Thị trường lao động đang phục hồi tích cực

Thứ Năm, 19/10/2023, 07:47

Thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng 7%, số lao động thất nghiệp cũng giảm gần 14 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là thông tin được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra tại buổi họp báo ngày 17/10 thông tin về tình hình lao động, việc làm đến hết tháng 9/2023. Mặc dù vẫn còn tình trạng người lao động một số ngành nghề đang bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhưng nhiều ngành khác nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động đang có nhiều cải thiện.

Thất nghiệp giảm dần, thu nhập tăng dần

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 9/2023, thị trường lao động đang có những kết quả phục hồi tích cực. Trong đó, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Một thông tin đáng chú ý là tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong quý này. Tuy nhiên lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Thời điểm hiện tại, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%. Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,07 triệu người (giảm 13,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, khiến người lao động bị ảnh hưởng việc làm thì hiện nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Thị trường lao động đang phục hồi tích cực -0
Kết nối cung – cầu lao động là điểm sáng trong bối cảnh thị trường lao động gặp nhiều khó khăn thời gian qua.

Thu nhập bình quân của lao động hiện là 7,0 triệu đồng/tháng, tăng 6,8%, tương ứng tăng 451 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng. Cũng từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 18 cuộc tranh chấp lao động, đình công (giảm 61 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), ,chủ yếu xảy ra tại các tỉnh phía Nam (Tại Bình Dương: 11 cuộc, Đồng Nai: 2 cuộc, TP Hồ Chí Minh: 5 cuộc)

Đẩy mạnh kết nối cung – cầu

Giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động thời gian qua chính là việc các địa phương đã tích cực đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động. Điển hình như Hà Nội, tính đến hết quý III/2023, đã giải quyết được việc làm cho khoảng 160 nghìn người lao động, xấp xỉ mục tiêu kế hoạch năm. Đây là kết quả của việc ngay từ đầu năm, Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối tuyển dụng thông qua hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động làm việc với một số quận, huyện, thị xã, đôn đốc, phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn. Nhờ vậy, từ chỗ ban đầu chỉ có 12 quận, huyện, thị xã đăng ký tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, đến nay, con số này ngày càng tăng, thậm chí có quận, huyện còn đăng ký tổ chức từ 2 đến 3 phiên. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với 14 tỉnh, thành phố, nhằm tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức. Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động đến người lao động tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

“Thị trường lao động năm nay chịu nhiều rủi ro và thách thức, bao gồm sự sụt giảm sức mua ở các thị trường lớn, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, nhiều người lao động bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm và giảm thu nhập. Tuy vậy, bên cạnh nhóm doanh nghiệp giảm quy mô sử dụng lao động, thì vẫn có không ít đơn vị mới thành lập và nhiều công ty không bị ảnh hưởng, từ đó vẫn gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Trong bối cảnh một số doanh nghiệp, ngành nghề vẫn đang phải chịu nhiều thách thức, người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình. Từ đó, trong trường hợp bất khả kháng xảy ra, người lao động có kiến thức và kỹ năng muốn chuyển dịch việc làm cũng dễ dàng hơn”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay.

Ông Thành cho biết thêm, số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ, thường chiếm 90% tổng nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra là khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự biến động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường, kỳ vọng của khách hàng… nên doanh nghiệp sẽ yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên.

Để thị trường lao động phát triển ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, triển khai thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và các giải pháp, chương trình đề án về lao động - việc làm. Các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm sẽ được tăng cường. Hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm bởi hiệu quả kết nối cung – cầu lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm thời gian qua là rất tích cực trong bối cảnh thị trường lao động vẫn phải chịu nhiều khó khăn, thách thức.

Phan Hoạt
.
.
.