Hàng không, du lịch và cơ hội mở cửa với “hộ chiếu sức khỏe điện tử”

Chủ Nhật, 12/09/2021, 11:02

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Thời gian qua một số hãng hàng không Việt Nam đã áp dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử” với hành khách bay chuyến quốc tế đạt kết quả tích cực. Với những dấu hiệu này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam có thể sớm mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa, nhất là khi số người tiêm đủ hai mũi vaccine ngày càng nhiều.

Đề xuất mở lại đường bay nội địa

Cho đến thời điểm này, các đường bay nội địa chở khách thường lệ đều đã ngưng hoạt động, chỉ duy trì đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh với tần suất tối đa 2 chuyến/ngày giao Vietnam Airlines khai thác. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tổ chức cách ly tại 2 thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các hãng không thể thực hiện khai thác đường bay này.

Hàng không, du lịch và cơ hội mở cửa với “hộ chiếu sức khỏe điện tử” -0
Ngành hàng không đang kỳ vọng vào “hộ chiếu vaccine” để từng bước mở lại hoạt động đi lại nội địa và quốc tế.

Do đó, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa hiện chỉ còn các chuyến bay chở hàng hóa và các chuyến bay kết hợp chở hành khách với đối tượng là công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19; các trường hợp có văn bản đồng ý của địa phương như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương…

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019…

Một chuyên gia khác nhìn nhận: “Ngành hàng không đang là những “con bệnh” cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai”.

Trước tình cảnh nói trên, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các sân bay trên cả nước sẽ được phân chia theo nhóm A (vùng xanh), nhóm B (vùng vàng) và nhóm C (vùng đỏ) để kích hoạt bay nội địa trở lại.

Theo đề xuất của Cục Hàng không, chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách. Tuy nhiên, khách đi máy bay phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B: Khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 chỉ cần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Các hành khách khác phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và đáp ứng về chứng nhận hoàn thành cách ly, hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát. Bên cạnh đó, Cục Hàng không đề xuất cho phép các hãng hàng không Việt Nam được phép tổ chức mở bán, khai thác các đường bay nội địa với các yêu cầu, điều kiện nêu trên theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất khai thác trên cơ sở slot.

Chìa khóa mở cửa biên giới

Theo ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay quốc tế Vân Đồn, các chuyến bay đưa khách quốc tế về Việt Nam áp dụng hình thức “hộ chiếu sức khoẻ”sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi hơn nữa tới những người có nhu cầu đi lại thực sự. Đó là những đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới có nguyện vọng hồi hương, các doanh nhân, đội ngũ chuyên gia...

Thậm chí, tiến tới khôi phục dần các đường bay trong nước, nối lại giao thương khi dịch bệnh dần được kiểm soát. “Điều này cũng phù hợp với lộ trình từng bước thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động giao thương, kinh tế", ông Sáu chia sẻ.

Trong khi chờ mở cửa hàng không, du lịch quốc tế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa, nhất là khi số người tiêm đủ hai mũi vaccine ngày càng nhiều.

“Hộ chiếu sức khỏe điện tử” đã trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hiện tại, Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu sức khỏe điện tử” cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh ở nước ta. Để thực hiện được mục tiêu bắt đầu đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” từ tháng 10/2021 hoặc muộn nhất quý 4/2021, Vietnam Airlines đề nghị cơ quan chức năng ưu tiên việc tiêm vaccine tại Phú Quốc, đảm bảo tối thiểu 70% người dân sớm được tiêm đủ 2 mũi.

Cùng đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành chính thức hướng dẫn đối với việc sử dụng “hộ chiếu vaccine,” quy định cách ly đối với khách du lịch quốc tế đủ điều kiện đến du lịch Phú Quốc và các điểm du lịch khác; có cơ chế để hành khách nội địa đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đến du lịch tại Phú Quốc trong giai đoạn thí điểm.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng kỳ vọng, từ nay đến 30/9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Khi có “hộ chiếu vaccine”, từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế.

Đặng Nhật
.
.
.