Tuyển dụng lao động sẽ khởi sắc sau giãn cách
Nhiều địa phương đang dần nới lỏng các quy định giãn cách khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn. Theo nhận định của các chuyên gia lao động, trong tương lai ngắn, nhu cầu tuyển dụng việc làm sẽ tăng trở lại.
Khi chuẩn bị bước vào những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành nghề, lĩnh vực sẽ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Những ngành nghề được dự báo tuyển dụng sẽ tăng gồm thương mại điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, vận chuyển… Từ đó, cơ hội việc làm sẽ được mở ra cho người lao động.
Tăng tuyển dụng nhiều ngành nghề
Trao đổi với PV, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ, quãng thời gian các tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đã ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường lao động từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 - 30% công suất. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế. Lao động có việc làm tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc... Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc làm phải rời khỏi thị trường.
“Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị và tính toán trước để ứng phó với tình hình dịch bệnh song vẫn gặp nhiều khó khăn và từ đó nhu cầu tuyển dụng cũng giảm xuống đáng kể ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Tuy vậy, ở một số ngành nghề thuộc lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng tăng nhẹ, nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn có nhiều cơ hội việc làm mới”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, ông Thành cho rằng, sẽ có tín hiệu lạc quan khi tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh, dịch bệnh đã dần được kiểm soát, TP Hà Nội đã dần nới lỏng giãn cách, thị trường lao động có cơ hội để phục hồi. Nhu cầu hàng hoá sẽ trở nên cấp bách với nhiều doanh nghiệp khi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng thời gian ngắn. Do đó, sau giãn cách, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh trở lại. Ngành dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới, đặc biệt là những doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông. Mức lương ngành này chủ yếu từ 5-7 triệu đồng/tháng, 7-10 triệu đồng/tháng và tập trung vào các vị trí thu ngân, bán hàng, vận chuyển…
Bên cạnh đó, theo kết quả thu thập thông tin việc làm của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ thông tin.
Cần giải quyết nghịch lý cung cầu lao động
Theo một khảo sát do nhóm nghiên cứu của ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (thuộc Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) triển khai trước thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội (từ tháng 5 đến giữa tháng 7/2021), xu hướng tuyển dụng cuối năm 2021, hơn 80% doanh nghiệp có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng. Sản xuất và chế biến chế tạo đứng đầu trong 6 lĩnh vực dự kiến hoạt động tuyển dụng trở lại như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tập trung ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo (26,5%); bán sỉ, bán lẻ và thương mại (16,3%); công nghệ thông tin (15,3%); giáo dục và đào tạo (7,1%); xây dựng (5,1%) và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp (5,1%).
Dự báo nhu cầu tuyển dụng cuối năm sẽ tăng, tuy vậy, khi nhiều địa phương bắt buộc phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, người lao động mất việc, đặc biệt là khu vực phía Nam, sẽ di chuyển ồ ạt về quê tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động. Theo Cục Việc làm, dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung - cầu lao động. Các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ có nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi đó ở một số địa phương người lao động trở về lại dư thừa nhân lực.
Trước nguy cơ nơi thừa, nơi thiếu, Cục Việc làm đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến. Việc này không chỉ trong phạm vi tỉnh, thành phố mà có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là các địa phương có nhiều lao động quay trở về tránh dịch.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, để giải quyết bài toán này, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần vào cuộc, có thể làm phiếu khai báo về lao động; đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Từ khai báo của người lao động, khớp nối với nhu cầu của doanh nghiệp. Dựa vào đó giao cho hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ người lao động.
“Vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm rất cần được tăng cường để đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động trong giai đoạn này. Còn về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững. Để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nhận định.