Hà Nội hướng tới mục tiêu “3 không” trong kiểm soát dịch bệnh

Thứ Năm, 20/01/2022, 07:53

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Hà Nội sáng 19/1, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kiến nghị 5 giải pháp hướng tới mục tiêu “3 không” để Thủ đô kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh... Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần bổ sung thêm các trạm y tế lưu động cho địa bàn nóng, các túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Công cụ quan trọng là vaccine và thuốc kháng virus

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trung bình từ ngày 13-18/1, Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc/ngày. Số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong đang trong giới hạn kiểm soát. Thành phố hiện đang điều trị 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện Trung ương và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỷ lệ 95,33%); tầng 2 là 2.263 người (tỷ lệ 3,65%); tầng 3 là 636 người (tỷ lệ 1,02%).

Tại phiên họp, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (nơi đang phối hợp hỗ trợ hiệu quả quận Ba Đình trong công tác điều trị F0 tại nhà) cho rằng, hiện nay cần xác định rõ mục tiêu “3 không”: không lây nhiễm; nếu nhiễm không chuyển nặng; nếu chuyển nặng không tử vong.

“Nếu làm được thì COVID-19 sẽ không còn là đại dịch”, GS Nhung nói. Để thực hiện được các mục tiêu trên, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất 5 giải pháp cụ thể. Giải pháp đầu tiên là phải giảm lây nhiễm. Để làm được điều đó, GS Nhung nói rõ, cần tuyên truyền sâu rộng để người dân chủ động thực hiện 5K và nhận thức rõ đây là biện pháp kiềm chế được lây nhiễm. Bên cạnh đó là khai báo đầy đủ.

PGS. TS Nhung cũng đề xuất: "Tôi cũng đề nghị không sử dụng thuật ngữ F0, F1 bởi nay không còn phù hợp. Chuyển sang khái niệm người nhiễm, người tiếp xúc gần, người có nguy cơ nhiễm". Người dân cũng cần chủ động đánh giá nguy cơ: Chủ động xét nghiệm, chủ động khai báo. Chủ động khai báo sớm, áp dụng cách ly kịp thời sẽ giảm số lây nhiễm.

Thứ hai, PGS. TS Nhung khẳng định vai trò công cụ quan trọng hiện nay là vaccine và thuốc kháng virus. "Báo cáo không chỉ có số % dân số trên 18 tuổi được tiêm mà phải có cả số dân trên 50 tuổi, 65 tuổi được tiêm, người có bệnh nền được tiêm. Mục tiêu không có bệnh nhân chuyển nặng cần tập trung chủ yếu trong nhóm nguy cơ cao nhất. Chúng tôi khuyến cáo, người trên 50 tuổi, có bệnh nền phải được tiêm đủ 3 mũi. Việc này cần đi từng ngõ, gõ từng nhà, có danh sách cụ thể. Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ đồng hành, kêu gọi các bệnh viện khác tham gia để tiêm đủ cho những người này", PGS. TS Nhung nói.

Thứ ba là chăm sóc kịp thời người nhiễm tại cơ sở; đồng thời tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã để giảm tải. Thứ tư là kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện. Để làm được điều đó, ông Nhung cho rằng, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết. Cuối cùng là phải tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.

Đồng tình với những ý kiến xác đáng này, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội cũng đang hướng tới mục tiêu “3 không” và đang tháo gỡ từng phần việc; có các quy trình dựa trên ứng dụng và nền tang các phần mềm quản lý F0 hiện nay…

dich (1).jpg -0
UBND TP Hà Nội yêu cầu từng xã, phường, thị trấn có ngay danh sách ứng trực từ tổ thông tin đến hỗ trợ điều trị F0 tại nhà kèm số điện thoại, số đường dây nóng.

Tự tin kiểm soát tốt dịch bệnh

Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND TP chỉ đạo các địa phương tạm dừng các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với huyện Mỹ Đức, Sở sẽ có buổi làm việc riêng để bàn cụ thể về việc tổ chức lễ hội Chùa Hương, với tinh thần chỉ cho phép tổ chức các nghi thức phần lễ mang tính nội bộ và phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, TP sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức lễ hội dịp đầu năm mới cũng như kiểm soát các dịch vụ văn hóa khác. Đối với trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra vào ngày mùng 1 Tết âm lịch, Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội sẽ làm việc với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, hơn 3 tháng triển khai tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát COVID-19 hiệu quả, Thành ủy, UBND TP, các sở ban ngành tập trung hoạch định, tháo gỡ khó khăn là chính. Cấp cơ sở đã nỗ lực căng mình trong suốt thời gian qua thực hiện “4 tại chỗ”.

“TP gửi lời cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp của các đơn vị cấp cơ sở. Đến nay chúng ta vẫn tự tin kiểm soát tốt dịch bệnh”, Chủ tịch UBND TP nói. Về việc diễn biến dịch bệnh chưa có tiền lệ, hệ thống cũng cần phải điều chỉnh liên tục, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các đơn vị cần quyết tâm, điều phối công việc phải cụ thể, sát tình hình.

Với các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP yêu cầu rõ phải sát sao với từng cố liệu cụ thể trong quản lý rủi ro như: số chuyển tầng, số tiêm vét, số bệnh nhân nặng, số người trong diện tiêm vét… Các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đến từng xã, phường, thị trấn có ngay danh sách ứng trực từ tổ thông tin đến hỗ trợ điều trị F0 tại nhà kèm số điện thoại, số đường dây nóng để báo cáo  TP.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã cần bổ sung thêm các trạm y tế lưu động cho địa bàn nóng; các túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; rà từng trường hợp tiêm vét để đảm bảo số người được tiêm phải là tối đa.

Đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị cấp cơ sở tiếp tục có thêm nhiều kênh thông tin đa dạng để tiếp nhận, chăm sóc kịp thời cho người dân. Các sở, ngành cũng phải có ngay kịch bản, phương án chi tiết để tăng cường cho hệ thống phòng chống dịch từ y tế cơ sở đến bổ sung nhân lực cho các tổng đài ở địa bàn đông dân.

Các ngành còn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch như: Tạm ứng chi công tác phòng, chống dịch cho các bệnh viện, đơn giá dịch vụ thu gom rác thải y tế; phương án cho học sinh từ lớp 7 trở lên đi học trở lại sau Tết, diễn tập trước Tết để triển khai hiệu quả và an toàn… phải tổ chức họp ngay, báo cáo lãnh đạo UBND TP xử lý kịp thời.

“TP sẽ có công điện, chỉ thị phân công cụ thể tới từng đơn vị. Trách nhiệm chúng ta là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân dịp trước, trong, sau Tết”, Chủ tịch UBND TP nói.

Ngọc Yến
.
.
.