Tiêm chủng đạt tỉ lệ nhất định, nên mạnh dạn “mở cửa”

Thứ Bảy, 18/09/2021, 08:02

Ngày 17/9, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần chuyển chiến lược phòng chống COVID-19, cần sống chung với COVID-19. Bởi nếu quét sạch COVID-19 lần này thì cũng không đảm bảo dịch bệnh sẽ không quay trở lại. COVID-19 có thể được tiêu diệt nhưng không thể làm được trong tháng này hoặc trong năm nay mà phải trong những năm tới và cùng các quốc gia khác. Ngành y tế không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, tiếp tục truy vết vì rất tốn kém mà phải chuyển thành xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng.

"TP Hồ Chí Minh cần xác định "sống chung" với COVID-19 và tính toán mở cửa từng phần để phục hồi kinh tế. Tiêm chủng đã đạt tỉ lệ nhất định thì nên mạnh dạn mở cửa", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm. Với doanh nghiệp, thành phố cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước. Doanh nghiệp phát hiện ca dương tính sẽ phải được cách ly nhưng các trường hợp còn lại chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp.

4-5.jpg -0
Tỷ lệ tiêm vaccine là yếu tố quan trọng để nới lỏng giãn cách.

GS.TS.BS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều kiện cần nhất để mở cửa là phải bao phủ vaccine, tiếp theo là thực hiện 5K cùng những yếu tố khác. Đóng cửa, phong tỏa chỉ phù hợp khi chặn nguồn lây từ bên ngoài. Khi dịch ngấm sâu, lan rộng thì việc chạy theo chặn nguồn lây là chưa phù hợp bởi càng truy càng ra F0. Thành phố phải "sống chung" với COVID-19.

Cùng quan điểm này, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đề nghị thành phố cần mạnh dạn từng bước nới lỏng cùng lúc với việc tập trung bao phủ vaccine và can thiệp sớm tại cộng đồng đối với F0. Nếu xét nghiệm để bóc tách thì chuyển F0 đi nơi khác nhằm giữ cho khu dân cư là "vùng xanh". Song nếu giữ "vùng xanh" bằng cách này, thành phố phải làm xét nghiệm liên tục với tần suất 3 ngày/lần và sẽ tốn rất nhiều nhân lực, vật lực. Thành phố nên cân nhắc, không xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 để dành nguồn lực vào việc bao phủ vaccine tới người dân. Cho rằng khi thành phố nới lỏng giãn cách, chắc chắn số ca F0 sẽ tăng lên, GS Trần Diệp Tuấn góp ý ngay từ bây giờ thành phố cần tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu…

Nhiều ý kiến khác cũng chung nhận định không thể loại trừ dịch COVID-19 ra khỏi cộng đồng thời điểm này. Điều kiện chuẩn bị để phòng, chống dịch của thành phố hiện cũng tương đối đảm bảo. Trong khi đó sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm.

Chung quan điểm với các chuyên gia, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, có quận 700.000 nhân khẩu, nhưng danh sách đề nghị lên thành phố đã có hơn 600.000 người cần được hỗ trợ. Giãn cách kéo dài khiến nhiều người mất việc, phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều nơi người dân sống trong không gian chật chội, không đảm bảo giãn cách như yêu cầu của ngành y tế. Do đó, đã đến lúc thành phố phải từng bước mở cửa, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro và nhất là không được chủ quan. Điều quan trọng thời gian tới là phải cải thiện hệ thống y tế dự phòng. Trong đó phải quy định rõ ràng các bước phải làm khi phát hiện F0 trong cộng đồng.

Đ.Thắng
.
.
.