Thủ đô Hà Nội thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19: Vì an toàn tính mạng cho người dân

Thứ Năm, 27/01/2022, 14:35

Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã trải qua một năm đầy “sóng gió” với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm này, Hà Nội đã nhanh chóng đánh giá tình hình, chuyển hướng theo chủ trương thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Sau nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Hà Nội đã thành công thực hiện mục tiêu kép, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, kinh tế phục hồi rõ nét.

Luôn chuẩn bị phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn

Nhìn lại bức tranh năm 2021 của Thủ đô, “cơn bão” dịch bệnh đã khiến cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể, mặt trận đều phải căng sức, gồng mình. Nhiều lĩnh vực đã ảnh hưởng nghiêm trọng như: giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; du lịch; vận tải hành khách và xe buýt; vật liệu xây dựng; dịch vụ… Hà Nội đã trải qua 2 tháng giãn cách xã hội (từ ngày 24/7 đến 20/9), kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.

DBCAND12- -0
Hà Nội đã tiêm phủ vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, nhiều trường học bắt đầu cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp ở khối 9 và khối 12.

Mặc dù số ca bệnh tăng cao, có những thời điểm, số ca mắc mới liên tục dẫn đầu cả nước nhưng tỷ lệ tử vong lại rất thấp. Điều này cho thấy, Hà Nội đã có những “bước đi” chắc chắn và đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội đầu tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định, Hà Nội là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua nhưng đến nay, Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch.

Tiếp đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế đầu tháng 12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng đánh giá, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hầu hết các loại dịch bệnh có số ca mắc giảm dần theo các năm và đặc biệt là hạn chế được ca bệnh tử vong. “Đặc biệt, Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của TP trong kiểm soát dịch COVID-19”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

DBCAND12- -0

Nhận định về công tác phòng, chống dịch bệnh của Thủ đô, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, TP đã luôn chủ động, kịp thời trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng và đúng với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Trung ương và phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của TP. Phương án phòng, chống dịch luôn được chuẩn bị ở cấp độ cao hơn với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân.

Từ khi mở lại các hoạt động đến nay, mặc dù số ca F0 tăng cao, nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, Hà Nội đã mở chiến dịch tiêm chủng “thần tốc”. Đây là chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên địa bàn với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đến ngày 28/12, Hà Nội đã tiêm được 11.767.691 mũi cho các đối tượng đủ điều kiện. Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ở giai đoạn 3, TP đã triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

Trong giai đoạn này, số ca F0 liên tục tăng cao nhưng TP chỉ có 69/1.057 điểm phong tỏa với quy mô nhỏ nhất có thể, theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Hà Nội cũng chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ "Zero COVID" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; chủ động theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới.

TP kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thông qua các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Trung ương và chính sách hỗ trợ đặc thù của Thủ đô, Hà Nội đã hỗ trợ cho 5,314 triệu lượt đối tượng, với tổng kinh phí chi hỗ trợ là hơn 6.506,3 tỷ đồng.

Cùng với đó, kinh tế của TP đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi,  dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 2,92%. Số thu ngân sách thực hiện ước đạt 238.729 tỷ đồng, bằng 110,1% kế hoạch. Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hà Nội tổ chức 2 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước địa bàn TP.

Nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp mắc biến chủng Omicron, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, nhưng như vậy nguy cơ xâm nhập là có thể xảy ra. Biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh có thể làm quá tải hệ thống y tế, biến chủng này là thách thức lớn với thế giới chứ không chỉ riêng nước ta.

Chính vì vậy, trên địa bàn Thủ đô càng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. TP đã có chỉ đạo đến các cấp, các ngành tiếp tục tập trung vào các giải pháp chủ yếu mà TP đang thực hiện, làm thật tốt công tác phòng, chống dịch từ cơ sở, nhất là nâng cao năng lực cho hệ thống y tế từ TP xuống cơ sở. TP sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự giác phòng, chống dịch, tiếp tục tuân thủ thật tốt thông điệp “5K”.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định: “Năm 2022, đại dịch COVID-19 chắc chắn vẫn là khó khăn, phức tạp, cũng sẽ còn là sự cản trở lớn với sự tăng trưởng. Nhưng Hà Nội và cả nước đã xác định sống chung với COVID-19 trên tinh thần trong “nguy” có “cơ” và phải nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”. Thành ủy sẽ chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn”.

DBCAND12- -0
Hà Nội đã tiêm phủ vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, nhiều trường học bắt đầu cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp ở khối 9 và khối 12.

Nói về số ca bệnh tăng cao mỗi ngày, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, số ca COVID-19 tăng nóng thời gian gần đây tại Hà Nội đã nằm trong kịch bản được lường trước, với chủ trương sống chung với dịch thì “phải chấp nhận việc dịch bệnh lây lan”. Trong bối cảnh hiện tại, ngành y tế TP đang nỗ lực để bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, giảm tỉ lệ tử vong ở những trường hợp này.

Hà Nội cũng triển khai các tổ y tế lưu động tiêm ngay tại nhà cho những người yếu thế, người có bệnh lý nền, những người không thể đến cơ sở y tế để tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Hiện nay, việc F0 thể nhẹ được điều trị tại nhà cũng sẽ giảm tải rất lớn cho các bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Năm 2022, theo người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội, TP sẽ chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá cán bộ.

Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp bảo đảm cân đối lớn, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

“Với quan điểm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Hà Nội sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngọc Yến
.
.
.