Lính truy nã những chiến sĩ tâm huyết và say nghề
- Trốn truy nã vụ án giết người suốt 15 năm
- 6 đối tượng truy nã trốn tại Huế đã được di lý về Lạng Sơn
Quả thật, cái khó nhất của lực lượng Cảnh sát truy nã là lần tìm thông tin về đối tượng truy nã. Các đối tượng trốn nã thường rất khôn ngoan, xảo quyệt, trốn lâu, trốn sâu ở những vùng sâu vùng xa, thay tên đổi họ, thậm chí cả hình dạng để qua mắt cơ quan chức năng. Thậm chí có đối tượng còn cắt đứt mọi thông tin liên lạc với gia đình, người thân.
Thế nhưng với lực lượng Cảnh sát truy nã Công an Ninh Bình thì năm 2017 thực sự là một năm nổi bật với những chuyên án xuất sắc khi tính đến thời điểm tháng 10-2017 đã bắt được 38 đối tượng truy nã, trong đó có những đối tượng trốn nã gần 30 năm.
Ðối tượng Nguyễn Văn Bao bị bắt sau 25 năm trốn chạy. |
Phòng PC52 với lực lượng mỏng ngoài các cán bộ tham mưu ở nhà lo công việc nội bộ, nhiều cán bộ đi học, chờ hưu, hay nghỉ sinh thì lực lượng tham gia các chuyên án chỉ còn hơn chục đồng chí, nhưng với sự tâm huyết, nhiệt tình, các anh đã thực hiện được nhiều chuyên án lớn như truy bắt đối tượng Hoàng Thị Xuyến (54 tuổi, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 6-9-1988, lợi dụng quen biết với anh Nguyễn Văn Nghệ (SN 1953, trú tại Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), Xuyến đã cùng với Nguyễn Duy Hưng (66 tuổi, Ba Vì, TP Hà Nội) lừa xin cho anh Nghệ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và chiếm đoạt 1 xe máy (hiệu Honda 67), 2 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác.
Sau khi gây án, Xuyến và Hưng đã bỏ trốn vào các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên và thay tên, đổi họ. Tính đến ngày 10-7-2017, sau gần 30 năm lẩn trốn, Xuyến đã bị Phòng PC52 bắt giữ khi đang lẩn trốn tại nhà con gái ruột tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Cũng chỉ ít ngày sau đó đối tượng Nguyễn Văn Bao bị truy nã từ năm 1992 về tội danh "giết người" cũng bị các trinh sát Phòng PC52 bắt giữ sau 25 năm lẩn trốn. Ngày 9-9-1992, do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Văn Bao và Nguyễn Văn Giang (44 tuổi, trú xã Kim Định, huyện Kim Sơn) đã dùng dao đâm anh Nguyễn Văn Hiệp (46 tuổi, trú xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn) tử vong.
Gây án xong, Bao và Giang bỏ trốn vào các tỉnh miền Nam và biên giới giáp Campuchia, thay tên đổi họ để trốn tránh sự truy bắt của cơ quan Công an. Ngày 10-7-2017, Nguyễn Văn Bao bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với tên mới là Đoàn Minh Thái (45 tuổi, đăng ký thường trú tại xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Trước đó, ngày 13-5-2017, Nguyễn Văn Giang cũng bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Khó khăn, vất vả với lực lượng Cảnh sát truy nã thì không thể nào kể xiết, có những chuyến đi vào tận vùng Tây Nguyên, đất Mũi Cà Mau hay đến vùng biên giới xa xôi hẻo lánh giáp Lào… để truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Như chuyến đi bắt đối tượng Trịnh Văn Hào (46 tuổi, trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa), bị Công an Ninh Bình truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ năm 2000. Theo đó tháng 8-2000, Hào cùng các đối tượng Nguyễn Đình Sơn, Trịnh Duy Hương, Hoàng Văn Đạo, Hoàng Văn Trà đã bàn bạc nhau mang sừng tê giác giả đến nhà ông Trần Văn Dụ trú tại xã Ân Hòa, Kim Sơn để bán.
Bằng thủ đoạn dùng viên C sủi, các đối tượng đã lừa ông Dụ đó là tê giác thật và lấy đi 10 triệu đồng. Khi phát hiện mình bị lừa, ông Dụ đã làm đơn tố cáo, ngay sau đó Sơn, Hương, Đạo, Trà, Hào đã bỏ trốn khỏi địa phương. Khi có quyết định truy nã, các đối tượng lần lượt ra đầu thú.
Riêng Hào ngoan cố tìm mọi thủ đoạn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Hắn lẩn trốn khắp các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 8-2017, các trinh sát PC52 đã bắt được Hào khi hắn đang lẩn trốn tại Bình Dương, kết thúc 3 tháng lặn lội truy tìm đối tượng và 17 năm trốn nã của hắn.
Với lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm thì quan trọng nhất vẫn là công tác vận động đầu thú, vừa đảm bảo được an toàn cho anh em trinh sát tham gia truy bắt, vừa mang lại hiệu quả cao.
Khi người trinh sát làm tốt công tác này sẽ vận động người nhà thuyết phục con em mình ra đầu thú hưởng sự khoan hồng của pháp luật, vận động đối tượng tin vào chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ra đầu thú chịu phạt một thời gian, khắc phục hậu quả, sớm được trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.
Ðối tượng Hoàng Thị Xuyến bị bắt sau 30 năm lẩn trốn. |
"Rất nhiều đối tượng bị truy nã về tội nhỏ, nếu họ hiểu biết, được người nhà vận động tốt thì chỉ về chịu án 1 vài năm là được tha, được trở về làm người có ích cho xã hội. Như có trường hợp một đối tượng trốn nã đến vùng sâu chỉ vì tội lừa đảo với số tiền rất nhỏ. Đối tượng này trốn ở một vùng sâu giáp biên giới Campuchia, nhưng vốn là người có hiểu biết, có học hành đàng hoàng nên trong thời gian cư trú tại đây, anh ta hoạt động xã hội rất tích cực, trở thành một cán bộ xã gương mẫu. Vì làm việc tốt, được đưa lên mạng xã hội ca ngợi nên chân tướng bị lộ. Có lẽ anh ta cũng đã từng ân hận, day dứt việc mình làm nên mới tích cực làm việc tốt như thế. Nhưng anh ta không đủ can đảm ra đầu thú. Nếu ra đầu thú có lẽ sau một thời gian cải tạo, anh ta vẫn có thể về giữ chức vụ đó, vẫn làm tốt hơn công việc đang làm mà không mặc cảm về tội lỗi bản thân", Thượng tá Trần Khắc Nha chia sẻ.
Có những đối tượng trốn chui lủi bao nhiêu năm, lúc nào cũng giật mình, nơm nớp lo sợ, cuộc sống khó khăn vất vả, thậm chí gặp phải hiểm nguy, nếu như họ hiểu biết hơn, chịu về quy án sớm hơn thì có lẽ cuộc đời họ đã thay đổi.
"Có những đối tượng bị truy nã trốn sang Trung Quốc nhưng bị đánh đập, bị bóc lột sức lao động thậm tệ, khi trở về quê hương lang thang, vật vờ, mất trí nhớ, không biết quê mình ở đâu, người nhà chỗ nào. Khi đi lạc được đưa về đồn Cảnh sát mới phát hiện là đối tượng truy nã, anh em phải tìm lại người thân đến bảo lãnh cho về vì đã quá già, quá yếu. Sau đó đối tượng cũng mất vì quá yếu trước khi bị đưa ra xét xử. Có trường hợp hài nhất là khi bị bắt, đối tượng quá lớn tuổi lại còn hài hước trêu lại anh em "nếu các anh không bắt sớm thì 1, 2 năm nữa tôi cũng "thăng" rồi". Vì thế chúng tôi mong rằng, các đối tượng và cả người nhà đối tượng hiểu rằng, ra đầu thú là con đường ngắn nhất, an toàn nhất để làm lại cuộc đời", Thượng tá Trần Khắc Nha tâm sự.
Dẫn giải đối tượng truy nã về nhà tạm giữ. |
Chỉ tính riêng trong tháng 9-2017, Phòng PC52 đã vận động được ba đối tượng Trần Huy Công (25 tuổi, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình); Bùi Trọng Đạo (26 tuổi, trú tại TP Ninh Bình; Phạm Ngọc Vĩ (22 tuổi trú tại Nho Quan, Ninh Bình), đều là những đối tượng hình sự trong băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động trên địa bàn huyện Nho Quan, Ninh Bình.
Ngày 17-7-2014, các đối tượng đã tham gia gây rối, đập phá tài sản của quán karaoke do anh H.M.H làm chủ tại xã Phú Lộc, Nho Quan, đánh anh H bị thương rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Bằng sự khéo léo, mềm mỏng, không kém phần cương quyết, phân tích đúng sai cho gia đình đối tượng nhận ra, cuối cùng, người nhà các đối tượng đã cùng các trinh sát vào tận nơi trú ẩn của các đối tượng tại Nghệ An, Hà Tĩnh để vận động ra đầu thú.
Sau mỗi chuyên án, anh em trinh sát lại thở phào nhẹ nhõm bởi thực sự việc bắt được đối tượng truy nã giúp cơ quan điều tra kết thúc vụ án, với những vụ giết người còn giải quyết tâm lý cho gia đình bị hại và cả dư luận xã hội khi bức xúc, hoang mang lo sợ suốt một thời gian dài.
Đó cũng là lời cảnh báo cho các đối tượng truy nã họ không có con đường nào khác ngoài con đường ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nếu quyết tâm làm lại cuộc đời thì chỉ sau một thời gian chịu án là có thể trở thành người có ích cho xã hội, được mọi người dang tay đón nhận.