Brenda Berkman: Nữ cảnh sát cứu hỏa đầu tiên của New York

Thứ Ba, 04/09/2018, 16:26
Trước sự kiện ngày 11-9, ít người quan tâm đến tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát cứu hỏa. Nhưng khi thảm kịch xảy ra, nhiều người lính cứu hỏa đã mãi mãi nằm xuống để cứu mạng sống của những người dân tại New York.


Không mấy ai biết rằng người phụ nữ đầu tiên phải trải qua gian khó như thế nào để được tham gia lực lượng cảnh sát cứu hỏa New York. Người phụ nữ đó chính là Brenda Berkman.

Đam mê làm cảnh sát cứu hỏa

New York là nơi dễ hỏa hoạn hơn nơi nào khác, vì xung đột sắc tộc, vì lừa bảo hiểm lấy tiền bồi thường, vì các băng đảng ma túy tranh giành lãnh địa. Và lính cứu hỏa là một nghề không đơn giản đối với nữ giới bởi có quá nhiều nguy hiểm xảy ra trong công tác, và họ phải chịu đựng không khí thiếu thân thiện tại đơn vị chỉ vì là nữ giới.

Nhưng đối với Berkman, không điều gì là không thể. Berkman sinh năm 1951, ở Asheville, Bắc Carolina. Từ khi còn bé, cha mẹ đã giáo dục Berkman theo tinh thần vì cộng đồng, phục vụ cộng đồng. Một cuốn truyện tranh về nghề chữa cháy đánh thức trong Berkman tình yêu đối với cái nghề không dành cho phụ nữ này.

Ngày ấy, phụ nữ chỉ có thể làm nông nghiệp, thư ký đánh máy, bán hàng rồi lấy chồng sinh con, không có phụ nữ nào làm cảnh sát và cảnh sát chữa cháy lại càng không thể. Và Berkman quyết tâm phá rào cản ấy.

Càng lớn, Berkman càng không thích khi nghe ai đó nói: “Cháu không thể làm việc này việc kia, vì cháu là con gái!”. Berkman ghi danh vào Trường đại học New York, tốt nghiệp khoa Sử rồi học tiếp văn bằng Luật. Nhưng giấc mơ làm cảnh sát cứu hỏa ngày nào không chịu ngủ quên, vẫn luôn thôi thúc trong tim bà.

Cánh cửa hẹp đối với nữ giới

Ngày 2-7-1964, Tổng thống Johnson ký Đạo luật Quyền Dân sự. Đây là đạo luật bao quát nhất về các quyền dân sự được Quốc hội thông qua kể từ thời Tái thiết hậu Nội chiến. Đạo luật Quyền Dân sự 1964 cấm phân biệt chủng tộc hay giới tính trong việc làm và giáo dục. Từ năm 1972, đạo luật bắt đầu có hiệu lực ở địa phương, và năm 1977 lần đầu tiên Phòng Cảnh sát cứu hỏa New York (FDNY) cho phép phụ nữ dự sát hạch tuyển dụng.

Và Berkman là người đầu tiên nộp đơn, khi đó bà đang học năm thứ 3 Đại học Luật. Trong cuộc thi nói trên, đã có 400 phụ nữ làm bài thi viết, 90 người được thi tiếp vòng thi thể lực. Nhưng tất cả đều thất bại trong phần thi thứ 2, và Berkman nằm trong số đó .

Đồng phục của bà Brenda Berkman.

Không chịu bỏ cuộc, bà quyết tâm luyện tập thể lực… Thế nhưng tất cả thí sinh nữ đều thi rớt. Một số nhà báo lúc đó lên tiếng, cho rằng nhà chức trách cố tình đánh trượt thí sinh nữ. Berkman kiện thành phố tội kỳ thị giới tính trong quá trình tuyển chọn. Tất nhiên Berkman công nhận là cảnh sát cứu hỏa cần một số tố chất cơ bắp, nhưng bài thi không thể hiện các điều kiện thực tế của nghề này, mà có những phần rất tùy tiện, vô lý. Thời ấy ai kiện nhà nước mà bị thua thì coi như không còn đất sống và chịu vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Nhưng Berkman vẫn tiếp tục cuộc chiến cho đến cùng.

Vụ kiện bắt đầu vào năm 1979, một vài tờ báo khi đó tung tin luật sư Berkman làm vậy mục đích chỉ để kiếm tiền và đánh bóng tên tuổi. Tòa án bắt Berkman thề phải bỏ nghề luật để làm cảnh sát chữa cháy nếu thắng kiện. Năm 1982, Berkman đã thắng kiện, bỏ công việc luật sư và chuyển sang làm lính cứu hỏa.

Thành lập hội Nữ cảnh sát cứu hỏa Mỹ

Tháng 11-1982, Berkman cùng 40 nữ học viên khác là những nữ cảnh sát cứu hỏa đầu tiên tốt nghiệp ngành này. Nhưng không khí kỳ thị vẫn tồn tại dai dẳng tại đơn vị. Ở các buổi tập đầu tiên với đồng nghiệp nam bà phải tập luyện những bài thể lực mà đàn ông được miễn.

Nhiều nữ đồng nghiệp của Berkman cắn răng chịu đựng mọi sự vô lý tại đơn vị bởi họ sợ bị cô lập, sợ bị tẩy chay hay thậm chí sa thải. Berkman nghĩ rằng nếu bà hoàn thành mọi chỉ tiêu thì không khí ấy sẽ tan đi. Nhưng bà đã nhầm, việc kỳ thị nữ cảnh sát cứu hỏa vẫn không thể chấm dứt.

Rất nhiều thế hệ phụ nữ nước Mỹ đã được truyền cảm hứng từ Đại úy Brenda Berkman

Họ không thích Berkman vì bà ủng hộ phụ nữ và bà từng là luật sư. Họ cũng không thích Berkman vì bà không đến từ New York. Và họ nghĩ Berkman là người Do Thái vì bà đã kết hôn với một người đàn ông Do Thái. Cảnh sát nam đã tẩy chay Berkman, họ không ngồi ăn cùng với bà, thậm chí họ còn phá hoại đồng phục bảo hộ cũng như trang thiết bị chữa cháy của bà. Thế nhưng, với đam mê cháy bỏng đối với nghề cảnh sát cứu hỏa, bà đã vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh trong công tác và đã gặt hái được những thành công nhất định.

Berkman đã kêu gọi các nữ đồng nghiệp lập ra Hội Nữ cảnh sát cứu hỏa, và tổ chức này tồn tại đến tận ngày nay. Berkman nói: “Tổ chức này đã cho chúng tôi tiếng nói mạnh mẽ. Bởi quan điểm kỳ thị không chỉ đến từ giới mày râu mà còn đến từ các bà vợ của cảnh sát chữa cháy”.

Huyền thoại sống

Ngày 11-9-2001, Berkman được nghỉ khi Trung tâm thương mại thế giới bị tấn công. Bà tức tốc đến ngay hiện trường để tham gia công tác cứu nạn mà không có đồ bảo hộ hay bất kỳ trang thiết bị chữa cháy nào. Chiều hôm đó người ta tìm thấy bà trong đống đổ nát. Rất nhiều cảnh sát cứu hỏa đã hy sinh trong cuộc tìm kiếm người sống sót. Và một tuần sau vẫn còn thêm nhiều cảnh sát chết vì ngộ độc khói.

Sau vụ 11-9, cảnh sát chữa cháy New York đã trở thành những người hùng thật sự của nước Mỹ. Những anh hùng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì sự bình yên của người dân. Trong sự kiện đau thương này, 343 cảnh sát cứu hỏa New York đã mãi mãi nằm xuống.

Năm 1996, Berkman là phụ nữ và cảnh sát cứu hỏa Mỹ đầu tiên tham gia chương trình thực tập trong Nhà Trắng. Đây là một vinh dự rất lớn, chỉ chọn 15 người trong khoảng 1.000 ứng viên. Tháng 9-2008, Berkman về hưu với cấp bậc đại úy.

Berkman đã làm một công việc mà bà yêu thích trong suốt 25 năm. Bà cũng chính là người thành lập và là cựu Chủ tịch Hội Nữ cảnh sát cứu hỏa của Mỹ, mà tiền thân là Hội Nữ cảnh sát cứu hỏa New York. Tuy về hưu nhưng bà vẫn huấn luyện nghiệp vụ tại Sở Cảnh sát New York và Học viện Cảnh sát Cứu hỏa Quốc gia Mỹ.

Trong sự nghiệp làm cảnh sát cứu hỏa Berkman đã nhận được rất nhiều giải thưởng như:  Susan B. Anthony từ Hội Phụ nữ Quốc gia Mỹ (1984), Giải thưởng Cựu sinh viên xuất sắc từ Trường Cao đẳng St. Olaf, Giải thưởng Phụ nữ Can đảm của Hội Phụ nữ Quốc gia Mỹ (2002)…Ngoài ra, bà còn được Hiệp hội Lịch sử Lao động New York vinh danh năm 2005.

Cuộc đời của Berkman được thực hiện trong bộ phim tài liệu “Taking the Heat” vào năm 2006 đã thu hút được một lượng khán giả rất lớn của Mỹ. Và cuốn sách có tên “The Female Lead”, kể về cuộc đời của người nữ cảnh sát cứu hỏa Berkman, đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho một thế hệ các cô gái mới của nước Mỹ.

Hoa Nam (tổng hợp)
.
.
.