/2015, phạm nhân này đã viết đơn tự nguyện xin ở lại trại giam số 6 tiếp tục thi hành án.
3. Kể về những lần truy bắt phạm nhân trốn trại, Trung tá Ngô Trí Thảo cho biết, phạm nhân khi đã có ý định bỏ trốn khỏi nơi giam giữ đều tìm đủ mọi cách để chuyển hóa bằng được ý định, với thủ đoạn và phương thức rất tinh vi.
Đơn cử, năm 2011 đơn vị mở đợt cao điểm để truy bắt tên Lê Hồng Kháng (SN 1960), trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Tên Kháng bị bắt ngày 25-4-1981 về tội trộm cắp tài sản, án phát 8 năm tù giam. Thụ án được gần 2 năm thì tên này bỏ trốn vào xã Hoà Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thay tên đổi họ, lấy vợ sinh con.
Sau 28 năm sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, linh cảm mơ hồ về ngày bị bắt sẽ đến nên tên này cố tình vi phạm pháp luật (mua bán trái phép chất ma túy) để bị bắt vào trại nhằm trốn trại. Thời điểm phát hiện ra Kháng, hắn đang thụ án 48 tháng trong trại giam Xuyên Mộc.
Một trường hợp khác là quá trình truy bắt phạm nhân Hoàng Văn Thuận (SN 1964), trú xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), trốn khỏi nơi giam giữ từ năm 1991 sau khi bị kết án 8 năm tù về tội cướp tài sản. Là kẻ ma mãnh, Thuận không ở một chỗ mà di chuyển qua nhiều địa phương, sau đó chọn xã Phước An, huyện Tuy Phước (Bình Định) để ẩn náu dưới vỏ bọc là người chồng mẫn cán.
Tuy nhiên, do vợ chồng không có con, Thuận sinh hư tính, thường xuyên rượu chè, cờ bạc và đánh đập vợ nên bị chính quyền nhắc nhở. Sợ bị lộ danh phận, Thuận lên Tây Nguyên đi làm thuê nhưng đã bị trinh sát Trại giam số 6 lần ra tung tích và bắt về quy án vào năm 2011.
Mới đây nhất, vào tháng 10-2015, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1986), trú tại Ba Đình (Hà Nội), phạm tội trộm cắp tài sản, lợi dụng sơ hở sau giờ lao động đã trốn khỏi Trại giam số 6 rồi tìm cách về Hà Nội. Ngay sau khi phát hiện ra, Đội trinh sát đã phối hợp với công an các địa phương, lần theo dấu vết nóng của nữ phạm nhân này.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm "số má" của mình, Hạnh rất ma mãnh khi tìm cách đổi xe liên tục trong suốt chặng hành trình. Khi về đến quê nhà, thị tìm cách vượt biên sang Trung Quốc để lẩn trốn nhưng đã bị trinh sát Trại giam số 6 phối hợp với Công an phường Phúc Xá bắt giữ thành công.
Trung tá Ngô Trí Thảo cũng cho biết thêm, bên cạnh việc chú trọng truy bắt các đối tượng trốn trại, việc nắm bắt tư tưởng, diễn biến tâm lý của phạm nhân để kịp thời ngăn chặn âm mưu bỏ trốn cũng được chú trọng.
Điển hình như vào ngày 4-7-2012, từ nguồn tin cung cấp, trinh sát đã làm rõ phạm nhân Nguyễn Hồng Phúc (SN 1985), án phạt 13 năm 6 tháng tù về tội danh trộm cắp tài sản có ý định trốn trại. Sau khi chuyển hóa nguồn tin, đấu tranh khai thác phạm nhân này đã thừa nhận có âm mưu chuẩn bị trốn khỏi nơi giam giữ. Thời điểm mà phạm nhân này dự kiến là lúc phạm nhân lao động sản xuất để bỏ trốn.
Tiếp đó, vào ngày 13-7-2012, phạm nhân Vũ Văn Thắng (SN 1990), án phạt 20 năm tù tội giết người đã rủ phạm nhân Nguyễn Duy Đông (án phạt 14 năm tù) để cùng thực hiện âm mưu trốn trại. Lộ trình mà hai phạm nhân này vạch ra là sẽ lẩn trốn vào cánh đồng mía, sau đó ra đường Hồ Chí Minh vẫy xe về các tỉnh phía Bắc.
Trong hơn 25 năm công tác tại Trại giam số 6 và suốt 15 năm giữ cương vị đội trưởng Đội Trinh sát, Trung tá Ngô Trí Thảo đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho đơn vị, giúp giữ vững an toàn trại giam. Bản thân anh cũng đã được đơn vị và Tổng cục VIII, Bộ trưởng Bộ Công an tặng nhiều phần thưởng cao quý. Song, phần thưởng lớn nhất mà Trung tá Ngô Trí Thảo muốn nhận được, là ngày càng có nhiều phạm nhân hoàn lương, sớm cải tạo tốt để trở về sum họp với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.