Tuyên truyền đẩy lùi nạn tảo hôn ở huyện miền núi Nam Giang

Thứ Bảy, 19/10/2024, 09:03

Nam Giang là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, có khoảng 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tảo hôn, song tình trạng này vẫn còn diễn ra âm ỉ. Do đó, để xóa bỏ dứt điểm nạn tảo hôn trên địa bàn huyện Nam Giang đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, đoàn thể xã hội.

Theo UBND huyện Nam Giang, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện có 51 trường hợp tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù tỷ lệ tảo hôn đã giảm nhanh theo từng năm, song hủ tục này vẫn còn âm ỉ. Việc kết hôn sớm khiến trẻ vị thành niên vùng cao phải dừng lại việc học tập, thiếu kiến thức chăm sóc con cái, gia đình, sức khỏe của bà mẹ suy giảm, trẻ con sinh ra suy dinh dưỡng và thêm nhiều hệ lụy khác...

Đây là rào cản để thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em ở khu vực miền núi. Vì vậy, công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống, hay xóa bỏ bạo lực gia đình, nâng cao năng lực cho phụ nữ về giới, bình đẳng giới cần được chú trọng thường xuyên, liên tục.

Tuyên truyền đẩy lùi nạn tảo hôn ở huyện miền núi Nam Giang -0
Việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn được triển khai thường xuyên tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), trong đó có hình thức sân khấu hóa để dễ tiếp cận với phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà A Rất Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Giang cho biết, để ngăn ngừa, hạn chế tiến đến xóa bỏ nạn tảo hôn, những năm qua, Hội LHPN huyện Nam Giang đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn đến các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý, từ khi triển khai dự án Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, trong đó có Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện và các địa phương đã phối hợp, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hạn chế, tiến đến ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn cũng như tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở miền núi.

Dự án 8 được lãnh đạo huyện Nam Giang rất quan tâm, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương, các trường THPT, THCS, các cơ quan Công an, Quân sự và 3 Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện đã cùng phối hợp, hỗ trợ và thực hiện xuyên suốt, từ đó mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể là các chương trình hành động đã được ký kết; các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân đã được thực hiện đều khắp từ tuyến xã đến tuyến thôn; các hội thi được tổ chức với nhiều thông điệp cụ thể; các phong trào thi đua được phát động rộng khắp… Đáng chú ý, khi triển khai thực hiện dự án này, Hội LHPN huyện Nam Giang đã gắn kết với “Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực của phụ nữ, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng, trước hết là Hội LHPN các cấp và lực lượng Biên phòng tại các xã biên giới cùng chia sẻ một phần những khó khăn của nhân dân.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng đến xóa bỏ nạn tảo hôn trên địa bàn huyện, ngày 17/10, Hội LHPN huyện Nam Giang đã tổ chức buổi tọa đàm “Tuyên truyền phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống hướng đến bình đẳng giới năm 2024” với sự tham gia của gần 1.000 người. Tại đây, các hội viên phụ nữ, học sinh DTTS đã được nghe các khách mời đến từ Hội LHPN huyện, chính quyền từ xã đến huyện, lãnh đạo Phòng GD&ĐT, lãnh đạo các Đồn Biên phòng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong phòng, chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền miệng, cũng như hình thức sân khấu hóa và hướng đến đối tượng chính là phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn các xã vùng cao biên giới của huyện Nam Giang. Đây là một trong những hoạt động tuyên truyền rất quan trọng trong công tác xóa bỏ những hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS, từ đó chung tay xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS của huyện Nam Giang.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, một trong những khó khăn để xóa bỏ triệt để nạn tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện chủ yếu là từ nhận thức, tập quán lạc hậu, tâm lý trọng nam khinh nữ, định kiến giới nặng nề đã ăn sâu, bám rễ từ rất lâu trong cộng đồng DTTS. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác, như điều kiện sống còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở, bất đồng ngôn ngữ; phụ nữ DTTS ít có cơ hội tiếp cận thông tin, truyền thông, giao lưu cộng đồng, tâm lý e ngại, tự ti… Thêm nữa là việc phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ thôn, bản trong thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS còn hạn chế.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, huyện Nam Giang tập trung tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… giúp phụ nữ DTTS tự chủ làm kinh tế; thu nhập ổn định; đầu tư chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng DTTS.

Bên cạnh đó, huyện còn định hướng, chỉ đạo, động viên, khích lệ, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ thôn, bản, các già làng, trưởng bản nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, không chỉ xóa bỏ những quan niệm lạc hậu, phân biệt đối xử, coi thường phụ nữ. Đẩy mạnh triển khai các phong trào, chương trình phù hợp điều kiện, đặc điểm từng địa bàn, từng đối tượng một cách hiệu quả, giúp phụ nữ DTTS tự vươn lên làm chủ cuộc sống, thể hiện năng lực và vai trò của mình.

Ngọc Thi
.
.
.